Văn hóa - Giải trí

"Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng..."

07:44, 02/02/2015 (GMT+7)

Ra đời vào mùa xuân Canh Tý 1960, đến xuân này, ca khúc Đảng đã cho ta cả một mùa xuân tròn 55 tuổi. Và người nhạc sĩ viết lên giai điệu đó - nhạc sĩ Phạm Tuyên - nay ở tuổi 85 nhưng ký ức về thời điểm viết bài hát này thì ông vẫn nhớ như in.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên             Ảnh: MAI HOÀNG
Nhạc sĩ Phạm Tuyên Ảnh: MAI HOÀNG

Trong căn phòng nhỏ tràn ngập kỷ vật âm nhạc ở khu Vạn Phúc (Hà Nội), nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự: “Sự ra đời của bài hát cũng thật giản dị và hồn nhiên. Tôi đến và dành tình cảm sâu nặng với Đảng ngay từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, khi tôi còn là sinh viên trẻ của Trường Đại học Pháp lý ở chiến khu Việt Bắc, rồi sau đó tòng quân vào học Trường Sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn - khóa “chuẩn bị phản công” (năm 1950).

Ấn tượng của tôi thời gian đó về Đảng, về Bác Hồ kính yêu là những lời hiệu triệu quân dân cả nước chung sức, chung lòng; là những gương hy sinh anh dũng vì nền độc lập tự do của dân tộc. Những sáng tác đầu tay của tôi chỉ viết về tình đồng chí, bạn bè trong quân đội và sau đấy về các em thiếu nhi mặc áo lính khi tôi được cử làm Đại đội trưởng Trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Việt Bắc. Thực lòng lúc ấy, tôi cảm thấy mình chưa đủ tự tin lắm để viết một đề tài mang tính chính luận như viết về Đảng”.

Bài hát đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết về Đảng là bài Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Ca khúc này được viết vào năm 1959, khi nhạc sĩ bắt gặp bài thơ của một chiến sĩ cộng sản Pháp là Louis Aragon qua lời dịch của nhà thơ Tố Hữu. Hồi đó, Phạm Tuyên được cử về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó ít lâu, ca khúc Đảng đã cho ta cả một mùa xuân mới được viết ra.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: “Khoảng đầu năm 60 của thế kỷ 20, khi cả miền Bắc sôi nổi kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, tôi cùng anh em của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đều nghĩ phải có thêm nhiều bài ca ca ngợi Đảng và Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm này. Đầu tháng 2 thường giáp Tết Nguyên đán nên kỷ niệm ngày thành lập Đảng cũng thường mang không khí của mùa xuân, của Tết cổ truyền. Không khí đón xuân năm Canh Tý (1960) thật vui tươi và phấn khởi sau 6 năm miền Bắc sống trong không khí hòa bình, xây dựng.

Trong tôi vang lên những âm hưởng thật vui tươi, trong sáng. May mắn tôi lại gặp một câu nói nổi tiếng của một chiến sĩ cộng sản Pháp bị phát-xít Đức ám hại trước đây, đó là Paul Vaillant Coutrier với lời khẳng định: “Chủ nghĩa Cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới”. Thật là một sự trùng hợp đầy ý nghĩa khi hát về Đảng lúc mùa xuân về.

Thế là cả nhạc lẫn lời của bài ca Đảng đã cho ta cả một mùa xuân đến với tôi một cách tự nhiên theo một nhịp điệu tươi tắn, nhẹ nhàng mà rất đỗi sâu sắc. Bài hát có lời kết như một lời chúc mừng đầy hy vọng: Bạn ơi mùa xuân khắp nơi tươi đẹp quá/ Khi lý tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta. Bài hát vừa ra đời đã có ngay sự cộng hưởng của tuổi trẻ lúc đó như chính tình cảm mà tác giả mong muốn và được phổ biến khá rộng rãi”.

Nhạc sĩ cũng cho biết: “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dịp Tết năm 1976, tôi có dịp vào thành phố Hồ Chí Minh và thật sự cảm động đến ngạc nhiên khi thấy tuổi trẻ ở thành phố mới giải phóng này đã hát vang bài Đảng đã cho ta cả một mùa xuân. Âm nhạc góp phần không nhỏ làm tăng nhịp nối tình cảm của tuổi trẻ cả nước với Đảng, với Tổ quốc.

Trong đợt bình chọn 10 ca khúc hay nhất về Đảng và Tổ quốc do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng, hai bài hát trên của tôi đều được đông đảo thính giả cả nước ghi nhận.

Phần thưởng lớn nhất đối với người sáng tác là khi những rung cảm chân thành nhất của mình với Đảng, với Tổ quốc qua những nốt nhạc, lời ca được cuộc sống ghi nhận và trở thành kỷ niệm đẹp, ý nghĩa qua năm tháng đối với nhiều thế hệ. Suốt mấy chục năm qua, mỗi khi nghe hát bài này, dù do các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hay các đội văn nghệ quần chúng trình diễn, nhất là những dịp Tết đến, xuân về, thì những cảm xúc sâu lắng lần đầu tiên đến với Đảng, những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thanh xuân như sống lại trong tình cảm của tôi. Đấy thực sự là nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ giúp tôi vươn lên thực hiện lý tưởng cao đẹp mà mình nguyện phấn đấu suốt đời”.

Bên cạnh ca khúc Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn có bài hát Màu cờ tôi yêu. Trong bài hát này, dù ca từ không nhắc đến chữ Đảng nhưng mỗi câu hát đều tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng, chứa chan tình yêu với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, ông viết Màu cờ tôi yêu nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng năm 1980. Lần đó, ông vào thành phố Hồ Chí Minh, gặp nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền và cả hai bàn nhau rằng sắp đến sinh nhật của Đảng nên có bài gì. “Cuối những năm 1970, đầu 1980, trước thời kỳ đổi mới, lúc ấy viết về Đảng rất khó vì nhìn xung quanh có nhiều hiện tượng tiêu cực quá. Tôi bàn với anh Tuyền, anh ấy cũng bảo là rất khó khăn, nhưng khó khăn thì phải động viên mọi người, hai anh em tự nhủ với nhau như vậy.

Trên đường rời thành phố Hồ Chí Minh, Diệp Minh Tuyền tiễn tôi và nói em có viết mấy câu lục bát, gửi cho tôi xem có thể phổ biến được không. Khi lên máy bay, tôi mới mở thơ ra đọc và thấy đây đúng là tâm tư của chúng tôi, đúng là tình cảm của những người tâm huyết với việc xây dựng Đảng. Về tới Hà Nội, tôi phổ nhạc luôn bài đó. Đây là bài thơ lục bát của người vừa làm thơ vừa làm nhạc nên rất dễ hát. Màu cờ tôi yêu, cả bài hát không hề có chữ Đảng nhưng đó là những lời tâm can dành cho Đảng”, nhạc sĩ Phạm Tuyên nói.

MAI HOÀNG

.