Văn hóa - Giải trí
Thiếu vắng tác phẩm của cây viết trẻ
Giải thưởng Văn học Đà Nẵng năm nay chỉ có 8 tác phẩm tham dự xét giải. Kết quả, Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn thành phố chọn được 2 tác phẩm đề xuất trao 1 giải A của Hội Nhà văn thành phố và 1 giải chuyển Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật trao giải. Điều này khiến nhiều người lo ngại về phong trào sáng tác văn học của thành phố thời gian qua.
Tác phẩm Thằng nớ con nhà ai được bạn đọc quan tâm thời gian qua. |
8 tác phẩm tham dự xét giải năm nay bao gồm các thể loại tiểu thuyết, truyện ký, tùy bút, tập truyện ngắn, thơ như: tập truyện Thằng nớ con nhà ai (Trương Điện Thắng), tập truyện Bỗng trời đổ mưa (Bùi Hồng Khanh), tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng (Thái Bá Lợi), tiểu thuyết Dòng sông không yên tĩnh (Đỗ Xuân Đồng), truyện ký Người lính (Hoàng Văn Cung), tùy bút Sông vẫn chảy trong tôi (Huỳnh Viết Tư), tập thơ Nơi phòng đợi (Thanh Quế), tập thơ Gió trên vai (Tăng Tấn Tài).
Từ những tác phẩm này, Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn thành phố đã chọn Thằng nớ con nhà ai trao giải A của Hội Nhà văn thành phố và Nơi phòng đợi chuyển Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật trao giải. Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn thành phố đánh giá, mỗi tác phẩm đều có thế mạnh riêng trong khai thác đề tài nên cân nhắc rất kỹ khi chọn. Song không thể phủ nhận, việc số lượng tác phẩm tham dự ít đã làm khó các thành viên Hội đồng Nghệ thuật.
Nhà văn Trần Trung Sáng, thành viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn thành phố chia sẻ, so với các năm về trước, số lượng tác phẩm tham gia xét Giải thưởng Văn học năm nay giảm sút đáng kể. Ngay cả mảng thơ thường lấn át các thể loại khác, nhưng năm nay chỉ 2/8 tác phẩm đăng ký. Ở mảng văn xuôi, tuy có đầy đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện ký, truyện ngắn, tùy bút... nhưng hầu như mỗi thể loại chỉ có 1 tác phẩm.
“Công tác đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật hết sức khó khăn. Với kết quả đã công bố, tôi cho rằng, Hội đồng Nghệ thuật đã làm việc tích cực, công tâm, thống nhất cao. Những tác phẩm đoạt giải là xứng đáng và cần giới thiệu rộng rãi để công chúng tìm đọc”, nhà văn Trần Trung Sáng nói.
Dù có tác phẩm đoạt giải, song nhà thơ Thanh Quế chẳng mấy vui. Ông cho rằng, lượng tác phẩm mỗi năm không đồng đều cũng là chuyện bình thường. Bởi với nhà văn, nhà thơ hay người hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, có giai đoạn sự sáng tạo dồi dào, nhưng cũng có khi bị chững lại. Nên tác phẩm năm nay có thể ít nhưng những năm tới lại nhiều. “Song điều tôi băn khoăn nhất là thiếu vắng tác phẩm tham gia của lớp người trẻ. Thú thật, nếu tác giả đoạt giải là cây viết trẻ, tôi thấy vui hơn. Nhiều lần Hội Nhà văn cũng đánh động sự thiếu hụt lớp người kế cận, nhưng đến nay, xem ra vẫn chưa giải quyết được gì”, nhà thơ Thanh Quế bộc bạch.
Chung nỗi lo với nhà thơ Thanh Quế, nhiều nhà văn cũng chia sẻ hai năm gần đây (2015 và 2016), Giải thưởng Văn học không thu hút nhiều tác phẩm, thể loại cũng không phong phú, chất lượng chưa vượt trội so với những năm qua, lớp người trẻ kế thừa thiếu vắng, đề tài đặc trưng về đời sống và mảnh đất con người Đà Nẵng chưa thể hiện dấu ấn đậm nét... Có lẽ, đến lúc các ngành chức năng liên quan, đặc biệt Hội Nhà văn nên tìm giải pháp khuyến khích sức sáng tạo của đội ngũ cầm bút và định hướng để tạo ra sự đột phá cho lĩnh vực này.
Thằng nớ con nhà ai gồm 19 truyện ngắn của tác giả Trương Điện Thắng, nội dung hầu như khai thác rải rác những ẩn kín tại một ngôi làng miền quê đất Quảng. Tuy là những câu chuyện riêng lẻ, độc lập, nhưng vẫn được tác giả xâu chuỗi trong một không gian gần gũi với hình ảnh cây đa, bến nước, con đò, người nông dân, gợi cho người đọc cảm giác thân thuộc, lôi cuốn người đọc vào cuộc hành trình tìm lại quê hương... - Nơi phòng đợi là tuyển tập thơ bao gồm 45 bài thơ của nhà thơ Thanh Quế viết về quê hương xứ sở, tình cảm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cùng những chiêm nghiệm về thế thái nhân tình... Hầu hết các tác phẩm trong Nơi phòng đợi là những sáng tác mới của Thanh Quế, với đề tài đa dạng, ngôn từ chắt lọc kỹ càng, sắc sảo và đôi khi đầy tính minh triết, đó là mỗi người chúng ta đang sống tức là đang ngồi ở phòng đợi để đi vào căn phòng vĩnh cửu. |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