Dương Thị Xuân Quý (19-4-1941 – 8-3-1969) sinh ra ở Hà Nội nhưng quê gốc làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình trí thức yêu nước nổi tiếng.
Ông nội Dương Trọng Phổ là chí sĩ, từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân bắt đi tù Côn Đảo. Cha Dương Tự Quán là nhà giáo, sau đó làm cho các báo Văn học tạp chí, Tri tân. Những người bác là nhân sĩ, nhà nghiên cứu văn học tài danh Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm…
Tuổi thơ của chị trải qua trong vùng căn cứ kháng chiến Thái Nguyên. Năm 1954, chị về Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trung học, chị học Trung cấp Kỹ thuật mỏ Quảng Ninh và bắt đầu viết bài cho tạp chí Văn nghệ vùng mỏ, viết truyện ngắn đầu tay Về làng (1960). Chị học lớp nghiệp vụ báo chí và chuyển về làm phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam (1961-1968), đồng thời học hàm thụ ngành Ngữ văn - Đại học Sư phạm.
Năm 1965, khi máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, chị sớm có mặt tại tuyến lửa Khu 4 để có những bài viết rực nóng. Cùng thời gian đó, chị viết đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu. Tháng 2-1966, chị kết hôn với nhà thơ Bùi Minh Quốc, tháng 12-1966 sinh cháu Bùi Dương Hương Ly. Tháng 4-1968, chị gửi con cho mẹ nuôi, tiếp tục vào Nam chiến đấu.
Ngày 19-12-1968, chị rời căn cứ A7, đi chuyến công tác đầu tiên xuống vùng sâu và cũng là chuyến đi cuối cùng. Chị về vùng đông Duy Xuyên và anh dũng hy sinh vào đêm 8-3-1969 tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) trong một trận càn quét ác liệt của lính Nam Triều Tiên khi cùng các chiến sĩ du kích và đội viên vũ trang từ dưới hầm bí mật vùng lên cố tìm cách thoát khỏi vòng vây của trận càn.
Hơn 8 năm cầm bút, chị để lại chỉ mấy tác phẩm: Chỗ đứng (ký và truyện, 1968), Gương mặt thách thức (bút ký, 1969), Hoa rừng (truyện và ký, 1970). Tất cả được tạp chí Văn hiến và NXB Hội Nhà văn tập hợp in lại trong Dương Thị Xuân Quý - nhật ký và tác phẩm, nhân dịp chị được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (2007).
Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, không kể hình thức in báo, có lẽ Dương Thị Xuân Quý là tác giả duy nhất không nhìn thấy những đứa con tinh thần của mình được in thành sách. Ngay cả tác phẩm đầu tiên Chỗ đứng (1968), chị cũng đã gửi bản thảo cho nhà xuất bản trước khi sinh con, nhưng khi sách in ra, gửi vào đến chiến trường Khu 5 thì chị đã hy sinh.
Đọc lại Chỗ đứng, có thể dễ nhận ra hai mảng hiện thực mà tác giả quan tâm, những truyện như Về làng, Chuyện cô Duyên, Đảm đang, Đứng vững, Mía, Đất cằn, Sa mạc tuổi thơ viết về những đổi mới trong công cuộc cải tạo và xây dựng nông thôn miền Bắc, với việc chống úng, ươm bèo, khai hoang, cải tạo đất đai của hợp tác hóa nông nghiệp; mảng hiện thực thứ hai chị viết trong chuyến đi vào tuyến lửa Khu 4 như Nữ quân Trần Phú, Đêm yên tĩnh, Sau chuyến đi xa, viết về cuộc sống sôi động vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu.
Đọc những sáng tác trên chiến trường miền Nam như: Hoa rừng, Niềm vui thầm lặng, Mầm xanh, Má Huệ (chưa xong), đến những trang viết cuối cùng chị là bút ký Gương mặt thách thức, chủ yếu tập trung ca ngợi cuộc sống chiến đấu kiên cường và những hy sinh vô bờ bến của cả dân tộc trước sức mạnh sắt thép, hung bạo của kẻ thù.
Xuyên suốt quá trình sáng tạo của chị nhằm khắc họa chân dung người phụ nữ, những người đi đầu trong sản xuất và dũng cảm quên mình trong chiến đấu. Dù ở cương vị và hoàn cảnh nào, họ vẫn vươn lên đấu tranh tự giải phóng khỏi những ràng buộc, những định kiến xã hội, giành quyền bình đẳng thật sự cho nữ giới, tự khẳng định bản lĩnh và phẩm chất cao đẹp của mình, ngay trong những phút giây mong manh giữa sự sống và cái chết ở chiến trường. Nhật ký Trường Sơn là những trang viết cảm động của một người mẹ đã hy sinh hạnh phúc và tình mẫu tử thiêng liêng để cống hiến trọn đời cho cuộc chiến đấu của dân tộc…
Tác phẩm của Dương Thị Xuân Quý không chỉ có thế. Theo tôi, chị còn có một tác phẩm lớn hơn, đó là cuộc đời của chị. Chị thuộc thế hệ các nhà văn biến cuộc sống cao đẹp của mình thành tác phẩm. Xin trích đơn xin vào Nam chiến đấu của chị, được nhà báo Phùng Nguyên tìm thấy từ Cục lưu trữ quốc gia: “Nếu miền Nam cần đến tôi ở bất cứ việc nào, bất cứ một nơi nào, tôi xin sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ / Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng, không một mảy may tính toán. Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ không xứng đáng để được chọn làm nhiệm vụ vinh quang là hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Nếu Đảng gọi tôi “vào Nam chiến đấu”, tôi xin có mặt ngay mà không cần một phút giây nào thu xếp. Tôi không có một vương vấn, vướng víu nào cả”.
Khi viết những dòng này, chị có nghĩ đến giây phút mình sẽ lên đường là từ giã bố mẹ già và đứa con mới 16 tháng tuổi hay không! Chỉ bấy nhiêu thôi cũng có thể hình dung nhân cách một con người sống có lý tưởng và biết hy sinh vì lý tưởng cao đẹp ấy. Đó là thế hệ những người anh hùng một thời của đất nước, những người mà sức mạnh ý chí, tư tưởng cường tráng và mãnh liệt, có tầm vóc “khổng lồ” hơn tấm thân vật chất của họ rất nhiều.
Nhà văn Nguyên Ngọc mô tả lại chân dung nhỏ nhắn của chị khi mới gặp lần đầu: “Chị gầy và xanh quá. Nói là còm cõi cũng không quá đáng. Duy có đôi mắt, tất cả là ở đấy. Đôi mắt vừa đằm thắm, vừa rắn rỏi, vừa thông minh. Hay đúng hơn, nhìn vào đôi mắt ấy, anh bỗng hiểu rằng, trước mắt anh là một con người có thể lặng lẽ suốt đời đi đến mục đích đã tự khẳng định của mình, bất chấp tất cả, không gì cản trở được (…). Cho tôi nói điều này: thật là bất công nếu không gọi chị là một người anh hùng”.
PHẠM PHÚ PHONG