Phát huy giá trị di tích Hải Vân quan

.

Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân quan dự kiến triển khai vào năm 2019 với sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Đà Nẵng, kỳ vọng sẽ phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và khai thác dịch vụ du lịch tại di tích này.

Mỗi ngày, Hải Vân quan đón khá đông khách tham quan. Vì thế, cần đẩy nhanh tiến độ dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân quan để phát huy giá trị di tích.
Mỗi ngày, Hải Vân quan đón khá đông khách tham quan. Vì thế, cần đẩy nhanh tiến độ dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân quan để phát huy giá trị di tích.

Từ tháng 4 đến tháng 8-2018, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành khai quật diện tích gần 900m2 tại 4 mặt lũy thành và trong lòng khu di tích. Kết quả khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân quan thời Nguyễn như: bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố.

Ngoài ra, trong quá trình khai quật cũng đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn 1946-1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây.

Căn cứ hiện trạng di tích và kết quả khảo cổ, tại hội thảo bàn về dự án Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan, tổ chức vào tháng 9 vừa qua tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị tư vấn đã đưa ra hai phương án trùng tu.

Phương án một là phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng I bảo vệ di tích, một đoạn tuyến đường thiên lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng vào thời kỳ nhà Nguyễn.

Các công trình nằm giữa ranh giới vùng bảo vệ I và II của di tích (các công trình xây dựng giai đoạn 1945-1975) sẽ được bảo tồn thích nghi. Phương án hai là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ các công trình được xác định có trước giai đoạn 1975, đặc biệt là thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, các ý kiến tại hội thảo này đa phần chọn phương án một, trùng với quan điểm của Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) thành phố Đà Nẵng.

Bởi về góc độ lịch sử, phương án một truyền tải được ý nghĩa, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của di tích Hải Vân quan trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của tiền nhân, đặc biệt là giai đoạn nhà Nguyễn (phương án hai chỉ thể hiện được vai trò trong giai đoạn lịch sử cận đại 1946-1975).

Về địa chính trị thì phương án một thể hiện được ý nghĩa, tầm quan trọng chiến lược trong một thời gian dài gần 200 năm tính từ mốc năm 1823 khi vua Minh Mạng xây dựng hoàn chỉnh pháo đài này (phương án hai chỉ nêu lên ý nghĩa, tầm quan trọng chiến lược trong giai đoạn 1945-1975 của di tích dựa trên nền tảng một căn cứ quân sự hơn 70 năm).

Về quân sự, đây là đồn lũy phòng thủ bảo vệ kinh thành Huế khỏi các cuộc tấn công từ phía nam (chứ không đơn giản chốt án ngữ bảo vệ tuyến đường huyết mạch giữa Huế và Đà Nẵng).

“Chắc chắn sẽ cần tiếp tục lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định lựa chọn phương án trùng tu, nhưng dù là phương án nào cũng phải tính đến việc bảo tồn Hải Vân quan về mặt văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch, dịch vụ cho công trình để phát huy giá trị di sản sau khi phục hồi”, ông Quốc Thiện nói.

Những phát lộ mới đây càng khẳng định giá trị nhiều mặt của di tích Hải Vân quan.
Những phát lộ mới đây càng khẳng định giá trị nhiều mặt của di tích Hải Vân quan.

Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng cho biết, đến nay, việc khảo cổ đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành lập dự án đầu tư trình các cấp thẩm định, phê duyệt, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trước 31-10-2018 để đủ điều kiện đăng ký vốn triển khai trong năm 2019.

Đây là dự án về trùng tu, tôn tạo di tích cấp quốc gia mà vị trí nằm trên ranh giới hành chính giữa hai địa phương, các bước thủ tục xây dựng cơ bản đều được hai địa phương xem xét phê duyệt trên cơ sở thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dẫn đến thời gian thực hiện rất dài và phức tạp.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư dự án, bảo đảm đúng quy định pháp luật, Sở VH-TT đã đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng ủy quyền cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các ngành chuyên môn của tỉnh triển khai thực hiện đầu tư dự án.

Trong quá trình triển khai các bước đầu tư dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm thông tin, trao đổi, thống nhất ý kiến bằng văn bản của UBND thành phố Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích, ngành VH-TT hai địa phương sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch quản lý, phát huy giá trị và khai thác dịch vụ du lịch của di tích.

“UBND thành phố đã đồng ý với đề xuất của sở và Ban cán sự Đảng UBND thành phố đang báo cáo Thường trực Thành ủy vấn đề này”, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH-TT thành phố cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.
.