Văn hóa - Giải trí
Khắc họa tình anh em
Diễn ra từ ngày 12 đến hết ngày 26-9, triển lãm mỹ thuật Việt Nam - Lào - Campuchia tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn) là cơ hội để công chúng yêu mỹ thuật chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa chất lượng và hiểu thêm về nét văn hóa đặc trưng của ba nước.
Tác phẩm Chung một dòng sông của họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ miêu tả hình ảnh ba phụ nữ đại diện cho ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia trong các bộ trang phục truyền thống. Ảnh: NGỌC HÀ |
Triển lãm trưng bày 55 tác phẩm đa dạng về chất liệu, thể hiện nhiều cung bậc màu sắc, cảm xúc với nhiều phong cách nghệ thuật. Các tác phẩm chuyển tải nội dung phong phú về cuộc sống, con người nơi các họa sĩ đang sinh sống, đồng thời giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của từng đất nước. Người xem bị mê hoặc trước Vũ điệu Apsara - tranh sơn dầu của họa sĩ Sam Sophonn, Campuchia; hay thích thú trước Tết Lào - tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Chaleunphone Phommabouth tái hiện hình ảnh những người phụ nữ Lào cùng nhau tắm cho các tượng Phật trong ngày đầu năm để cầu sự may mắn, bình an, thịnh vượng và phát triển.
Các họa sĩ Đà Nẵng mang đến nhiều tác phẩm ấn tượng, trong đó có tác phẩm Chung một dòng sông của họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ với thể loại sơn dầu thu hút sự quan tâm của người xem. Bức tranh miêu tả hình ảnh ba người phụ nữ đại diện cho ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia trong các bộ trang phục truyền thống với những nét đẹp riêng biệt và thể hiện nét văn hóa của mỗi quốc gia. Điều đặc biệt, tác phẩm mang đến cho người xem niềm tự hào truyền thống dân tộc và tình hữu nghị keo sơn, gắn bó của ba quốc gia anh em.
“Ý tưởng về cuộc triển lãm thôi thúc tôi phải vẽ cái gì đó. Tôi lặn lội khắp nơi để tìm hiểu mới thấu rõ về nét đặc trưng hình ảnh người phụ nữ của ba dân tộc để có thể khắc họa một cách chân thật và đạt chất lượng nghệ thuật cao”, họa sĩ Trung Kỳ tâm sự.
Chia sẻ về triển lãm, ông Chhim Sothy, Cục trưởng Cục Nghệ thuật tạo hình, Bộ Văn hóa-Nghệ thuật Campuchia cho rằng, đây là dịp giao lưu khá đặc biệt. Bản thân ông và các họa sĩ đã từng đến Đà Nẵng, nhưng đây là lần đầu tiên tham dự triển lãm tranh. Với 15 tác phẩm tham dự, các họa sĩ Campuchia giới thiệu đến công chúng Đà Nẵng những nét đẹp văn hóa, con người xứ sở này. Bản thân ông cũng mang đến triển lãm bức tranh sơn dầu Mẹ và con trong tù (kích thước 76x100cm) được ông sáng tác năm 2013. Tác phẩm thể hiện ký ức đau buồn của giai đoạn lịch sử dưới chế độ Khmer Đỏ. “Các họa sĩ trong đoàn rất háo hức dự triển lãm, bởi không đơn thuần là giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về hội họa, hoạt động này còn là dịp giới thiệu bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Tôi mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác trên lĩnh vực nghệ thuật và hội họa để “chiếc cầu nối văn hóa” giữa ba nước thêm thắm thiết”, ông Chhim Sothy nói.
Họa sĩ đoàn Campuchia giới thiệu về tác phẩm Vũ điệu Apsara. |
Ông Hà Thanh Vân, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết thêm, triển lãm mỹ thuật Việt Nam - Lào - Campuchia nằm trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 – 5-9-2017), 40 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 – 18-7-2017) và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24-6-1967 – 24-6-2017). Để chuẩn bị cho sự kiện giao lưu mỹ thuật đặc biệt này, bảo tàng đã nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán hai nước, có kế hoạch tiếp đón chu đáo... Bên cạnh hoạt động triển lãm, bảo tàng tổ chức cho các họa sĩ tham gia một số hoạt động tham quan và ký họa tại bán đảo Sơn Trà, Hải Vân quan nhằm giới thiệu cảnh đẹp, sự yên bình của thành phố Đà Nẵng đến nước bạn.
“Theo nhận định của các nhà chuyên môn, các tác phẩm tại triển lãm được đầu tư công phu, nghiêm túc và có chất lượng nghệ thuật cao. Vì thế, đây cũng là dịp để sưu tầm hiện vật và kêu gọi các họa sĩ hiến tặng tác phẩm, bổ sung vào quỹ hiện vật của bảo tàng. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiều triển lãm lớn nhằm thu hút công chúng đến bảo tàng và kỳ vọng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng được biết đến rộng rãi hơn”, ông Hà Thanh Vân cho biết.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