Một vấn đề nan giải đang đặt ra hiện nay là các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, trong đó có đình làng, đã và đang bị “biến dạng” theo quá trình đô thị hóa.
Đình làng Thạc Gián, Đà Nẵng. |
Đình làng trên cả nước nói chung, đình làng ở Đà Nẵng nói riêng là tổng thể giá trị về kiến trúc, điêu khắc, lịch sử độc đáo mà chúng ta chưa thể khám phá, nghiên cứu hết, nhưng trước sự phát triển kinh tế thị trường, với những lợi ích về kinh tế, nếu chúng ta không tính toán thật kỹ lưỡng thì những giá trị này sẽ bị trôi vào lãng quên. Đình làng và những hiện vật của đình làng còn là “nhân chứng sống” để thế hệ hôm nay hiểu về lịch sử của một vùng đất.
Hơn thế nữa, đình làng của Đà Nẵng còn gắn với các phong trào yêu nước của người dân thành phố này. Ngôi đình là địa điểm hoạt động của người dân địa phương trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, là mái nhà nuôi dấu, che chở cán bộ và bộ đội. Chính nơi đây, những người con ưu tú của địa phương đã sống, chiến đấu và hy sinh vì đất nước. Ngôi đình cũng trở thành hình ảnh thân thuộc, chất chứa bao kỷ niệm của nhân dân qua bao đời...
Hiện Đà Nẵng có 5 đình làng xếp hạng di tích cấp quốc gia gồm: đình Nại Nam, đình Đồ Bản, đình Túy Loan, đình Hải Châu, đình Thạc Gián. Còn lại 29 đình làng khác nằm rải rác trên cả 6 quận, huyện đều được xếp hạng di tích cấp thành phố.
Năm 2018, UBND thành phố giao cho Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh mọi thủ tục để tu bổ, trùng tu 3 ngôi đình đang bị xuống cấp nghiêm trọng, gồm: đình Xuân Dương, đình Phước Thuận và đình Thái Lai.
Đình làng ở Đà Nẵng có kiến trúc mái đình truyền thống 4 mái, gồm 2 mái chính ở phía trước và phía sau, cùng 2 mái phụ ở hai đầu hồi của đình. Mái đình ở Đà Nẵng có hình thức và kết cấu giống mái đình ở hầu hết các địa phương thuộc miền Trung nước ta.
Những ngôi đình ở Đà Nẵng có đầu đao cong kiểu mái thuyền mềm mại và thanh thoát, mang hình tượng mạnh mẽ, uy nghiêm của chốn linh thiêng. Trên mái của đình có nhiều hình thức trang trí ấn tượng và độc đáo.
Nóc mái là mô-típ “lưỡng long chầu nguyệt”. Cuối hai đầu nóc được trang trí 2 con rồng uốn lượn, biểu tượng của nhật - nguyệt, là ánh sáng và sự sống của vũ trụ. Trên đỉnh nóc đình được trang trí hai cặp rồng, theo tư thế hồi long quay đầu.
Góc mái của đình được trang trí các hình lân và giao long. Bố cục trang trí này đều được lặp lại trên cổ lầu của hậu tẩm và cả trên lầu chuông, gác trống phía hai đầu hiên đình. Các linh vật ở đây được thu nhỏ để phù hợp với các tiểu kiến trúc được trang trí.
Ở các gờ giữa của mái đình, cách trang trí quen thuộc là phượng chầu vào mặt nguyện chính giữa, hoặc thay thế bằng tấm biển chữ Hán đề tên của đình.
Các hình tượng trang trí kể trên đều được thực hiện bằng kỹ thuật rất tinh xảo như khảm sành sứ, thủy tinh tạo nên sự thanh thoát cho ngôi đình và bảo đảm độ bền trước thời tiết khắc nghiệt của nắng gió miền Trung.
Các chi tiết trang trí này càng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm, sự nhiệm màu, thần bí của chốn linh thiêng. Hiện nay, đình làng Hải Châu là một trong những đình ở Đà Nẵng còn lưu giữ nhiều hiện vật rất có giá trị lịch sử, văn hóa như chuông đồng cao 1,3m, đường kính miệng 0,7m, có hình hai con rồng thời Nguyễn đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Đình có 3 tấm bia ký bằng đá cẩm thạch.
Một tấm được lập vào năm Tự Đức thứ 14 (tức là năm 1861), hai văn bia còn lại lập vào năm Bảo Đại nguyên niên (1926) để ghi công đức của nhân dân Hải Châu đã đóng góp tiền của để sửa chữa. Đình còn lưu giữ 6 bức hoành phi được làm vào các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức...
Tất cả hoành phi được chạm khắc rất đẹp, bằng gỗ sơn son thếp vàng. Bức hoành phi “Vạn cổ anh linh” được làm vào năm Gia Long thứ 17 (tức năm 1818). Bức hoành phi “Phước Hải Tự” làm vào năm Minh Mạng thứ 6 (tức năm 1825).
Hai bức hoành phi được lập dưới thời Tự Đức gồm: “Thánh tức Thiên” và “Nghĩa Tham Thiên”. Hai bức còn lại “Tiền liệt quang” và “Hải Châu Tự” chưa rõ ngày tháng tạo lập. Ngoài ra, còn có 10 câu liễn, chữ viết đẹp, rõ ràng, ghi câu đối, trang trí sơn son thếp vàng,...
Văn hóa luôn có sự thích ứng, điều chỉnh và tạo nên những định hình mới. Nhưng hòa vào dòng chảy của xã hội, ngôi đình vẫn đứng đó, vững chãi và uy nghiêm, linh thiêng hướng lòng người về với nguồn cội và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của mỗi vùng đất trên con đường đổi mới.
Vì vậy, việc bảo tồn, trùng tu và lưu giữ các giá trị văn hóa kiến trúc như đình làng ở Đà Nẵng là việc làm cấp bách, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban ngành liên quan và nhân dân thành phố.
NGUYỄN VĂN THỦY
Giảng viên Trường Chính trị thành phố