Để Tết cổ truyền không xa lạ với trẻ

.

Nhằm góp phần bảo tồn và lưu giữ nét văn hóa độc đáo của Tết cổ truyền, những ngày này, nhiều đơn vị trường học, bảo tàng trên địa bàn thành phố tổ chức Phiên chợ ngày Tết, trò chơi dân gian ngày Tết, ẩm thực Tết...

Cho chữ là một trong những nét đẹp văn hóa trong ngày đầu xuân.  TRONG ẢNH: Phiên chợ ngày Tết tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Cho chữ là một trong những nét đẹp văn hóa trong ngày đầu xuân. TRONG ẢNH: Phiên chợ ngày Tết tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Phong phú các hoạt động

Tại Bảo tàng Đà Nẵng, trong hai ngày 7 và 8-1 diễn ra Phiên chợ ngày Tết, tái hiện khá đầy đủ không gian văn hóa, ẩm thực, lễ hội Tết cổ truyền. Đó là các gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm thường dùng trong ngày Tết như: bánh khô mè Cẩm Lệ, bánh tráng Túy Loan, bánh truyền thống xứ Quảng, trà Việt, hoa giấy, bì lì xì, cây cảnh, đặc sản ẩm thực ngày Tết... Đó là góc ẩm thực quê với các món bánh dân dã, truyền thống xứ Quảng như: bánh đúc, bánh lọc, nậm, bánh ram ít, bánh bèo...

Đến với Phiên chợ ngày Tết, công chúng và du khách, đặc biệt là trẻ em, có dịp tham gia các trò chơi dân gian mang tính vận động đem lại không khí vui tươi, sôi động: nhảy sạp, bịt mắt đập trống, nhảy bao bố, ném lon, kéo co, đi gáo dừa...; hay tự tay làm viết thư pháp, nặn tò he, gói bánh chưng, bánh tét, têm trầu, làm mứt Tết, làm bánh đậu xanh, bánh thuẫn, tô tượng, làm hoa giấy... dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Dịp Tết Nguyên đán này, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng tổ chức cho người dân, đặc biệt là giới trẻ, trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột” với sự hướng dẫn của nhân viên bảo tàng; tự tay sáng tạo một bức tranh về ngày Tết, viết thông điệp về một ước mơ của mình cho bản thân, gia đình, cho thành phố và tự tay gắn lên mô hình cây mai “Ước mơ 2020” để gửi gắm đến mọi người trong dịp Tết...

Khám phá, trải nghiệm về Tết cổ truyền cũng được các trường học chú trọng, đặc biệt bậc mầm non. Tại Trường Mầm non Thần Đồng Việt (quận Hải Châu), trong suốt một tuần gần Tết, các cô giáo đã tập trung giúp các em nhận biết Tết cổ truyền thông qua hình ảnh mâm cỗ (bánh tét, bánh chưng, dưa hấu...), cảnh sắc (hoa mai, hoa đào, câu đối đỏ...), phong tục ngày Tết (mừng tuổi, xông đất...). Tùy vào từng độ tuổi mà các bé được cô giáo hướng dẫn trò chơi dân gian như: ô ăn quan, kéo co, bịt mắt bắt dê, kéo cưa lừa xẻ, rồng rắn lên mây...

Hiểu thêm về Tết cổ truyền

Chị Sơn Châu (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) chia sẻ, đây là năm thứ 2 chị đăng ký cho các con tham gia Phiên chợ ngày Tết tại Bảo tàng Đà Nẵng. Theo chị Châu, trong ký ức của mình vẫn còn đọng mãi hình ảnh Tết ngày xưa bên những người thân yêu, cùng làm bánh in, bánh tét, tối đến quây quần bên nồi bánh chờ đón giao thừa; hay theo mẹ đến các phiên chợ Tết chọn những bộ đồ mới... “Ngày nay, thế hệ các con mình không còn sống trong không khí Tết đó nữa, nhất là trẻ em thành phố. Vì thế, việc các bảo tàng, trường học tổ chức hoạt động trải nghiệm về Tết cổ truyền là rất ý nghĩa, giúp trẻ em hiểu thêm về truyền thống của dân tộc”, chị Châu nói.

Chia sẻ thêm về việc tổ chức Phiên chợ ngày Tết, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng, chợ Tết là một nét văn hóa độc đáo, đậm dấu ấn truyền thống của người Việt mỗi dịp xuân về. Đến một phiên chợ những ngày cuối năm không chỉ là để mua sắm mà còn là để hòa mình vào khung cảnh đầy màu sắc tươi vui, nhộn nhịp và gửi gắm những ước mong bình an, sung túc cho năm mới. “Ngày nay, đời sống ít nhiều thay đổi, Tết cổ truyền không còn đậm nét như xưa. Trẻ con bây giờ lại bị cuốn vào thiết bị nghe, nhìn, thiếu không gian trải nghiệm, vui chơi. Vì thế, chúng tôi cố gắng làm sao tái hiện một không gian Tết xưa với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút người dân, nhất là trẻ em đến để vui chơi và hiểu hơn, yêu hơn nét đẹp Tết cổ truyền của dân tộc. Năm nay, chúng tôi có đưa thêm phần hô hát bài chòi, trống hội để phiên chợ Tết thêm rộn ràng”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Như Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Thần Đồng Việt (quận Hải Châu) trải lòng, những năm qua, hoạt động khám phá, trải nghiệm về Tết cổ truyền được phụ huynh ủng hộ. “Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhìn các con khám phá trò chơi dân gian một cách đầy hứng khởi. Trò chơi dân gian ngày Tết dành cho các bé chứa đựng cả một nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc dân tộc Việt Nam; không chỉ giúp bé phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các bé hiểu sâu sắc hơn về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước”, cô Nguyễn Như Quỳnh tâm sự.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
Danh mục hộp quà tết 2025 sang trọng, ấn tượng
.
.
.