Văn hóa - Giải trí

Người nước ngoài đón Tết Tây tại Đà Nẵng

08:04, 28/12/2015 (GMT+7)

Đối với nhiều người Việt, ngày đầu tiên của năm dương lịch chỉ đơn giản là một ngày nghỉ. Tuy vậy, nhiều nước trên thế giới xem ngày 1-1 là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Vậy những người đến từ các nước đó đón ngày này như thế nào ở Đà Nẵng?

Đối với chị Mai Kobayashi, đèo Hải Vân là nơi có thể đi nhiều lần mà vẫn không thấy chán.
Đối với chị Mai Kobayashi, đèo Hải Vân là nơi có thể đi nhiều lần mà vẫn không thấy chán.

“Đà Nẵng đã là nhà của tôi”

Anh James Lutley, quốc tịch Anh, hiện là kỹ sư thiết kế web. Anh đến Việt Nam lần đầu tiên cách đây 5 năm trong một chuyến du lịch quanh các nước Đông Nam Á. Ấn tượng với nơi này nên sau đó không lâu, anh quay trở lại.

Lần này, anh phải lòng một cô gái ở Lăng Cô rồi quyết định chọn Đà Nẵng làm nơi xây tổ ấm. Hiện nay, James sống cùng vợ trong căn nhà do tự tay anh thiết kế bên bờ biển Phạm Văn Đồng.

Theo James, dịp năm mới ở Anh là khoảng thời gian dành cho bạn bè, còn đêm Giáng sinh là lúc các thành viên trong gia đình quây quần tụ họp. Vậy mà, James bảo, dù ở xa quê hương hàng chục nghìn cây số, anh cũng không thấy nhớ nhà.

Đối với anh, Đà Nẵng từ lâu đã là nhà - nơi mà anh có một người bạn đời để san sẻ vui buồn thường nhật. “Tôi thích người Đà Nẵng lắm. Ở London nơi tôi sống trước đây, có lẽ do trời lạnh và lắm sương mù quá nên mọi người hiếm khi cười. Ở Đà Nẵng thì khác, đi đâu tôi cũng được nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ”, James nói.

Nếu như James đã có một thời gian dài sống ở Đà Nẵng, thì anh Sahas Adhikari lại chỉ mới ở vùng đất này được vỏn vẹn 2 tháng. Sahas mang quốc tịch Nepal, hiện là huấn luyện viên yoga tại Đà Nẵng. Mặc dù người Nepal có lịch Hindu nhưng họ vẫn xem ngày 1-1 hằng năm là ngày lễ lớn.

Hỏi Sahas liệu anh có nhớ nhà khi năm hết Tết đến không, anh trả lời ngay rằng mình đang sống với anh trai và chị dâu ở Đà Nẵng. Vì vậy, Sahas xem nơi này như là một ngôi nhà thứ hai. Anh chia sẻ: “Bạn thấy đấy, các học viên của tôi dù biết tiếng Anh hay không cũng đều cười tươi và cố gắng nói chuyện với tôi về đủ mọi chủ đề. Tôi còn nhận được những lời mời đi uống cà-phê cùng nhau nữa. Làm sao có thể nhớ nhà được khi bạn bị “bao vây” bởi sự nồng ấm này cơ chứ?”.

Anh Stefan Wroclawski đã sống ở Đà Nẵng được hơn 2 năm.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Stefan Wroclawski đã sống ở Đà Nẵng được hơn 3 tháng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Tết Tây ở Đà Nẵng, tôi sẽ đi chơi”

Gặp trong một quán cà-phê trên đường Bạch Đằng, anh Stefan Wroclawski (quốc tịch Ba Lan) chia sẻ về cách những người đồng hương của anh chào đón năm mới trên miền đất châu Âu quê nhà. Vào đêm giao thừa, người Ba Lan thường tổ chức các buổi tiệc tại gia (và tiêu thụ rất nhiều thức uống có cồn).

Nếu không, họ sẽ đi dạo và thưởng thức các buổi hòa nhạc đường phố. Nhiều thanh niên thích chọn các bar hay sàn nhảy làm nơi đón năm mới. Bản thân Stefan lại thích các buổi tiệc tại nhà. Vì vậy, anh quyết định năm nay sẽ tiếp tục “truyền thống” bằng việc mời bạn bè đến chơi tại ngôi nhà anh đang thuê ở quận Sơn Trà để chào đón năm mới.

