Đà Nẵng cuối tuần
Từ câu chuyện của bạn
LTS: Nguyễn Minh Hằng là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), đang là sinh viên năm thứ ba ở Phần Lan. Mới đây, Minh Hằng sang Đức trong một chương trình trao đổi học tập. Gặp những người bạn mới, Minh Hằng đã có những suy tư về cuộc sống. Chào bạn trẻ xin giới thiệu bài viết của Minh Hằng.
Nguyễn Minh Hằng (thứ hai từ phải sang) với các bạn trong lớp. |
Nürnberg đã bắt đầu vào thu, mưa nhẹ. Chị Aqsa, người Pakistan, bạn chung lớp tiếng Đức mời tôi đến nhà uống trà. Buổi uống trà kéo dài hơn tôi nghĩ. Chúng tôi kể cho nhau nghe về cuộc sống ở đất nước mình và những nơi mình đi qua. Tôi kể cho chị nghe về Việt Nam và Phần Lan. Chị kể cho tôi nghe về Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chị đang học cao học. Cả hai chúng tôi đến Đức theo một chương trình trao đổi.
Aqsa là người Hồi giáo, đến từ một đất nước mà tôi biết qua các cuộc chiến tranh. Ngày xưa lúc còn ở trường trung học, tôi từng đọc một quyển sách của Souad - Bị thiêu sống, hồi ký của một cô gái sống ở một ngôi làng hẻo lánh vùng Trung Đông, bị gia đình hành hạ, đánh đập, tẩm xăng đốt vì trót có thai với một chàng trai cùng làng. Câu chuyện được viết là “có thật”, sau này nhiều người phân tích kỹ quyển hồi ký và cho rằng nó được hư cấu, vì một cô gái bị đốt tàn bạo như vậy, thương tật 90% và ở trong một điều kiện y tế tồi tàn như được kể trong hồi ký sẽ không tài nào sống sót nổi mà kể lại tất cả. Tôi cũng nghĩ như vậy. Vậy mà không ngờ, hôm nay, tôi được chính Aqsa kể cho nghe những câu chuyện “rùng rợn” ở xứ sở ấy.
Bạn tôi kể rằng, ở Pakistan, hầu hết các cuộc hôn nhân đều do gia đình sắp đặt. Tôi không lạ gì khi nghe điều đó. Vì đã được kể rất nhiều bởi những người bạn khác đến từ các nước Trung Đông, Nam Á và Tây Á và cũng chứng kiến không ít những người bạn gái thân thiết của tôi đau khổ vì hủ tục này. Một cô gái ngoan là một cô gái biết đồng ý cưới người con trai mà gia đình đã lựa chọn, mặc kệ việc cô có hạnh phúc hay không. Việc một người con gái từ chối cuộc hôn nhân được sắp đặt là một sự sỉ nhục lớn với gia đình và cả dòng họ. Và theo lời Aqsa, ở xã hội đó, chưa một cô gái nào dám đấu tranh vì hạnh phúc của bản thân mà có được hạnh phúc.
Ở Pakistan nói riêng và một vài nước Trung Đông nói chung, danh dự gia đình là một điều thiêng liêng và quan trọng hơn thảy. Và để bảo vệ “điều thiêng liêng” đó, người ta nghĩ ra cái gọi là “Giết người vì danh dự” (Honor Killing). “Em biết không, gần nhà chị có một cô gái được sắp đặt cưới một người đàn ông cùng tầng lớp, nhưng chị ấy đã có người yêu nên nhất quyết bảo vệ hạnh phúc của mình. Hai người tự đi đăng ký kết hôn và dọn về sống với nhau bất chấp bị gia đình phản đối. Một ngày, gia đình nhắn tin gọi chị ấy về, bảo rằng chị đã được gia đình tha thứ. Nhưng không ngờ sau bữa ăn tối, chị ấy bị người thân của mình giết chết.
Ở đó, một người vợ bị nghi là ngoại tình, cô ấy có thể không còn tồn tại. Họ không chấp nhận được việc bị hàng xóm đàm tiếu. Một người con gái nắm tay một người con trai không phải chồng mình ở nơi công cộng là một điều ô uế. Theo luật, một phụ nữ có quan hệ tình dục trước hôn nhân sẽ bị dân chúng ném đá vào người ở nơi công cộng. Cô ấy có thể không chết vì bị ném đá, nhưng sau đó sẽ chết dưới tay những người thân trong gia đình. Nhưng chị chưa bao giờ chứng kiến điều đó cả, bởi vì không ai dám liều lĩnh như vậy, và nếu có thì sẽ không ai biết. Chị họ của chị cũng đang yêu một người con trai không phải do gia đình sắp đặt, chắc là họ phải chia tay thôi...”.
Người bạn gái trước mặt tôi có đôi mắt to tròn và lông mi cong vút. Chị rất xinh, thông minh và cũng rất mạnh mẽ. Chị được học bổng toàn phần ở Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó tiếp tục sang Đức thực tập. Tôi nghĩ để đi được đến chặng đường này, có lẽ chị đã nỗ lực rất nhiều và cũng được gia đình ủng hộ. Tôi có cảm giác rằng người con gái này sẽ không đi theo vết xe đổ của những cô gái cùng sinh ra trong xã hội mình. Quả thật, chị đã có con đường rất rõ ràng cho cuộc đời mình. Không cần phải đến một đất nước giàu có nhất nhì thế giới, chị chỉ cần một nước phát triển vừa đủ và có sự văn minh, một nơi mà chị được sống với những gì mình thực sự mong muốn. Tôi bảo chị tới Việt Nam đi, người Việt Nam hiếu khách lắm. Aqsa cười: “Chị chưa biết Việt Nam, nhưng trong mắt chị, em là đại diện cho những điều tốt đẹp của Việt Nam. Kể cả bản thân chị, mang tiếng là người Hồi giáo, là “phe phái” của những kẻ đánh bom liều chết, nhưng chị tin mình là đại diện cho những gì tốt đẹp của người Hồi giáo”.
Câu chuyện không vui dừng lại ở đó. Chúng tôi tiếp tục nói về các bạn trong lớp, về anh bạn người Đài Loan đang tán tỉnh chị bạn người Hàn Quốc, về cô giáo người Mỹ với phong cách thời trang như trong rừng Amazon, cô gái người Mexico ngày nào cũng gặm táo trong lớp, về hai anh người Ý không có ngày nào là không đi học trễ... Tôi bắt đầu thấy gắn bó với lớp học mà chúng tôi nói đùa là “hợp chủng quốc”. Chúng tôi hiểu rằng, không phải ai trong cộng đồng này cũng sẽ đồng cảm với những khác biệt trong văn hóa nhưng chúng tôi có một điểm chung là sự cởi mở với thế giới quanh mình.
Rời khỏi nhà Aqsa, trời vẫn còn mưa lắc rắc. Tôi đi bộ thật nhanh về nhà trước khi trời tối. Thấy nhớ quá bố mẹ và cô em gái. Nhớ Đà Nẵng bình yên. Thấy mình may mắn biết bao khi được sinh ra ở quê hương Việt Nam…
N.M.H