Phát triển thư viện, phòng đọc sách cơ sở - Bài cuối: Không gian đọc sách là nơi thư giãn

.

Luật Thư viện 2019 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2020 là cơ sở để phát triển ngành thư viện; trong đó, chú trọng hơn về công tác chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực, gầy dựng văn hóa đọc... Xung quanh việc phát triển hệ thống thư viện, phòng đọc cơ sở, Báo Đà Nẵng ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và người dân.   

Bạn đọc đọc sách tại Nhà sinh hoạt cộng đồng thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) do tư nhân đầu tư. Ảnh: huỳnh lê
Bạn đọc đọc sách tại Nhà sinh hoạt cộng đồng thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) do tư nhân đầu tư. Ảnh: huỳnh lê

* Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố: Muốn đọc sách thì phải có sách và có chỗ để ngồi đọc

Không phải ai cũng có nhu cầu và điều kiện sở hữu tủ sách cá nhân hoặc thư viện gia đình. Vì thế, thư viện và phòng đọc sách công cộng được xem là thiết chế văn hóa cần thiết trong cộng đồng, cùng lúc đáp ứng hai nhu cầu: có sách để đọc và có chỗ để ngồi đọc. Thư viện cấp tỉnh càng đáp ứng nhu cầu đa dạng về sách để đọc và nhu cầu tiện nghi cao về chỗ để ngồi đọc. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện về thời gian và phương tiện đi lại để thường xuyên tiếp cận với thư viện cấp tỉnh. Do vậy, thư viện cơ sở - nhất là thư viện cơ sở trong trường học - hay thậm chí phòng đọc sách cơ sở trở nên cần thiết để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư.
Hy vọng khi Đà Nẵng triển khai thực hiện Luật Thư viện 2019, các phường/xã sẽ được đầu tư đúng mức để phát triển mô hình thư viện cơ sở và phòng đọc sách cơ sở.

* Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên: Đừng nhét bạn đọc vào không gian chật hẹp

Khi xây dựng một thư viện, phòng đọc, đừng mang tư tưởng làm-cho-có, đừng nhét bạn đọc vào những không gian chật hẹp, xung quanh là mảng tường bê-tông, thiếu ánh sáng và thiếu cây xanh. Không phải ngẫu nhiên mà các hình tượng văn học đều thấp thoáng hình bóng nhân vật miên man theo những trang sách bên cửa sổ, ngoài bờ sông, dưới một mé rừng, hoặc ngoài cánh đồng, ven đê… Theo tôi, không gian đọc sách rất quan trọng, bởi đây không chỉ là nơi đọc, mà còn là nơi thư giãn, “sống chậm”. Việc xây dựng thư viện điện tử là cần thiết, hỗ trợ tích cực cho những con người bận rộn nhưng thích tìm hiểu tri thức, văn học - nghệ thuật.

* Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Á: Có thể bắt đầu từ những “bờ sông sách”...

Thư viện, phòng đọc sách báo cơ sở cần đặt tại những vị trí đi lại thuận tiện, có tính kết nối cao, có thể bắt đầu từ những “bờ sông sách”, tận dụng ưu thế không gian sông nước, tạo cảm giác thư thái cho việc đọc. Có thể xây dựng các phòng đọc này theo mô hình cà-phê sách nhưng tính chất thương mại chỉ là thứ yếu; yếu tố phục vụ không gian đọc, thư giãn, giải trí mới mang tính cốt lõi. Bên cạnh đó, các địa phương cần quyết liệt nâng cấp phòng đọc sách ở khối phố, phường, xã, đặt tại những vị trí dễ nhìn thấy, hệ thống lại thư viện trường học; liên tục tổ chức các cuộc thi đọc sách ở trường học, địa phương và cổ vũ những người đoạt giải.

* Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa, môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú: Nên kết hợp với nhà xuất bản và tác giả được yêu thích

Hiện nay, các bạn trẻ ngoài việc sử dụng internet để tìm kiếm thông tin và giải trí, một bộ phận không nhỏ vẫn duy trì văn hóa đọc. Các nhà sách như Nhã Nam, nhà xuất bản First New vẫn có doanh thu lớn. Các quán cà-phê sách vẫn đông khách. Nhưng ngoài học sinh, sinh viên, rất ít người đến thư viện. Theo tôi, nguyên nhân do tài liệu ở thư viện tuy nhiều nhưng cũ, chỉ thích hợp với những người thích tìm tài liệu cũ. Cách quản lý thư viện cũng cũ.

