Cửa sổ tri thức

Chữ viết cho người Cơtu

16:33, 14/10/2016 (GMT+7)

* Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày Chủ nhật 28-8-2016, trong bài “Phôi phai vốn cổ” có đoạn nói về ông Quách Xân, một cán bộ người Kinh ở Đại Lộc lên công tác các huyện miền núi Quảng Nam đã tham gia nghiên cứu chữ viết dân tộc Cơtu và dạy họ học. Xin quý báo giới thiệu về cuộc đời ông thầy của bà con Cơtu này. (Nguyễn Mỹ, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Ông Quách Xân (đứng thứ hai hàng đầu, từ trái sang) cùng cán bộ miền núi Quảng Nam tập bắn cung tên bố phòng chống địch. (Ảnh tư liệu)
Ông Quách Xân (đứng thứ hai hàng đầu, từ trái sang) cùng cán bộ miền núi Quảng Nam tập bắn cung tên bố phòng chống địch. (Ảnh tư liệu)

- Quách Xân (1916 - 2000) người xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, xuất thân từ một gia đình phú nông. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở trường huyện, từ năm 1933 đến 1936 ra Huế học sư phạm. Tốt nghiệp thành chung, ông ra làm giáo học ở Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Trong phong trào dân chủ 1936 - 1939, được tiếp cận nhiều sách báo tiến bộ, ông đã đưa tư tưởng dân chủ, tiến bộ vào giảng dạy, khơi gợi tinh thần yêu nước trong tầng lớp thanh niên, học sinh. Vì vậy, ông bị giặc Pháp bắt giam, sau đó giải về quản thúc tại nhà lao Hội An.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ông tham gia phong trào Việt Minh, giành chính quyền ở xã và ở tổng thuộc huyện Đại Lộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông gắn bó cuộc đời mình với phong trào cách mạng ở miền núi Quảng Nam rồi Tây Nguyên. Sống chan hòa với bà con các dân tộc miền núi để vận động cách mạng, ông lúc là một cán bộ Huyện đội lăn lộn trong vùng tạm chiếm, lúc là một ông A-xốp ở trần, đóng khố, cầm dụ...

Sách “Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng” (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội - 2010) ở trang 1604 chép về ông như sau:

“Năm 1953, khi Ban cán sự miền Tây Quảng Nam được thành lập, ông là Ủy viên kiêm Bí thư Huyện ủy huyện Hiên.

Sau Hiệp định Genève (20-7-1954), ông được bố trí ở lại hoạt động tại miền Nam, phụ trách công tác giáo dục. Trong thời gian này ông cùng với một số đồng chí đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng, rất có ý nghĩa về mặt chính trị và văn hóa, là sáng tạo bộ chữ viết cho người Cơtu bằng cách phiên âm theo mẫu tự La-tinh. Thành công mở đầu này đã đưa đến việc hoàn thành bộ chữ viết cho người Ca dong sau đó không lâu”. “Một số đồng chí”, theo bài viết “Tìm lại chữ viết Cơtu” đăng trên Cổng thông tin điện tử huyện Nam Giang (namgiang.quangnam.gov.vn), là ông Lê Hồng Mao, được ông Quách Xân trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu hệ thống chữ viết Cơtu.

Khi đồng bào đã biết được cái chữ của dân tộc mình, Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam phát hành hai tờ tin để tuyên truyền đường lối của Đảng đến tận các làng. Tờ Gung Dưr (Vùng Lên) in song ngữ bằng chữ phổ thông và Cơtu; tờ Prudương (Vùng Lên) in chữ phổ thông và chữ Ca dong. Đây là hai tờ tin đầu tiên ở miền núi Quảng Nam và đặc biệt là lần đầu tiên tiếng Cơtu và Ca dong được phiên âm trên báo chí cách mạng.

Năm 1983, khi về hưu, ông đã có nhiều bài viết giới thiệu về những đặc trưng văn hóa, tham gia nhiều ý kiến nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam. Đặc biệt, ông tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh bộ chữ viết tiếng Cơtu.

Nói thêm, từ tháng 12-2004, UBND huyện Tây Giang đã tập hợp những người Cơtu am hiểu văn hóa Cơtu, tổ chức hội thảo để họ góp ý về tiếng nói, chữ viết dân tộc mình để biên soạn thành sách. Tháng 3-2006, tác giả Bh’riu Liếc (lúc đó là Chủ tịch UBND huyện Tây Giang) cho ra đời cuốn sách “Tiếng thông dụng Cơtu - Kinh và văn hóa làng Cơtu”. Đến tháng 3-2012, đại diện lãnh đạo các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang đã tổ chức hội thảo và đi đến thống nhất chữ viết Cơtu cho các huyện miền núi này, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt cũng như trong giao tiếp và bảo tồn văn hóa.

ĐNCT

.