Văn hóa - Giải trí

Ngày xuân, bàn chuyện mỹ nhân trong Tam quốc

23:19, 30/01/2016 (GMT+7)

Tam quốc chủ yếu là những câu chuyện của việc dùng binh, xưng hùng tranh bá. Do vậy, nhân vật nữ xuất hiện không nhiều. Mỹ nhân lại càng hiếm. Hiếm nhưng cũng đã ít nhiều tác động làm thay đổi cục diện của thế cờ phân tranh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tác giả La Quán Trung dường như chưa ý thức nhiều khi xây dựng những nét riêng về mặt ngoại hình của các mỹ nhân. Phần lớn chỉ được phác họa sơ lược bằng những dòng ngắn ngủi.

Châu Thị - vợ Trương Tế - được miêu tả qua lời của Tào An Dân, cháu Tào Tháo “người đàn bà mười phần xinh đẹp”; Nhân Thị - vợ Viên Hy (con trai thứ của Viên Thiệu) - người mà sau khi Tào Tháo phá Ký Châu đã nhận làm dâu, cho Tào Phi nhận làm vợ “...màu da trắng như ngọc, mặt đẹp như hoa, có vẻ nghiêng thành nghiêng nước”; Từ Thị - vợ Tôn Dực “xinh đẹp, thông minh”; hai người đẹp Đại Kiều, Tiểu Kiều thì “...đều có nhan sắc, chim sa cá lặn, hoa nhường, nguyệt thẹn”; Phàn Thị - chị dâu Triệu Phạm “nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành”; Ngô Thị - trước là vợ Lưu Mạo - sau là Vương Phi của Hán Trung Vương “có nhan sắc mà lại hiền hậu”; con gái Quách Vinh - vợ Tào Phi “xinh đẹp tuyệt trần”, thường được người cha nói “con gái ta là vua trong đám con gái”; Điêu Thuyền, Hồ Thị cũng chỉ được đề cập sơ qua là “nhan sắc rất đẹp”...

Về mặt tài của các mỹ nhân cũng ít được nói đến. So ra cũng chỉ có đôi dòng ngắn gọn. Từ Thị “thông minh, có tài bói dịch”; Điêu Thuyền “có tài múa hát”; vợ Mạnh Hoạch “có tài tung đao”.

Phần lớn các mỹ nhân trong Tam quốc không tự hành động, họ không tự xây dựng kế hoạch cho mình mà đa số bị chi phối bởi những nhân vật khác. Điêu Thuyền hành động là do nghe theo lời của người cha, là quan tư đồ Vương Doãn.

Tôn phu nhân kết duyên cùng Lưu Bị là cũng bởi tại mưu “mỹ nhân kế” của Chu Du. Bên cạnh Thôi Phu nhân - là vợ của Bắc Địa Vương Lưu Thẩm quyết chết theo chồng vì nhận thấy xã tắc đổ nát; bên cạnh Ngô Quốc Thái muốn giữ tiết nghĩa mà không cho Tôn Quyền dùng kế mỹ nhân để hạ sát Lưu Bị, ta thấy có ba nhân vật tự định đoạt các hành động của mình: Đó là Từ Thị, vợ Văn Thúc và phu nhân Mã Mặc.

Từ Thị - vợ Tôn Dực - đã lập mưu cùng hai tướng là Tôn Cao, Phó Anh giết chết Vĩ Lãm, Đái Viên để báo thù cho chồng. Vợ Văn Thúc - góa chồng sớm (dù chồng bị ghép vào tội phản nghịch) không có con, cha muốn đem về gả cho người khác, nàng quyết định cắt tai rồi lại cắt mũi, thủ tiết để thờ chồng. Phu nhân Mã Mặc vì khinh bỉ chồng là bất trung bất nghĩa, ăn lộc nước mà thấy giặc đến đã vội lo việc hàng nên đã tự thắt cổ mà chết, quyết không nhìn bóng giặc.

Sự hiện diện của các mỹ nhân là không nhiều nhưng vai trò can dự của các mỹ nhân là rất lớn. Trước hết là việc quan tư đồ Vương Doãn mượn Điêu Thuyền để thực hiện kế ly gián giữa Đổng Trác và Lã Bố.

Đổng Trác vốn là Thứ sử Tây Lương, đánh thua giặc khăn vàng bèn đem của đút lót cho bọn hoạn quan để bảo toàn sự sống, kẻ từng bị quan ngự sử Trịnh Thái gọi là “giống sài lang”, bị Lư Thực cho là “đứa mặt người dạ thú”. Trong bối cảnh bấy giờ, khi Đổng Trác đang trong thế mạnh, thống lĩnh hai mươi vạn quân Tây Lương, dưới trướng có Lý Thôi, Quách Dĩ, Trương Tế, Lý Nho, Phàn Trù là những tướng và mưu sĩ có tài.

