Văn hóa - Giải trí

Diện mạo văn hóa Đà Nẵng năm 2016

08:05, 31/12/2015 (GMT+7)

Nhờ sự đầu tư quyết liệt trong năm 2015, diện mạo văn hóa Đà Nẵng năm 2016 dần lộ nét với những dấu hiệu tích cực. Nhưng cần tiếp tục đầu tư cho văn hóa theo lộ trình đã đề ra mới mong rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa kinh tế và văn hóa của thành phố. Đó là nhận định của những người gắn bó lâu năm với ngành văn hóa.

* Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Định hình thiết chế văn hóa cơ sở

Năm 2015, hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở đã được quan tâm đầu tư. Riêng đối với thiết chế văn hóa cấp phường, xã đã hoàn chỉnh hệ thống thiết chế của 5 xã còn lại của huyện Hòa Vang để đạt chuẩn văn hóa, về đích nông thôn mới như: Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc; hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 khu vui chơi giải trí (KVCGT); cải tạo, nâng cấp 11 KVCGT thành trung tâm văn hóa-thể thao (VHTT); cải tạo, nâng cấp 5 nhà văn hóa trên địa bàn quận Hải Châu; 8 KVCGT chuyển đổi công năng thành công viên vườn dạo.

Điều đáng mừng là đã tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở. UBND thành phố thông qua việc thành lập bộ máy quản lý trung tâm VHTT phường, xã; trong đó có một cán bộ chuyên trách, hưởng lương theo quy định Nhà nước. Bên cạnh đó, thành phố cũng đồng ý tăng mức kinh phí cho hoạt động thường xuyên tại các trung tâm VHTT phường, xã từ mức 25 triệu đồng lên 100 triệu đồng/đơn vị/năm.

Với sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, con người, diện mạo thiết chế văn hóa cơ sở dần rõ nét, tạo điều kiện cho các phong trào văn hóa, nghệ thuật, thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, chất lượng hơn trong năm 2016, góp phần nâng cao sự hưởng thụ tinh thần của người dân.

Năm 2016, đề nghị UBND thành phố tiếp tục đầu tư 9 nhà văn hóa tại các trung tâm VHTT phường theo giai đoạn phân kỳ, đồng thời đặt công trình Trung tâm văn hóa thành phố lên mức ưu tiên số 1 trong các công trình trọng điểm.

* Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố: Để thư viện trở thành biểu tượng văn hóa đọc

Điểm nhấn văn hóa năm 2015 của thành phố là đưa vào sử dụng Thư viện Khoa học tổng hợp mới ngày 31-8. Nhờ cơ sở vật chất hiện đại, tăng giờ phục vụ bạn đọc thông tầm từ 7 giờ 30 - 20 giờ 30 hằng ngày, từ thứ hai đến thứ bảy trong tuần, lượt bạn đọc đến đăng ký làm thẻ thư viện tăng đáng kể.

Chỉ tính riêng 3 tháng (từ ngày 31-8 đến 30-11), tổng số thẻ được cấp mới là 1.533 thẻ, tăng gấp 3 lần so với số liệu thẻ cấp mới trong cả năm 2014; trung bình mỗi ngày có 756 lượt bạn đọc, tăng hơn 2 lần so với số bình quân hằng ngày của năm 2014.

Thư viện đang có khoảng 248.558 tài liệu/82.000 tên nhưng trong số sách hiện có này, nhiều tài liệu đã quá cũ, nội dung lạc hậu, lỗi thời, nên không đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc.

Năm 2016, thư viện sẽ khắc phục hạn chế này bằng cách đầu tư phát triển mạnh vốn tài liệu trong thư viện, trong đó bổ sung bằng kinh phí Nhà nước tối thiểu khoảng 9.000 tài liệu mới. Đồng thời, số hóa 30% tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, các công trình nghiên cứu khoa học; triển khai ứng dụng hiệu quả phần mềm quản trị tích hợp thư viện số Ilib 6.5 nhằm xây dựng thư viện điện tử.

Đặc biệt, thành lập phòng xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn hiệu quả hệ thống thư viện quận, huyện, cơ sở. Với những gì đã và đang triển khai, kỳ vọng góp phần giúp văn hóa đọc lan tỏa trong cộng đồng.

* Ông Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố: Động lực mới cho mỹ thuật Đà Nẵng

Lực lượng sáng tác mỹ thuật thành phố Đà Nẵng khá lớn, chất lượng sáng tác được khẳng định qua các cuộc thi, triển lãm lớn trên toàn quốc. Nhưng hầu hết họa sĩ Đà Nẵng sống bằng nghề tay trái như: giảng dạy hay làm cơ quan Nhà nước...

Hơn nữa, những năm qua, kinh phí hoạt động cho Hội Mỹ thuật khá ít (85 triệu đồng/năm), trong khi Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư 1 tỷ đồng/năm. Vì thế, phần lớn các cuộc triển lãm đều xin tài trợ hoặc họa sĩ tự thân vận động.

Kỳ vọng Bảo tàng Mỹ thuật đi vào hoạt động trong năm 2016 sẽ mang đến làn gió mới cho mỹ thuật Đà Nẵng, là sự động viên, khích lệ giới họa sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật trưng bày trong Bảo tàng.

* Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: Cất cánh cho nghệ thuật truyền thống

Năm 2015, nghệ thuật tuồng có nhiều điểm nhấn để nhớ. Đó là: tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Liên hoan toàn quốc tác phẩm sân khấu tuồng của tác giả Tống Phước Phổ tổ chức tại Đà Nẵng, UBND thành phố chấp thuận cho triển khai thí điểm đưa tuồng xuống phố… Nhờ đó, nghệ thuật tuồng tưởng sẽ bị lãng quên nay có cơ hội được lãnh đạo, người dân quan tâm trở lại.

Trong năm 2016, thành phố đồng ý để Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tiếp tục đưa tuồng xuống phố; đầu tư xây dựng vở diễn mới... Đồng thời, nhà hát cũng sẽ triển khai chương trình biểu diễn múa rối nước đến người dân và du khách.

Những cơ hội được tạo ra là động lực để diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nỗ lực hơn nữa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống dân tộc.

Năm 2015, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở VH-TT&DL đều được quan tâm đầu tư theo chủ trương tăng gấp đôi kinh phí sự nghiệp so với năm 2014. Nhờ vậy, nhiều hoạt động, sự kiện được các đơn vị triển khai, tổ chức thường xuyên hơn.

Bên cạnh đó, các hội thuộc Liên hiệp các hội Văn học-nghệ thuật thành phố cũng có nhiều hoạt động sôi nổi hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” như: Hội Nghệ sĩ sân khấu dàn dựng tiểu phẩm tuyên truyền văn hóa, văn minh đô thị; Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật với triển lãm ảnh về Đà Nẵng...

Đó là những dấu hiệu khởi sắc của văn hóa Đà Nẵng, hứa hẹn năm 2016 văn hóa sẽ tiếp tục được nhìn nhận ở góc độ sâu sắc hơn, bền vững hơn của những lãnh đạo, những người làm văn hóa.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.