Nghệ sĩ Đà Nẵng nỗ lực giữ lửa nghề

.

Những ngày qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương tích cực tổ chức các hoạt động luyện tập, ghi hình nhằm tạo hoạt động thường xuyên cho nghệ sĩ, diễn viên, trong thời gian tạm dừng biểu diễn nghệ thuật do Covid-19.

Các nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố trong vở kịch ngắn Bạn gái của người bị tai nạn. Ảnh: NGỌC HÀ
Các nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố trong vở kịch ngắn Cái chết đến từ đâu. Ảnh: NGỌC HÀ

Dựng kịch theo đơn đặt hàng

Mới đây, theo “đặt hàng” của Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao thành phố), Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố đã xây dựng kịch bản và dàn dựng quay ngoài thực tế hai vở kịch ngắn về an toàn giao thông và an toàn thực phẩm gồm: Cái chết đến từ đâu và Quán chè chị Tư. Tham gia hai vở kịch ngắn là các hội viên thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố, trong đó có những nghệ sĩ quen thuộc như: nghệ sĩ Thái Văn Nga, nghệ sĩ Huyền Tân, nghệ nhân ưu tú Hoàng Kim Hà…

Thời gian qua, nghệ nhân ưu tú Hoàng Kim Hà khá nhiệt tình tham gia từ nghệ thuật tuồng truyền thống, hô hát bài chòi đến dân ca kịch. Lần này, chị vào vai chính của vở Cái chết đến từ đâu - là người mẹ có đứa con trai gây ra tai nạn làm chết người khác. Chia sẻ về vai diễn, nghệ nhân ưu tú Hoàng Kim Hà cho rằng, mỗi thể loại đều có cái khó nhưng bản thân từng là diễn viên tuồng nên chị vào vai kịch không mấy trở ngại.

Trong khi đó, nghệ sĩ Huyền Tân chia sẻ, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên các hoạt động nghệ thuật của chị thời gian qua phải tạm dừng. Nhờ tham gia hai vở kịch ngắn của hội nên cũng đỡ nhớ nghề.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố cho biết, những năm gần đây, Hội nhận được đơn đặt hàng, xây dựng và đưa một số vở kịch hài ngắn có lồng ghép chủ trương, đường lối, chính sách của thành phố về văn hóa, văn minh đô thị, “Thành phố 4 an” để biểu diễn phục vụ bà con đã tạo nên những hiệu ứng tích cực. Năm 2020, Hội tiếp tục thực hiện các vở kịch ngắn, tuy nhiên, trong tình hình hiện tại thì không thể biểu diễn trực tiếp phục vụ bà con nên đổi mới phương thức thực hiện là quay ngoại cảnh. “Theo tôi được biết thì sau khi quay ngoại cảnh, Sở Văn hóa-Thể thao thành phố sẽ làm thành đĩa gửi về các cơ sở để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Khi nào có điều kiện chúng tôi tổ chức biểu diễn phục vụ trực tiếp bà con”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Tranh thủ trau dồi chuyên môn

Thời gian này, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng tạm thời dừng mọi hoạt động. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo nhà hát linh động thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong kế hoạch năm 2020. NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát cho biết, hiện đã mời các NSND, NSƯT tên tuổi về nghệ thuật tuồng của Đà Nẵng như: NSND Trần Đình Sanh, NSND Nguyễn Thị Thu Nhân, NSƯT  Phương Lan, NSƯT Thanh Tỵ, NSƯT Hà Hữu Hùng, NSƯT Nguyễn Ninh; nghệ nhân Kim Anh (Bình Định)… ghi hình các trích đoạn tuồng mẫu mực.

Theo ông Tuấn, các trích đoạn tuồng mẫu mực như: Lưu Kim Đính hạ sơn (trong vở Tam hạ nam đình), Ốc vào nhà Thị Hến, Bình Trọng bị giam lớp 1 và lớp 2… đòi hỏi khả năng diễn xuất, vũ đạo rất cao, trong khi các nghệ sĩ gạo cội tuổi ngày càng lớn nên việc ghi hình nhằm lưu lại cho lớp diễn viên kế cận của nhà hát tập theo; đồng thời, tạo dựng nguồn tư liệu quý của nhà hát sau này.

Song song, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xây dựng các tiết mục múa cho diễn viên trẻ nhằm làm mới chương trình “Tuồng xuống phố” và sẵn sàng trở lại phục vụ người dân khách du lịch trong một ngày không xa. “Chúng tôi cố gắng thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn của năm 2020 trong thời gian nhà hát tạm dừng các chương trình, show diễn; tạo môi trường cho diễn viên hoạt động thường xuyên để vẫn giữ được độ “bén” của nghề”, ông Tuấn cho hay.

Tại Nhà hát Trưng Vương, thời gian này, nhà hát vẫn đang triển khai cho Đoàn Ca múa nhạc tiếp tục ôn luyện kỹ năng cơ bản về ca, múa, nhạc. Đặc biệt, nhà hát đã thực hiện chương trình nghệ thuật “Sống như những đóa hoa” nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Chương trình được phát sóng trực tiếp trên trang facebook và youtube của nhà hát thu hút hàng nghìn lượt theo dõi, chia sẻ và bình luận hưởng ứng.
Tận dụng thời gian không có chương trình biểu diễn, Nhà hát Trưng Vương cũng thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị máy móc, xây dựng demo quảng bá, mời khai thác tài sản công và demo trang trí không gian Nhà hát để khi trở lại phục vụ công chúng tốt hơn. “Dự kiến, ngay sau thời điểm công bố hết dịch, nhà hát sẽ tổ chức chương trình ca nhạc đặc biệt nhằm ca ngợi sự tâm huyết, tận tụy, sáng suốt trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng; tôn vinh ngành y; đặc biệt, ca ngợi tình người, sự gắn bó đoàn kết của toàn dân trong cuộc chiến chống Covid-19; khích lệ, động viên nhân dân hăng hái lao động, thi đua sản xuất bù lại thời gian nghỉ dịch, thúc đẩy kinh tế, xây dựng thành phố phát triển”, ông Trần Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương chia sẻ.

NGỌC HÀ

 
;
;
.
.
.
.
.