Đổng Trác mang lòng phản nghịch muốn cướp ngôi vua, làm muôn điều bạo ngược. Nào là định phế vua Thiếu Đế, lập Trần Lưu Vương; chém các trung thần Đinh Quản, Chu Bật, Ngũ Quỳnh, giết Ngũ Phu; cho khai quật lăng mộ tiên hoàng, hậu phi để lấy châu báu; thông dâm với các cung nữ, ngủ trên sạp rồng; hành hạ tù nhân với các kiểu chặt chân tay, khoét mắt xẻo mũi, cắt lưỡi bỏ vạc dầu, coi mạng người như cỏ rác... Ai ai cũng căm giận nhưng lại ngặt vì Đổng Trác đang nắm binh quyền, có các tướng là Lý Thôi, Quách Dĩ, Lý Nho, Từ Vinh, Hoa Hùng, uy thế lớn quá.

Nay nói về Lã Bố. Lã Bố tự là Phụng Tiên, vốn là con nuôi của Đinh Nguyên, có sức khỏe lạ thường. Lý Túc, người sống cùng làng với Lã Bố nhận xét rằng Lã Bố là người chỉ có sức khỏe mà lại vô mưu, thấy lợi thì quên nghĩa.

Bởi thế, khi được Lý Túc một bề tôi của Đổng Trác dâng “ngựa xích thố, một nghìn lạng vàng, vài chục hạt châu, một cái đai bằng ngọc”, Lã Bố đã không ngần ngại cầm dao chém Đinh Nguyên, mang đầu đến dâng và nhanh chóng tôn Đổng Trác làm nghĩa phụ. Nhưng Lã Bố lại là một tướng tài nơi chốn thao trường. Xem qua những lần xuất trận ta mới thấy được uy phong của Lã Bố.

Trong lần ra trận theo Đinh Nguyên chống Đổng Trác “Lã Bố đầu búi tóc, đội kim quan, mình mặc chiến bào thêu trăm hoa, ngoài phủ giáp đường nghê, thắt bảo đới, phóng ngựa múa kích”. Trong lần ra trận chống lại quân các nước chư hầu do Viên Thiệu lãnh đạo đến hỏi tội Đổng Trác, “Lã Bố ra trận mình mặc áo gấm đỏ trăm hoa, ngoài khoác áo giáp thú diện liên hoàn; dưới thắt lưng sư man, lưng đeo một bộ cung tên, tay cầm một  ngọn họa kích, cưỡi ngựa xích thố”.

Tào Tháo cũng như quân các xứ đều cho Lã Bố là kẻ anh hùng, không địch được. Đổng Trác quy phục được Lã Bố so ra đã thỏa lời ước nguyện: “Ta xem Lã Bố là kẻ tài giỏi phi thường, nếu được người ấy về ta, thì cứ gối cao đầu mà ngủ, lo gì không được thiên hạ” và có thể coi Đổng Trác như hổ đã được chắp thêm cánh rồi.

Đọc Tam quốc, ta cũng từng biết Tào Tháo cùng các khanh tướng khác đã định mưu sát Đổng Trác nhưng không thành. Viên Thiệu thống lĩnh mười tám quân các xứ chư hầu kéo đến Lạc Dương toan hỏi tội Đổng Trác nhưng do sự nghi kỵ trong quân nên mưu sự đã bị đổ vỡ. Bài hịch mà Tào Tháo gửi đến các chư hầu đã nói rõ điều đó.

Vậy là, Đổng Trác thì gian xảo, lì lợm, đa nghi và tàn ác. Lã Bố thì hữu dũng vô mưu. Thế nhưng một khi Đổng Trác - Lã Bố còn là một cặp bài trùng của nhau thì vẫn còn nhiều mối an nguy cho thiên hạ. Quan tư đồ Vương Doãn đã sớm nhận ra điểm chung của cặp bài trùng này “đều là tuồng hiếu sắc” và quả thật cũng nhờ sự khéo léo trong ăn nói, ứng xử của quan tư đồ và Điêu Thuyền mà Đổng Trác và Lã Bố bớt dần những mối hoài nghi, lần lượt rơi vào kế ly gián.

