Văn hóa - Giải trí
Mỹ thuật Đà Nẵng: Cơ hội và thách thức
Cùng với sự ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, nhiều sân chơi mới cho những người yêu hội họa đang mang đến làn gió mới cho mỹ thuật thành phố. Song, theo nhiều ý kiến, còn nhiều việc phải làm để mỹ thuật Đà Nẵng trở thành trung tâm mỹ thuật của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Các họa sĩ Huỳnh Thị Thắng và Phan Tiến Dũng giới thiệu kỹ thuật sáng tác tranh đồ họa cho các hội viên. Ảnh: NGỌC HÀ |
Nhiều sân chơi mới
Từ đầu năm đến nay, ngoài những hoạt động nổi trội do Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức như: Các triển lãm Mùa xuân và con giáp, Sắc màu tháng 4, Chủ quyền biển đảo, hay trại sáng tác tranh sơn mài hiện đại Đà Nẵng 2015… thu hút sự trở lại của những tên tuổi gạo cội, mỹ thuật thành phố cũng “nóng” dần với nhiều sân chơi mới.
Ra đời gần một năm nay, CLB Đồ họa Đà Nẵng trở thành sân chơi cho những người yêu thích lĩnh vực này. Theo anh Phan Tiến Dũng, hội viên CLB Đồ họa Đà Nẵng, đồ họa là một phần của mỹ thuật, từ lâu thành phố có rất nhiều họa sĩ sáng tác tranh đồ họa nhưng vì nhiều lý do (kỹ thuật sáng tác công phu, thị hiếu, thị trường…) nên không ít họa sĩ bươn chải ở lĩnh vực khác thuộc chuyên ngành mỹ thuật để sống được với nghề.
Từ khi có CLB, đây không chỉ là sân chơi cho những người yêu thích đồ họa mà còn là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. “Trong CLB có người am hiểu kỹ thuật cổ điển, lại có họa sĩ am tường kỹ thuật đương đại nên bổ sung cho nhau. Từ những buổi sinh hoạt chuyên đề đến đi thực tế sáng tác, những người theo trường phái này ấp ủ hy vọng một hướng đi mới cho đồ họa thành phố”, anh Dũng hào hứng nói.
Trong khi đó, một tháng nay, Văn hóa Art Gallery tại địa chỉ 176 Trần Phú (quận Hải Châu) trở thành điểm đến quen thuộc của các họa sĩ, nhà thơ, những người yêu thích tranh. Phòng tranh này do Văn phòng đại diện Báo Văn hóa tại Đà Nẵng phối hợp với Hội Mỹ thuật thành phố thành lập. “Ít nhất phải có không gian nghệ thuật như thế này để có nơi mà đến”, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tấm tắc khen khi đến phòng tranh.
Với cách ví von “nơi cánh cửa mở rộng”, Art Gallery sẵn lòng đón tiếp bất kỳ ai muốn đến xem tranh. Nơi đây không chỉ có những bức tranh mà còn có những tấm lòng của người yêu nghệ thuật. “Nhiều họa sĩ đôi khi ghé qua để xem đứa con tinh thần của mình có ai “hỏi thăm” chưa. Mỗi chiều cuối tuần, chúng tôi tổ chức ký họa chân dung. Sắp tới còn có triển lãm cá nhân, triển lãm chủ đề… cho các anh em họa sĩ”, nhà thơ Trần Trung Sáng, người phụ trách địa chỉ này chia sẻ.
Tình yêu hội họa của những người trẻ lại được thể hiện ở góc nhìn khác, không gian mở hơn, có thể là đường phố hay ở bất kỳ sự kiện nào đó, với mục đích mang nghệ thuật đến gần công chúng theo cách riêng, nổi bật là hoạt động của nhóm Mỹ thuật trẻ Đà Nẵng. Ngoài các thành viên chủ chốt là các họa sĩ đang là hội viên Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, nhóm còn quy tụ các họa sĩ tự do đang công tác, giảng dạy tại các trường ĐH Kiến trúc, ĐH Duy Tân và cả những bạn trẻ yêu mến hội họa.
Họa sĩ Trần Chí Thành - trưởng nhóm chia sẻ rằng, đơn giản chỉ mong muốn truyền tình yêu mỹ thuật đến mọi người. Do đó, các hoạt động - triển lãm của nhóm mang tính cộng đồng cao như: Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Mùa bình minh” với sự góp sức của 10 họa sĩ và 270 học sinh trên địa bàn Đà Nẵng; 40 mô hình vẽ tranh cát trên lốp xe tái chế do nhóm lên ý tưởng, thu thập các lốp xe cũ về với chuyên môn mỹ thuật kết hợp với các kỹ thuật ánh sáng, kỹ thuật tạo nên hình ảnh sống động, đẹp mắt, thu hút đông đảo du khách và trẻ em cùng trải nghiệm…
Nhiều thách thức
Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Đình Nam Kha cho biết, chất “xúc tác” cho hoạt động sôi nổi của các họa sĩ là họ có niềm tin về sự quan tâm của thành phố đối với mỹ thuật khi quyết định thành lập và đầu tư Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. “Tuy nhiên, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Câu hỏi đặt ra là khi bảo tàng đi vào hoạt động thì làm sao có tác phẩm chất lượng để trưng bày.
Trách nhiệm đó một phần thuộc về các họa sĩ. Ban chấp hành Hội đã đề ra nhiệm vụ năm 2015 là xây dựng phong trào gắn liền với chất lượng tác phẩm, chú trọng sáng tác nhiều tác phẩm mới mang nội dung tư tưởng, bút pháp rõ ràng, khuynh hướng sáng tác cụ thể, khai thác đề tài phản ánh được quá khứ hào hùng của đất và người Đà Nẵng, đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, xây dựng nông thôn mới và kể cả đề tài về biển, đảo quê hương…”, họa sĩ Nam Kha chia sẻ.
Bàn thêm về điều này, họa sĩ Lê Huy Hạnh cho rằng, muốn đạt đến “chất” thì cần đầu tư đội ngũ sáng tác. Năm 2015 là năm dành cho văn hóa, nhưng ngoài đầu tư xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật, thì mỹ thuật Đà Nẵng vẫn “bơ vơ”. Điều đáng buồn là những hoạt động mỹ thuật tại Đà Nẵng hầu hết do anh em họa sĩ tự thân vận động. Nhưng cái vui lớn nhất, tín hiệu tốt cho mỹ thuật Đà Nẵng chính là sự gắn kết của những họa sĩ tên tuổi với họa sĩ trẻ trong thời gian gần đây.
Bởi trong hoạt động nghệ thuật, cái “tôi” mỗi người đều lớn, chưa kể trường phái, chất liệu, phong cách…, nhưng họ đã ngồi lại với nhau.
“Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác được tiềm lực này? Mỹ thuật Đà Nẵng còn cần nhiều thứ: Cần được đầu tư những đợt sáng tác, định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho người dân, tạo nhiều không gian nghệ thuật ngoài Bảo tàng Mỹ thuật, cần có không gian triển lãm quy mô hơn…”, họa sĩ Lê Huy Hạnh trăn trở.
NGỌC HÀ