Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, việc tuyển diễn viên trẻ, tâm huyết với tuồng luôn là bài toán khó. Để khắc phục điều này, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã đề xuất các giải pháp, trong đó chú trọng tạo điều kiện cho diễn viên sống được với nghề.
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tham dự vở Hoạn lộ tại Liên hoan Tuồng và dân ca kịch diễn ra tại Thanh Hóa (từ ngày 11 đến 20-5). |
Theo báo cáo của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, mỗi năm, nhà hát tổ chức khoảng 200-220 buổi biểu diễn, gồm 20 buổi diễn phục vụ chính trị, 30 buổi giới thiệu nghệ thuật tuồng đến các trường học trong chương trình “Sân khấu học đường”, 24 buổi biểu diễn “Tuồng xuống phố”, còn lại là các buổi biểu diễn tạo nguồn thu.
Không chỉ hoạt động biểu diễn tại rạp trung tâm, nhà hát thường xuyên biểu diễn lưu động tại 2 bên bờ sông Hàn, các địa điểm du lịch, tại các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Hòa Vang và các địa phương lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, hằng năm, nhà hát đều có kế hoạch biểu diễn phục vụ tại các trường học trên địa bàn.
“Vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa biểu diễn tại các sự kiện để tạo nguồn thu mà nguồn nhân lực nhà hát hiện chỉ có 60 nghệ sĩ, diễn viên, người lao động. Trong vòng 5 năm trở lại đây, lãnh đạo nhà hát đặc biệt quan tâm đào tạo đội ngũ kế cận để đắp những “lỗ hổng” của diễn viên về vũ đạo, làn điệu; đối với nhạc công thì tập lại những bài cơ bản, xử lý kỹ thuật... Nhưng nếu muốn bứt phá trong hoạt động biểu diễn, chúng tôi mong muốn xây dựng 2 đoàn biểu diễn thay vì 1 như hiện nay”, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tâm sự.
Nỗi lo về lớp diễn viên trẻ, đội ngũ kế cận vẫn là nỗi lo thường trực và là tình trạng chung của nghệ thuật truyền thống cả nước. Trong Liên hoan Tuồng và dân ca kịch diễn ra tại Thanh Hóa (từ 11 đến 20-5), giới chuyên môn cho rằng, với 11 nhà hát và 16 vở diễn nhưng những vai nam chính, nữ chính hầu hết đều do các NSND, NSƯT, nghệ sĩ gạo cội cao tuổi đảm nhận.
Các gương mặt diễn viên mới xuất hiện đảm nhận các vai diễn chủ chốt rất ít; thiếu vắng các tác giả và đạo diễn mới. Đơn cử, trong 9 vở diễn của bộ môn nghệ thuật tuồng thì tác giả Lê Sỹ Chức có... 6 vở; đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ tham gia dàn dựng 4 vở. Còn lại, các tác giả, đạo diễn đều là những gương mặt quen thuộc ở các kỳ liên hoan trong suốt một thập kỷ vừa qua.
Về bài toán nguồn nhân lực, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng đang kỳ vọng vào thế hệ diễn viên, nhạc công mà nhà hát đã đưa đi đào tạo tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội theo Quyết định số 4363/QĐ-BVHTTDL ngày 16-12-2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về ban hành Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo, nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020.
“Hiện có 19 em đang học theo đề án này. Đây cũng là thế hệ diễn viên, nhạc công được nhà hát tuyển chọn gắt gao từ năm 2016 và các em cũng hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước gồm bao cấp việc ăn ở, miễn học phí, cấp học bổng theo quy định... Sau khi học xong khóa đào tạo, các em sẽ trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp ở độ tuổi 19-20. Đây là độ tuổi “vàng” để các em trở về công tác tại đơn vị nghệ thuật và có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tế, kéo dài tuổi nghề trong cuộc đời nghệ sĩ. Chúng tôi đã đề xuất Sở Nội vụ cho tăng chỉ tiêu biên chế vào năm 2020 để có thể tiếp nhận số học sinh này”, ông Trần Ngọc Tuấn kỳ vọng.
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, sở sẽ xem xét kỹ đề xuất này. Trước mắt, suất biên chế của những trường hợp về hưu sẽ không tuyển dụng, dành vị trí cho các em thuộc đề án. Ngoài ra, các nghệ sĩ đến tuổi nghỉ hưu nhưng nếu còn sức khỏe và tâm huyết với nghề thì có thể tiếp tục ký hợp đồng. “Đào tạo được thế hệ diễn viên nghệ thuật truyền thống đã khó, giữ chân họ càng không dễ. Những diễn viên, nghệ sĩ nhiều tuổi nghề thì đến chế độ nghỉ hưu. Chúng ta cần có cơ chế linh động, phù hợp”, ông Võ Ngọc Đồng nói.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