Văn hóa - Giải trí
Nhật ký 48 giờ tình bạn
Được mời tham dự cuộc thi Đà Nẵng Hackathon Du lịch 2016, do Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) phối hợp với Văn phòng điều phối du lịch Mekong (MTCO), Sáng kiến Phát triển khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) và Trung tâm Khởi nghiệp Toàn cầu Seoul (Hàn Quốc) tổ chức, tôi hăm hở xách ba-lô lên đường, sẵn sàng cho hai ngày cuối tuần rong ruổi cùng các bạn chơi là “dân khởi nghiệp” Việt Nam và quốc tế.
Hội An cuốn hút các thí sinh bởi vẻ đẹp từ các ngôi nhà cổ và các món ăn đường phố đặc trưng. |
Ngày đầu tiên
Có mặt tại trụ sở DNES lúc 9 giờ sáng thứ bảy, tôi “bị” bắt phải trả lời một câu hỏi mới được cho vào. Câu hỏi đơn giản là: “Đâu là nơi bạn ước mơ được đặt chân đến?” Sau một hồi suy nghĩ, tôi viết “Myanmar” lên một tấm giấy rồi dán vào vai áo.
Căn phòng không gian làm việc chung của DNES vốn rộng, hôm ấy đón 60 thí sinh tham gia cuộc thi đều là “dân khởi nghiệp” đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Indonesia, một số nước châu Âu và Mỹ. Chúng tôi đi lòng vòng làm quen với nhau, dùng chính mảnh giấy trên vai áo làm “mồi” bắt chuyện.
Chị Jay Kim (Trung tâm Khởi nghiệp Toàn cầu Seoul, Hàn Quốc) nhận nhiệm vụ dẫn chương trình. Chúng tôi lần lượt đứng lên tự giới thiệu bản thân và cùng tham gia thảo luận về du lịch tại Hàn Quốc và Đà Nẵng. Rất nhiều thí sinh cho biết đây là lần đầu tiên họ đến với thành phố “của những chiếc cầu” này. Các thí sinh được chia thành năm đội, đại diện cho năm mảng của du lịch: Du lịch hội nghị; xây dựng cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch nói chung; quảng bá du lịch.
Chúng tôi dành ngày thi đầu tiên để rong ruổi ở phố cổ Hội An. Bốn thí sinh Việt Nam trong nhóm “xây dựng cộng đồng” của tôi xung phong làm “tài”, còn bốn bạn trẻ nước ngoài được ưu tiên ngồi sau để được thỏa thích chiêm ngưỡng cung đường ven biển Đà Nẵng – Hội An. Tôi chở Poy Jaroenlerdjanya, hiện làm quản lý cộng đồng tại không gian làm việc chung HUBBA Thái Lan. Poy kể người Thái có một câu chuyện cổ nói về tình nghĩa Thái Lan – Hội An và cô bạn rất nóng lòng được đặt chân đến vùng đất trước nay chỉ biết qua chuyện kể này.
Tại Hội An, chúng tôi phải tìm đến chùa Pháp Bảo để nhận một tấm thẻ. Nhiệm vụ này chẳng mấy khó khăn đối với những “dân Đà Nẵng” thứ thiệt. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai là khiến Poy và 3 thí sinh Lào, Hàn Quốc và Indonesia trong nhóm chúng tôi… sợ “xanh mắt”: đi thuyền trên sông Hoài để đến được chùa Cầu và nhận thêm một tấm thẻ nữa.
Rubkwan Choldumrongkul, bạn gái người Lào đang làm việc cho MBI (thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á), chưa bao giờ đi thuyền nhỏ chỉ một người chèo nên cực kỳ… căng thẳng. Chúng tôi bèn bày trò chụp ảnh để cô bạn quên đi nỗi sợ, cuối cùng, sau những phút giây “hoảng loạn”, Rubkwan cũng có thể thư giãn để tận hưởng chuyến “du thuyền” trên sông Hoài.
