Văn hóa - Giải trí

Trăn trở bảo tồn nghệ thuật truyền thống

07:55, 25/11/2017 (GMT+7)

Nghệ thuật truyền thống đang bị mai một bởi thiếu tác phẩm mới, hay, thiếu lớp nghệ sĩ kế thừa, chưa được đông đảo công chúng hiểu và đón nhận là những vấn đề được nêu tại buổi làm việc giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy và Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố, ngày 24-11.

Nghệ thuật tuồng cần được bảo tồn và phát huy.  TRONG ẢNH: Một vở diễn tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Nghệ thuật tuồng cần được bảo tồn và phát huy. TRONG ẢNH: Một vở diễn tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Ông Nguyễn Trường Hoàng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố trăn trở về những khó khăn liên quan đến nhân lực, kinh phí tổ chức các hoạt động nghệ thuật truyền thống. Trong khi đó, ông Cao Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố cho biết, hiện nay chúng ta có kịch bản nhưng thiếu chiều sâu. Điều đáng nói nhất là lớp nghệ sĩ hầu hết đã lớn tuổi.. Theo ông Ngọc, cần có những lớp bồi dưỡng đào tạo nghệ sĩ trẻ, đồng thời phải có giải pháp để kích cầu từ công chúng và kích cầu bản thân các nghệ sĩ.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố cho rằng, phải tạo điều kiện, mở lớp nhiều hơn để anh em nghệ sĩ truyền nghề cho lớp kế cận, nếu không sẽ mai một dần. “Bảo tồn thì phải phát huy chứ bảo tồn mà không phát huy cũng sẽ mất”, ông Tùng chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, muốn có đội ngũ kế cận, trước tiên phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Như vậy diễn viên trẻ mới có “lửa” và cảm hứng sáng tạo.

Để tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng, theo bà Dương Lê Phương, Phó phòng Quản lý văn hóa thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, hoạt động quảng bá cần được coi trọng. “Tại sao chúng ta không sử dụng các mạng xã hội để quảng bá cho chính mình; bởi sức lan tỏa của nó đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ rất lớn. Theo tôi, Sở Du lịch khi tổ chức các hoạt động có thể phối hợp với các nghệ sĩ để giới thiệu đến khách du lịch những tác phẩm nghệ thuật truyền thống; đồng thời cũng phải xác định được thị trường để có kênh tiếp cận phù hợp”, bà Phương nói. Trong khi đó, bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng cho rằng, để người dân hiểu và yêu nghệ thuật truyền thống thì việc tuyên truyền là không thể thiếu. “Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều bài viết về các tác phẩm hay, các diễn viên đầy nhiệt huyết để giới thiệu đến công chúng. Tuy nhiên, cần có sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa Báo và Hội để nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền về nghệ thuật truyền thống”, bà Mỹ Hạnh nói.

Về vấn đề này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng đề nghị, Hội Nghệ sĩ sân khấu phải phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế cận và phải cụ thể về số lượng. Chẳng hạn, dân ca bài chòi thiếu bao nhiêu, diễn viên tuồng thiếu bao nhiêu… Ngành giáo dục cũng phải phối hợp để đưa dân ca, bài chòi vào trường học, giúp các em tiếp cận, yêu mến các loại hình nghệ thuật truyền thống, ươm mầm cho thế hệ kế cận.

Theo ông Đặng Việt Dũng, quan trọng nhất vẫn là phải xác định được mình diễn cho ai xem: “Khi nào người dân háo hức chờ xem nghệ sĩ diễn thì khi đó mới thành công. Trách nhiệm của chúng ta là phải nâng cao trình độ thẩm mỹ của công chúng. Chúng ta không thể thụ động ngồi chờ mà phải chủ động tìm khán giả, đưa họ đến với mình, phải “đào tạo” khán giả cho sân khấu truyền thống. Nếu không có khán giả, không phục vụ người dân thì nghệ thuật không thể sống được”.

Ông Đặng Việt Dũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố và Hội Nghệ sĩ sân khấu xây dựng đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền  thống. Riêng Hội cần sưu tầm kịch bản hay, xây dựng kịch bản và vở diễn mới; đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế cận; phối hợp đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường. Đài Phát thanh  -  Truyền hình Đà Nẵng ưu tiên phát sóng các chương trình nghệ thuật truyền thống trong khung giờ phù hợp. Báo Đà Nẵng cần có những bài viết chuyên sâu, giới thiệu gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu... Đặc biệt, Hội Nghệ sĩ sân khấu cần phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao chuẩn bị những vở kịch hay, đặc sắc để tham gia Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thế giới diễn ra năm 2018 tại Đà Nẵng.

3 cá nhân được đề nghị xét chọn danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”

Sở Văn hóa và Thể thao thành phố vừa có Thông báo số 4270/SVTTT-QLVH về  kết quả xét chọn danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Theo đó, ngày 16-11, Hội đồng cấp thành phố xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” , “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai năm 2018, đã tổ chức xét chọn hồ sơ 13 cá nhân. Kết quả, Hội đồng cấp thành phố chọn 3 cá nhân đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” .

3 cá nhân gồm: Hoàng Kim Hà (SN 1964, trú tại K82, hẻm 10/6 đường Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, quận Hải Châu); Trịnh Công Sơn (SN 1954, trú tổ 243 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) và Thi Lý Phước (SN 1957, trú thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Các cá nhân này đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian

NGỌC PHÚ

PHƯƠNG TRÀ

.