Văn hóa - Giải trí
Tôn vinh giá trị làng nghề truyền thống
Mỗi làng nghề truyền thống như một “bảo tàng sống”, bởi nơi đây lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần làm nên bức tranh văn hóa dân tộc đa sắc màu và đậm đà bản sắc của người Việt…
Trình diễn làm nón lá được người dân quan tâm và trải nghiệm tại liên hoan các làng nghề truyền thống 2017. |
Vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng ngày nay vẫn tồn tại nhiều làng nghề truyền thống như: bánh khô mè Cẩm Lệ, chiếu Cẩm Nê, điêu khắc đá Non Nước - Ngũ Hành Sơn, nước mắm Nam Ô, mây tre Hòa Nhơn, rượu cần Phú Túc, bánh tráng Túy Loan, điêu khắc gỗ Hòa Nhơn, đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, lồng đèn Hội An, nón lá Duy Xuyên, dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ tu… Trong đó, một số làng nghề làm ra nhiều sản phẩm được mua bán rộng rãi, người dân vẫn sống được với nghề. Bà Đặng Thị Túy Phong (thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong) với hơn 50 năm tráng bánh cho biết, nghề bánh tráng đã tồn tại hơn 200 năm nay. Ngày đó, nhà nào cũng có lò tráng bánh, có nhà đến hai, ba lò, ngày nay thì thưa thớt dần. “Bánh tráng Túy Loan to hơn nhiều so với các loại bánh tráng khác trên thị trường, có đường kính hơn 50cm. Bánh dày với nguyên liệu không chỉ bột mà còn gồm gừng, mè… Sản phẩm vẫn được nhiều người ưa chuộng, thường thì người dân đặt mua để biếu họ hàng nơi xa”, bà Phong cho biết.
Song cũng có nhiều làng nghề đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm mới và bị mai một dần. Bà Dương Thị Thông (55 tuổi, làng Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) tâm sự, ở làng bà ngày ấy, dệt chiếu là công việc của cả làng. Những đứa trẻ 7-8 tuổi đều được ông bà, cha mẹ tập cho dệt chiếu, đến năm 10 tuổi đã thành thạo và có thể phụ giúp gia đình. “Bây giờ, người làm chiếu chỉ còn đếm trên đầu ngón tay vì sản phẩm không bán ra thị trường được. Người mua chủ yếu là những người quen nằm chiếu Cẩm Nê từ xưa. Ngay bản thân tôi cũng đi làm nghề khác, chỉ khi có người đặt tôi mới chuẩn bị nguyên liệu và mời mấy người già trong làng đến dệt cho đỡ nhớ nghề”, bà Thông buồn bã nói.
Chung tâm trạng, bà Huỳnh Thị Y (53 tuổi, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) cho biết, nghề làm nón của làng bây giờ chẳng còn ai, họ chuyển sang làm ruộng, hoa màu, vàng mã. Theo bà Y, mất 8 tiếng đồng hồ để hoàn thành một chiếc nón nhưng bán ra chỉ 50.000 đồng/cái (chưa trừ nguyên liệu) nên không ai mặn mà. Một số người lớn tuổi tranh thủ những lúc đồng áng rảnh rỗi thì làm thêm kiếm ít tiền.
Có thể nói, làng nghề truyền thống đang đứng trước nhiều áp lực, đặc biệt thiếu lớp người kế cận. Do đó, tôn vinh giá trị, bảo tồn các làng nghề truyền thống cần được chú trọng. Mới đây, Bảo tàng Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng với sự tham gia của 15 làng nghề ở Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Đây được đánh giá là hoạt động kịp thời nhằm tôn vinh những người thắp lửa cho nghề truyền thống. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, để công chúng được dịp tìm hiểu, khám phá nét đẹp, các giá trị văn hóa đặc sắc của các làng nghề truyền thống nên Bảo tàng quyết định thực hiện liên hoan này hướng đến Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.
Những ngày diễn ra liên hoan, khá nhiều người dân Đà Nẵng đến xem, trải nghiệm các công đoạn dệt chiếu, làm nón, làm lồng đèn… Hồng Thảo, sinh viên năm nhất, Trường Đại học Duy Tân cho biết, đây là lần đầu tiên em được nhìn thấy các nghệ nhân trình diễn; nhờ đó em có thêm kiến thức về các nghề truyền thống, đặc biệt phục vụ cho bài tập hướng nghiệp em đang học tại trường.
“Từ chỗ chỉ là nghề phụ của một số hộ gia đình trong các cộng đồng làng xã, qua nhiều thế hệ, các nghệ nhân với bàn tay tài hoa đã tạo nên những sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc, giàu tính thẩm mỹ, nghệ thuật và vang tiếng khắp vùng. Trải qua thời gian tồn tại và phát triển, các làng nghề đã trở thành một bộ phận quan trọng của truyền thống lịch sử, văn hóa ở mỗi làng quê. Vì thế, bảo tồn, phát triển các làng nghề cũng cần tính đến nhiều mặt, trong đó cần nâng cao nhận thức của cộng đồng”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói thêm.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