Hai nhiệm vụ được hoàn thành rất nhanh, chúng tôi vẫn còn dư dả vài tiếng đồng hồ trước khi đến giờ ăn tối. Cả đội quyết định đi dạo quanh Hội An để thử những món ăn vỉa hè. Kim Sungjong (quản lý cộng đồng tại Trung tâm Khởi nghiệp Toàn cầu Seoul, Hàn Quốc) “oanh tạc” các quầy thịt nướng ven sông Hoài, Rubkwan thử một chai bia để… khôi phục tinh thần sau chuyến đi “bão táp” trên sông, còn Poy và Vitto Oersepunovski (quản lý sự kiện tại không gian làm việc chung Hubud, Indonesia) thì hai tay hai trái bắp nướng.
Các thí sinh “đội mưa” làm nhiệm vụ tại chùa Linh Ứng. |
Ngày thứ hai
Mưa tầm tã từ sáng sớm và không có dấu hiệu chấm dứt. Chúng tôi tiếp tục đi thu thập các tấm thẻ tại chùa Linh Ứng và bờ sông Hàn.
Trên đường lên chùa Linh Ứng, Poy, Rubkwan, Vitto và Kim tỏ ra cực kỳ háo hức khi nghe cậu bạn Trần Quốc Khánh (sinh viên ngành Du lịch, Trường Đại học Duy Tân) kể về trải nghiệm nửa đêm đi ngắm cầu Sông Hàn quay. Vitto liên tục hỏi: “Làm thế nào mà nó quay được?”, “Nó quay để làm gì?” khiến “dân Đà Nẵng” chúng tôi cứ việc “hỉnh mũi” lên mà trả lời. Làm trưởng một nhóm hướng dẫn viên du lịch tình nguyện tại Đà Nẵng, Khánh là một kho tàng sống các câu chuyện về các địa danh trong thành phố. Cậu bạn kể chuyện hấp dẫn đến mức vào cuối ngày, tôi tình cờ nghe được Rubkwan để lại câu chuyện “tại sao Đà Nẵng có tượng Phật Bà” cho một thí sinh đội khác nghe, giọng điệu giống hệt Khánh.
Trong hai ngày thi, mỗi đội chúng tôi đối mặt với một nhiệm vụ lớn: Phát hiện và tìm cách giải quyết một vấn đề mà du lịch Đà Nẵng đang gặp phải thuộc lĩnh vực mà đội mình mang tên.
Giờ quan trọng đã điểm, 5 đội thi lên trình bày “tác phẩm” của mình. Tôi đã rất ngỡ ngàng khi thấy chỉ trong 2 ngày, các đội thi đều phát hiện ra được các vấn đề của du lịch Đà Nẵng, từ đó đưa ra những phương án giải quyết sáng tạo.
Nhóm “du lịch hội nghị” chỉ ra 4 điểm Đà Nẵng cần khắc phục để trở thành một trung tâm chuyên tổ chức sự kiện kết hợp du lịch: Cơ sở hạ tầng, giáo dục, dịch vụ cho khách VIP và khả năng tiếp cận với các thành phố của các nước khác trong khu vực.
Nhóm “du lịch văn hóa” đề ra sáng kiến triển khai tuyến xe buýt du lịch chạy qua các trung tâm văn hóa lịch sử trong thành phố. Nhóm “quảng bá du lịch” thì dựa vào ứng dụng di động Danang FantasticCity vừa được thành phố phát hành, kết nối với mạng xã hội Instagram để tận dụng ưu thế của cả hai nền tảng này. Sáng kiến này được số phiếu bình chọn cao nhất. Đó là một chi tiết khá nhỏ ít ai để ý, nhưng lại có tác động đáng kể.
Buổi tối chia tay trời mưa như trút nước, chúng tôi tặng nhau những chiếc ôm thật chặt trước khi lên đường. Nhận lời mời của Rubkwan, bốn thành viên Việt Nam trong đội “xây dựng cộng đồng” đã rục rịch kế hoạch cho một dịp tái ngộ tại đất nước Triệu Voi…
"Sau hai ngày, Đà Nẵng đã nhận được nhiều sáng kiến hay từ các thí sinh của cuộc thi Du lịch Hackathon. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm cách đưa các ý tưởng thành hiện thực. Cám ơn các bạn!" Chủ tịch Hội đồng Điều phối khởi nghiệp Đà Nẵng Võ Duy Khương |
KHANG NINH