Chính ngọn kích mà Đổng Trác ném theo Lã Bố ở Phượng Nghi Đình đã tạo vết nứt khắc sâu dấu ấn tư thù giữa hai nhân vật này. Để rồi sau đó, không ai khác chính Lã Bố đã đâm kích vào cổ họng Đổng Trác, giết chết một kẻ gian thần.

Chuyện thứ hai là chuyện Chu Du cùng Tôn Quyền mưu đồ lấy đất Kinh Châu. Chuyện bắt đầu từ việc Chu Du thấy ‘’Lưu Bị đóng quân ở Du Giang, tất có ý muốn lấy Nam Quận” nên cùng Lỗ Túc muốn đến chỗ Lưu Bị đóng quân để “nói chuyện phải chăng cho họ nghe... bằng không thì phải sửa trước mới được”.

Và trong cuộc nói chuyện này, Lưu Bị - Khổng Minh đã nhường cho Chu Du lấy Nam Quận trước. Cũng bởi chủ quan khinh địch nên không lường hết bao trở lực phía trước và cũng bởi “mưu mẹo như thần” của Khổng Minh nên phe Đông Ngô đã chậm một bước.

Lần hai là việc Gia Cát Lượng cho Triệu Tử Long đến lấy Nam Quận, sai Trương Phi đánh úp lấy Kinh Châu, Vân Trường lấy Tương Dương. Lỗ Túc đã dẫn đoàn tùy tùng đến thẳng Nam Quận rồi Kinh Châu để đòi đất, không ngờ còn Lưu Kỳ là con Lưu Cảnh Thăng, chủ đất cũ nên đành “ngẩng mặt không nói được câu gì”.

Lần ba là việc sau khi công tử Kỳ mất, Lỗ Túc lại đến đòi đất, Khổng Minh bèn nghĩ ra mưu lập văn tự mượn đất Kinh Châu, hứa khi nào lấy được Tây Xuyên thì sẽ trả.

Sau ba lần đòi đất không thành lại nhận được tin Cao phu nhân mới mất, Chu Du lập kế “Ta dâng thư lên chúa công, xin cho người sang Kinh Châu làm mối, dụ Lưu Bị sang đính hôn, rồi lừa hắn đến Nam Từ, không gả người cho mà bắt giam lại. Đoạn sai người đòi Kinh Châu, đánh đổi Lưu Bị”. Vậy là sau khi đòi đất không thành, Tôn Quyền - Chu Du định dùng mỹ nhân kế để lừa Lưu Bị.

Tiếc thay “trời đã sinh ra Du sao còn sinh ra Lượng”, Khổng Minh tiên sinh đã cao cờ hơn Chu Du nên với ba cẩm nang giao phó cho Triệu Vân đã lần lượt hóa giải những tình huống nguy cấp, một mặt cứu được mạng sống Lưu Bị, mặt khác đã mang về cho đất Thục thêm một phu nhân. Sự thành công này phần nào là do sự khéo léo, tài giỏi của Triệu Tử Long, sự tôn trọng tiết nghĩa của Kiều quốc lão và Ngô Quốc Thái, sự khẳng khái quả quyết của Tôn phu nhân.

Vậy là, mỹ nhân hiện lên trong Tam quốc không nhiều. Nhưng qua việc ứng xử với các mỹ nhân đã phần nào thể hiện bản chất của các nhân vật. Một Đổng Trác, Lã Bố vì mê sắc mà thất bại. Một Chu Du vì muốn giữ người đẹp của mình mà nổi giận sau khi nghe lời khích bác của Khổng Minh để rồi quyết chí chuyển hướng tấn công sang Tào Tháo cùng với lời thề: “Ta với thằng giặc già một còn một mất!”.

Một Tào Tháo vì mải lo vui thú bên người đẹp Châu Thị mà không màng đến việc quân, may nhờ Điển Vi liều mình cứu chúa, con trưởng Tào Ngang, cháu Tào An Dân biết xả thân nên mới bảo toàn được mạng sống. Một Lưu Bị cũng suýt vùi mình vì mê thanh đắm sắc ở Giang Đông. Một Khổng Minh tỉnh táo trước cơn lốc đại ngàn của vòng mỹ nữ mà phá bỏ được mưu của người...

Đọc hết bộ sách Tam quốc, khi bóng dáng của các mỹ nhân và những chuyện liên quan đến người đẹp khép lại, lòng chạnh nhớ đến lời của người xưa: “Gặp người đẹp đã khó, giữ được người đẹp lại càng khó hơn; còn khuyến dụ người đẹp làm theo ý mình thì có thể coi như bậc thầy trong thiên hạ!”.

LA THÀNH

.