Văn hóa - Giải trí

Cả nhà mê tuồng

08:39, 08/10/2016 (GMT+7)

Là đoàn tuồng tư nhân nhưng nhiều năm qua, Đoàn tuồng Sông Thu vẫn “sống” và bén rễ trong lòng người dân ở các địa phương vùng ven Quảng Nam, Đà Nẵng. Để “nuôi” đoàn, các diễn viên phải làm đủ nghề, thậm chí nhận làm nhạc hiếu...

Các anh, em và con trai chị Thu Trang trong một lần đi diễn ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.
Các anh, em và con trai chị Thu Trang trong một lần đi diễn ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.

Khi tuồng là cái nghiệp

Lần giở album cũ còn lưu giữ vài tấm ảnh của cha mẹ, chị Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng đoàn tuồng Sông Thu kể, cha mẹ chị là cặp nghệ nhân tuồng nổi tiếng Ngọc Huệ - Diệu Thông của xứ Quảng nên tuổi thơ của chị gắn liền với sân khấu tuồng, khi thì phụ diễn vai quần chúng, khi thì nhắc tuồng, dọn dẹp phông màn, sân khấu… Cuộc sống không dư dả mấy nhưng yên ả, đầm ấm. Rồi cha mất sau một vụ tai nạn trên đường đi diễn về, cuộc sống gia đình bắt đầu khó khăn. Khi đó, chị Trang mới 16 tuổi, nhưng đành phải nghỉ học để đi diễn phụ mẹ nuôi các em.

“Nghiệp tuồng cũng bắt đầu từ đó. Không chỉ tôi mà các anh chị em trong gia đình cũng theo tuồng. Mấy mẹ con cứ thế đi diễn hết nơi này đến nơi khác. Năm 1997, khi Câu lạc bộ Tuồng Duy Xuyên thành lập, chú Nguyễn Quỳnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ Tuồng huyện Duy Xuyên đã cho cả gia đình hát trong câu lạc bộ, sau đổi tên thành Đoàn tuồng Sông Thu do nghệ nhân ưu tú Văn Phước Phổ (quận Sơn Trà) làm trưởng đoàn. Năm 2010, cậu Phổ lớn tuổi, trách nhiệm duy trì đoàn tuồng đặt lên vai tôi. Bây giờ, tôi là người giữ lửa cho cả đoàn và cả gia đình”, chị Trang chia sẻ.

Chính tình yêu tuồng của chị Trang đã lan tỏa trong cả gia đình. Bây giờ, các con, các cháu của chị đều sắp xếp việc học để theo mẹ và các cậu, dì đi biểu diễn. Năm 2015, Cao Quốc Hưng (9 tuổi, con trai út của chị Thu Trang) được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải diễn viên nhỏ tuổi nhất tại Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ.

Chỉ sợ không được diễn tuồng

Với một đoàn tuồng được Nhà nước bao cấp, để sống được với nghề là điều khá chật vật, thì đoàn tuồng tư nhân càng khó khăn gấp bội. Không nguồn kinh phí hỗ trợ nào nhưng nhiều năm qua, Đoàn tuồng Sông Thu tự xoay xở để thỏa niềm đam mê tuồng. Trang phục đi hát do anh trai Ngọc Hoàng thiết kế và may, rồi anh chị em, con cháu túm tụm lại đính từng cái hoa, cái hạt. Cả đoàn chỉ có 4 micro nên thay phiên nhau sử dụng; cũng vì thế có khi gây ra những cảnh dở khóc, dở cười. Có lần, hậu đài tối om, Thu Trinh chạy ra để cho nhân vật của Thu Thu (hai người em gái của chị Thu Trang - PV) vào diễn, nhưng loay hoay mãi chưa tháo được cái micro, làm Thu Trang ngoài sân khấu phải múa may, kéo dài thời gian. Kịch bản thì theo lối truyền miệng, hồi xưa ba mẹ, các cô, các chú hát rồi bắt chước theo, cứ thế mà diễn.

“Diễn trong dân gian, bà con không quá khắt khe về trang phục, kịch bản, miễn là hát hay, điệu bộ đẹp. Nhưng đi thi thố với người ta thì khác. Những lần tham gia hội diễn, trang phục không có, kịch bản cũng không; chúng tôi phải mượn trang phục Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, xin kịch bản từ các nghệ sĩ tên tuổi...”, chị Thu Trang nói.

Hiện 9 anh em của chị Thu Trang (8 người cư ngụ tại Đà Nẵng) sống bằng nhiều nghề khác nhau: đi làm tổng đám ma, làm vàng mã, xe ôm, bán tạp hóa, bán giày dép ngoài chợ... “Thế nhưng, khi nghe nơi nào mời hát thì tất cả bỏ hết công việc, mừng như đi hội. Cả một tháng mà không có sô diễn thì lòng như lửa đốt, tay chân ngứa ngáy vì nhớ nghề. Ngay cả đứa con gái mới 8 tuổi của mình cũng sốt ruột, cứ theo hỏi vì sao mẹ không đi diễn cho con xem”, chị Thu Trinh góp chuyện.

Dù khó khăn là thế nhưng không một ai trong đại gia đình có ý định bỏ tuồng. Ngay cả cậu con trai thứ hai của nghệ sĩ Thu Trang, năm nay học lớp 9, cũng khẳng định: “Sau này, nếu không lấy tuồng làm nghề, con vẫn sẽ sắp xếp cùng đại gia đình đi biểu diễn, nhất định không để truyền thống hát tuồng của gia đình bị đứt đoạn”.

Những vùng quê Quảng Nam và Đà Nẵng, nơi đâu cần, đại gia đình lại khăn gói về biểu diễn. Tiền công mỗi đêm tính ra chỉ vài trăm ngàn đồng/người, có khi chỉ đủ trang trải xăng xe, nhưng họ chỉ cần được hát, cần có người nghe họ hát là đủ rồi. Đó là điều đáng trân quý. Đó cũng là gốc rễ sâu xa để tuồng bám vào lòng dân, tạo nên sức sống mãnh liệt, được tôn vinh là “Di sản phi vật thể quốc gia”.

Nhà có 15 anh chị em, 6 người đã mất, nay còn lại 9 người thì tất cả đều thuộc Đoàn tuồng Sông Thu. Họ đã thành công khi giành được rất nhiều bằng khen, huy chương vàng, huy chương bạc tại các hội thi, liên hoan sân khấu không chuyên toàn quốc nhưng đến nay không một ai được công nhận bất kỳ danh hiệu nào. Dẫu vậy, họ chẳng buồn bởi với họ, tất cả vì tình yêu tuồng. Họ chỉ buồn vì các đêm diễn ngày một thưa dần khi lớp khán giả yêu tuồng ngày nào đã già và mất đi; lớp trẻ thì chưa mặn mà...

Bài và ảnh: HÀ THU

.