.

Kỷ niệm 187 năm ngày mất danh thần Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu)

.

*15 năm kết nghĩa Sơn Trà – Thoại Sơn

ĐNĐT - Tối ngày 9-7 (nhằm ngày 6-6 Bính Thân), tại nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Sơn Trà long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 187 năm ngày mất Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu).

Đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng và tỉnh An Giang viếng hương danh thần Thoại Ngọc Hầu.
Đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng và tỉnh An Giang viếng hương danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Đến dự lễ có Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng; đại diện chư phái tộc làng An Hải và các làng lân cận, hậu duệ của Nguyễn Văn Thoại, các trường học trên địa bàn quận. Đặc biệt, có sự tham dự của đoàn đại biểu tỉnh An Giang, huyện Thoại Sơn, thị trấn Núi Sập do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng làm trưởng đoàn.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Trần Thị Thanh Tâm ôn lại hành trạng và công đức của nhà hành chính, nhà doanh điền lớn Nguyễn Văn Thoại, nêu những bài học của người xưa đối với sự nghiệp xây dựng quê hương Đà Nẵng - An Giang, Sơn Trà - Thoại Sơn ngày nay.

Nguyễn Văn Thoại sinh năm 1761 tại làng An Hải, nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. 16 tuổi, cùng mẹ vào Nam, ông đầu quân với chúa Nguyễn Ánh, lập nhiều chiến công, được phong tước Hầu (Thoại Ngọc Hầu). Năm 1818, ông thiết kế và đốc suất dân binh đào kinh Đông Xuyên ở Long Xuyên (sau được gọi tên ông là Thoại Hà). Năm 1820, ông được lệnh vua Minh Mạng cho đào một con kinh nối Châu Đốc với Hà Tiên.

Sau gần 5 năm thi công, công trình dài gần 100km này đã mang lại hiệu quả to lớn trong công tác doanh điền, thủy lợi và biên phòng không chỉ riêng miền Hậu Giang mà cho cả Tổ quốc. Vua Minh Mạng đã ban sắc cho con kinh được mang tên vợ ông là Vĩnh Tế, cho ngọn núi nhìn xuống con kinh được mang tên ông là Thoại Sơn. Năm 1836, khi cho đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo, vua sai chạm hình kinh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh. Ông mất ngày 6-6 năm Kỷ Sửu (1829), an táng tại núi Sam. Ngày nay, Đền thờ ông vẫn còn bên triền núi, được nhân dân địa phương gọi là Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu.

Một cảnh trong hoạt cảnh “Phúc thần Thoại Ngọc Hầu”.
Một cảnh trong hoạt cảnh “Phúc thần Thoại Ngọc Hầu”.

Thay mặt đoàn khách mời đến từ An Giang, bà Lê Kim Bình, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn bày tỏ sự vui mừng khi được về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của con người được người dân An Giang tôn là vị Thánh với những điều kỳ diệu: sinh ra ở An Hải, lập nghiệp ở An Giang và an nghỉ ở Châu Đốc.
Đại diện lãnh đạo quận Sơn Trà và huyện Thoại Sơn cùng ôn lại chặng đường 15 năm kết nghĩa; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương tiếp nối dựng xây, phát triển mối quan hệ bền chặt, đằm thắm.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm thời điểm đáng nhớ này, quận Sơn Trà hỗ trợ huyện Thoại Sơn một phần kinh phí xây dựng lại cầu Bảy Thưa ở thị trấn Núi Sập và thống nhất đổi tên thành cầu Sơn Trà. Sáng 9-7, huyện Thoại Sơn đã tặng quận Sơn Trà cặp cây Tùng để trồng lưu niệm tại khuôn viên Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu.

Buổi lễ kết thúc với hoạt cảnh “Phúc thần Thoại Ngọc Hầu” do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng và biểu diễn, thể hiện sinh động cuộc đời và sự nghiệp người con ưu tú của làng An Hải -  người đã làm nên những kỳ tích khi đất nước mở cõi về phương Nam.

Tin và ảnh : V.T. LÊ

;
.
.
.
.
.