Sân chơi trẻ em: Thừa mà thiếu?

.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của thành phố, sân chơi trẻ em đã được các cấp chính quyền và cả doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thiết chế văn hóa này chỉ tạm ổn về mặt số lượng, còn về chất lượng, nhất là yếu tố thuận tiện, phù hợp, đặc biệt sân chơi mang tính vận động lại rất thiếu.   

Nhiều khu vui chơi hiện đại    

Cung Văn hóa Thiếu nhi Đà Nẵng kể từ khi chuyển về “nhà mới” trên tuyến đường Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) đã trở thành địa chỉ không thể thiếu của trẻ em thành phố, nhất là vào dịp hè. Tại đây có khá nhiều trò chơi vận động như: thú nhún, cầu trượt, nhà banh... cho đến các trung tâm dạy đàn, hát, múa, các CLB kỹ năng sống...

Đối diện Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố là khu vui chơi Helio Đà Nẵng. Ngay từ khi mới đưa vào sử dụng, khu vui chơi này ngay lập tức trở thành địa chỉ làm mê mẩn “những tín đồ” trò chơi điện tử hiện đại. Đây có thể nói là khu vui chơi chuyên về các trò chơi điện tử hiện đại và lớn nhất của khu vực miền Trung, có khả năng tiếp nhận hàng ngàn trẻ đến chơi cùng lúc.

Có quy mô nhỏ hơn nhưng với lợi thế nằm ngay trong trung tâm thành phố, các khu vui chơi trẻ em như Indochina, tầng 3, tòa nhà Indochina, số 74 đường Bạch Đằng; Funbaby Đà Nẵng, tại số 104 Nguyễn Văn Linh; Tini World, tầng 2, số 255-257 đường Hùng Vương... cũng là nơi trẻ em ở thành phố tìm đến vào dịp cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ lễ trong năm để vui chơi. Tại đây bên cạnh một số trò chơi vận động dành cho lứa tuổi từ 6-8 tuổi, hầu hết đều là các trò chơi điện tử như đua mô-tô, câu cá, đi thác trượt,...

Ngoài ra, tại các trung tâm thương mại như Vincom, Lotte Mart, Co.opMart, Công viên Châu Á, khu nghỉ dưỡng Bà Nà Hills... cũng đều là những khu vui chơi trẻ em có quy mô lớn, nhiều trò chơi hiện đại, hấp dẫn. Theo thống kê có gần 30 khu vui vui chơi nằm rải rác khắp thành phố, có thể tiếp nhận mỗi ngày hàng chục ngàn lượt trẻ em đến vui chơi. Như vậy, thành phố Đà Nẵng với khoảng 160.000 trẻ em (từ 16 tuổi trở xuống), nếu tính tỷ lệ khu vui chơi trẻ em trên số trẻ thì có thể nói là không thiếu, thậm chí là thừa.

Thiếu sân chơi vận động

Hiện nay ở tất cả xã, phường trên địa bàn thành phố đều đã có những sân chơi trẻ em được đầu tư căn bản bao gồm sân bóng đá mini, cầu trượt, cầu thăng bằng, xích đu... Ngoài ra, tại một số khu dân cư còn có những công viên nhỏ cũng đã được đầu tư lắp đặt một số thiết bị vui chơi cho trẻ em.

Tuy vậy, trên thực tế có thể nói hầu hết các sân chơi này đều ở trong tình trạng vắng bóng trẻ em đến chơi. Giải thích về điều này, một cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà cho rằng, có quá nhiều điều còn bất hợp lý.

Việc mỗi phường có 1 sân chơi trẻ em là quá ít (thường nằm ở gần trụ sở UBND phường), nên đa số các em muốn đi đến chơi cần phải đi từ 3-5 km. Với trẻ em đây là khoảng cách quá xa gây cản trở. Trong khi đó, các trò chơi tại các khu vui chơi này rất nghèo nàn, cũ kỹ và đa số trong tình trạng không vận hành trơn tru, vì vậy, bản thân các trẻ lẫn phụ huynh không muốn đưa con đến chơi.

Theo chị Lê Thị Thùy Linh (ở tổ 19, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em là hằng ngày chứ không phải đợi đến cuối tuần, hoặc là đến kỳ nghỉ lễ. Với các em sau giờ học về nhà chạy ra đầu ngõ, hoặc cuối xóm gần nhà, nơi chỉ cần khu đất trống để các em chơi các trò chơi vận động là được. Những sân chơi kiểu như vậy rất tiện cho các em, lẫn phụ huynh không mất công phải đưa đón; quan trọng là không tốn tiền mua vé để chơi.

Thế nhưng, đây lại là điều còn thiếu hiện nay ở hầu hết các khu dân cư trên địa bàn thành phố. Đồng quan điểm, anh Trần Tấn Thành (ở kiệt 35, đường Phan Thanh, quận Hải Châu) chia sẻ thêm: “Hằng ngày, các con đã thiếu sân chơi, nhưng do bận rộn việc học nên vấn đề này không căng lắm. Nhưng đợt dịch Covid-19 này quả thực là “ác mộng” với trẻ em và cả bậc phụ huynh.

22 ngày cách ly xã hội, cố ở nhà đã đành, nhưng sau đó hết cách ly thì không biết đưa các con đi đâu. Theo tôi, sân chơi trẻ em đơn giản chỉ cần ở mỗi khu dân cư, hoặc liên khu dân cư có một khoảng không gian xanh, rộng rãi để cuối ngày, người lớn và trẻ con ra hít thở không khí trong lành, chơi các trò vận động, nhưng hiện ở Đà Nẵng còn  thiếu những không gian công cộng như thế”.

Thành phố hiện có khá nhiều khu vui chơi hiện đại, nhưng trẻ em thì không thể đến chơi thường xuyên vì xa nhà, nhất là giá vé không hề rẻ nên các em chỉ thỉnh thoảng mới được đến chơi. Trong khi đó các sân chơi trẻ em ở địa phương - nơi có thể diễn ra các trò vận động như đá bóng, đá cầu, nhảy dây... lại đang rất thiếu. Giải quyết nghịch lý này rõ ràng không thể là chuyện ngày một ngày hai, song, khó, chậm không có nghĩa không làm được.  

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.