Nên kết hợp thư viện đọc sách với quán cà-phê, nghe nhạc, xem phim... Nên kết hợp với các nhà xuất bản, các tác giả được giới trẻ yêu thích để được cung cấp những đầu sách hấp dẫn, những buổi giới thiệu sách thú vị, thu hút các bạn trẻ đến với thư viện, dần dần tạo thói quen đọc sách. Hệ thống quản lý thư viện nên số hóa để độc giả ở nhà vẫn có thể tra cứu các đầu sách mà họ cần.

* Ông Lê Hồng Lam (74 tuổi), tổ 18, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê: Mong phòng đọc có thêm sách mới, nội dung phong phú

Là cán bộ hưu nên hầu như ngày nào tôi cũng có mặt tại phòng đọc sách, báo của phường, có khi ngồi đọc sách, báo hết buổi sáng mới chịu về. Ngồi ở đây mát mẻ, rộng rãi, chỉ có điều sách còn ít, chủ yếu dựa vào sự “cho, mượn” của thư viện hoặc các cá nhân trên địa bàn phường. Đọc mãi rồi cũng hết. Có cuốn người dân đóng góp, có tập 1, tập 2, tập 4, tập 5 nhưng “hụt” tập 3 nên đọc không sướng lắm! Hơn nữa, nhiều cuốn mình muốn đọc, muốn tìm hiểu nhưng không phải lúc nào hỏi cũng có. Hầu hết sách ở phòng đọc này tôi đã đọc qua, nên chủ yếu duy trì việc đến đây để đọc báo hằng ngày.

Thời gian tới, ngoài báo chí, tôi mong muốn chính quyền địa phương có kế hoạch bổ sung đầu sách mới, gầy dựng phòng đọc này thành một thư viện thu nhỏ, nội dung đa dạng và phong phú hơn, có như thế mới mong thu hút bạn đọc trẻ.

* Chị Châu An (35 tuổi), phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà: Gia đình gầy dựng phong trào đọc sách

Để thư viện, phòng đọc cơ sở có cơ hội phát triển, ngoài sự đầu tư cơ sở vật chất, con người từ chính quyền địa phương, mỗi gia đình - trước tiên là cha mẹ - phải xây dựng cho mình thói quen đọc sách, yêu sách. Lâu dần, trẻ sẽ hòa nhập và việc đọc sách trở thành thói quen. Thứ hai, trong việc bình xét gia đình, tổ, phường văn hóa, nên chú ý tiêu chí đọc sách (có tủ sách gia đình, phòng đọc, hoặc có các hoạt động liên quan đến văn hóa đọc như thưởng quà bằng sách, lì xì bằng sách).

Nhà trường cũng cần có các hoạt động đọc sách bổ trợ, khuyến khích sáng kiến liên quan đến phong trào đọc sách của học sinh. Thành phố cần phát động phong trào “khuyến đọc”, thưởng cao với người đọc nhiều sách và nói được nội dung cuốn sách đó. Các phòng đọc không chỉ mở ở thư viện, nơi công cộng, mà còn ở các cơ quan, công ty… Ngoài ra, để tạo điều kiện cho đông đảo người dân có cơ hội tiếp cận sách hay, sách quý, Đà Nẵng cần ưu tiên, tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp vào việc xây dựng văn hóa đọc, các điểm đọc sách trên địa bàn thành phố.

* Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng: Mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đều có quyền thành lập thư viện

Luật Thư viện 2019 có hiệu lực sẽ là cơ sở để thành phố có hướng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, con người cho hệ thống thư viện, phòng đọc sách cơ sở. Các giải pháp chúng tôi hướng đến trong việc xây dựng thư viện, phòng đọc cơ sở năm 2020 là tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị cho thư viện; mở rộng các hoạt động phục vụ bạn đọc; tăng cường công tác luân chuyển tài liệu, xây dựng lịch luân chuyển, nội dung sách luân chuyển phù hợp với đối tượng bạn đọc; nâng cao chất lượng hoạt động thông tin - thư mục; nâng cao chất lượng các cơ sở dữ liệu...

Ngoài ra, Luật Thư viện 2019 sẽ là cơ sở để ngành thư viện phát triển; trong đó, chú trọng hơn về công tác chuyên môn, nguồn nhân lực thư viện, phòng đọc sách, báo cơ sở, điều mà chúng ta lâu nay chưa làm tốt. Ngoài ra, theo Luật Thư viện 2019, không chỉ các tổ chức của Việt Nam mới có quyền thành lập thư viện, mà mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định; đẩy mạnh việc liên thông giữa các thư viện; xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số; bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập...

HUỲNH LÊ ghi
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.