“Thông thường chúng tôi mất một ngày để thoát khỏi tình trạng đau đầu chóng mặt do bữa tiệc gây ra”, Stefan hóm hỉnh bảo.

Trong khi đó, James Lutley gây bất ngờ khi anh cho biết, lúc nhận được email đề nghị phỏng vấn của tôi, anh đã lên xem trang báo Danang Today. Tình cờ anh đọc được bài viết giới thiệu về các sự kiện văn hóa chào mừng năm 2016.

James chia sẻ: “Trước đó, tôi nghĩ có lẽ mình sẽ ở nhà ăn uống với vợ và một vài người bạn, nhưng giờ tôi chắc chắn sẽ đi dự buổi lễ hội âm nhạc và xem trình diễn pháo hoa trong đêm giao thừa”.

Nếu người phương Tây có truyền thống đón năm mới với bạn bè, thì người Nhật Bản lại có nét tương đồng với người Việt khi xem dịp năm mới là thời điểm đoàn tụ gia đình. Mai Kobayashi là nghiên cứu sinh người Nhật Bản.

Cô gái sinh năm 1991 này theo học ngành Môi trường, đang thực tập tại Đại học Đà Nẵng. Đến thời điểm này, Mai Kobayashi chỉ ở Việt Nam được hơn 2 tháng. Cô chia sẻ, đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình Nhật Bản thường quây quần với nhau và cùng xem ti-vi.

Sau khi đồng hồ đổ 12 tiếng chuông, mọi người gửi cho nhau những lời cảm ơn vì một năm gắn bó và hy vọng về một năm mới tốt đẹp. Sau giao thừa, người Nhật thường mặc y phục truyền thống để đi viếng đền, cầu cho một năm may mắn.

Mai Kobayashi đã chuẩn bị sẵn tinh thần rằng người Việt Nam không có tục lệ đón Tết vào ngày 1-1. Vì vậy, cô gái này quyết định năm nay sẽ cùng bạn đi xem hòa nhạc trên sông Hàn. “Tôi cũng rất hào hứng với pháo hoa ở Đà Nẵng vì ở quê tôi, người ta thường không bắn pháo hoa nhân dịp năm mới”, Mai Kobayashi cho biết.

Tại sao chọn Đà Nẵng?

James, Sahas, Stefan và Mai Kobayashi đều chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân sau khi đã đi khá nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam. James bảo, ở Đà Nẵng, anh có thể dừng xe máy sát lề đường để nghe điện thoại, đây là điều anh không dám làm khi ở thành phố Hồ Chí Minh.

Stefan hài hước: Ở các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, vào giờ cao điểm, anh chỉ có thể đi xe máy với vận tốc 30km/giờ, còn ở Đà Nẵng, tôi chạy “vô tư”.

Theo Mai Kobayashi, Đà Nẵng còn cuốn hút du khách bằng ẩm thực. Món ăn ưa thích của cô gái Nhật Bản này là mì Quảng và nem lụi. “Không quá cay, không quá ngọt, hương vị ẩm thực Đà Nẵng nằm đâu đó ở giữa so với hai miền, tình cờ sao lại khá giống với hương vị thức ăn Nhật Bản”.

Còn Stefan thích đồ ăn thành phố này đến mức anh bảo, buổi tối anh ăn gì cũng được, nhưng buổi sáng nhất định phải ăn phở hoặc bún, còn buổi trưa thì phải ăn cơm tấm ở quán quen gần nhà.

Đối với cả bốn vị khách người Ba Lan, Nepal, Anh và Nhật Bản này, bãi biển của Đà Nẵng cũng là điều khiến người khác đi phải quay trở lại. Sahas cho rằng biển ở Đà Nẵng quá sạch. Còn Mai Kobayashi bảo, lúc nào cô cũng có thể ra biển được, nếu không bơi thì vẫn có thể dạo chơi.

Theo đánh giá của 4 vị khách, Đà Nẵng là thành phố xanh và sạch. Tuy vậy, cả 4 đều thắc mắc về việc người dân địa phương thường vứt rác bừa bãi, đặc biệt là trong các hàng quán ăn uống. Stefan và Mai cũng cho rằng, chính quyền địa phương nơi đây đang có những nỗ lực thấy rõ để giữ gìn thành phố sạch đẹp. Chia tay tôi, Stefan cười bảo: “Thật ra, đối với tôi, bây giờ Đà Nẵng đã là một nơi hoàn hảo để sống lâu dài”.

KHANG NINH

.