Quả ngọt đúng mùa

.

Lấy chồng ở phố, tôi như đứa trẻ hằng tuần vẫn ngóng đợi quà quê. Những gói quà quê của mẹ luôn khiến con gái rưng rưng vì những màu sắc và hương thơm thân thuộc…

Đôi khi vì nhiều lẽ mà người ở phố không cảm nhận rõ nhịp bước của thời gian. Nắng to đã có máy lạnh, mưa nhiều cũng chẳng mấy khi đến chân. Môi trường và điều kiện sống quen thuộc chính là trong những tòa nhà công sở không mấy hào hứng với việc đón nhận khí trời. Vậy nên, những món quà quê của mẹ chính là “cánh cửa” để con gái có thể cảm nhận về năm tháng, mùa màng dễ dàng nhất.

Ai không phải là người ở quê, hay chưa từng được lớn lên từ đó sẽ vội vàng đánh giá không đúng về giá trị của quà quê: Quà quê ngon vì chúng chính là đặc sản vùng miền. Không phải đâu. Quà quê không phải khi nào cũng là đặc sản. Quà quê là những hàng thức quen thuộc có sẵn trong vườn nhà, thu hái phút chốc trên biền bãi. Quà quê mẹ gửi thường mùa nào thức nấy. Mùa xuân có rau me, bông bí, đọt lang. Mùa hè có bưởi, chanh, có măng, có khế. Mùa đông có muối mè, muối ruốc sả, dứa sấy, đồ khô...

Đúng theo chu kỳ, tháng nào, năm nào cũng ngần ấy món nhưng không phải mùa màng nào cũng giống nhau. Con gái có thể dựa vào dáng hình và hương vị của rau trái để đoán biết mưa nắng, đoán biết sự tảo tần vất vả, kể cả sức khỏe của mẹ cha. Bông bí sẽ căng tròn mập mạp hơn nếu tiết trời xuân ấm, sáng phủ dày sương. Măng sẽ ngọt hơn nếu thỉnh thoảng được tắm mưa mùa hạ. Những dứa sấy, bầu khô sẽ mang đến dư vị thơm lừng và ngọt ấm khi um kèm với cá biển nếu mẹ đủ sức khỏe để phơi trở đều tay. Đến cả những vết nám, những nốt sần sùi ám trên từng trái na, trái ổi cũng là mật ngữ để kẻ phương xa đoán biết được sự đổi thay từ thời tiết, từ mảnh đất vốn giàu dinh dưỡng của ngôi làng nằm phía hạ nguồn một con sông xanh.

Có thể vẻ ngoài trông không đẹp đẽ, đều tay như những món đồ mà con gái từng mua từ siêu thị nhưng quà quê của mẹ bao giờ cũng ngon, vì sạch. Từ một đọt rau lang đến chục quả trứng gà, từ một bó me chua hay vài chục múi mít chín… Tất cả đều là hàng “hand made”, của nhà làm được trăm phần trăm. Chúng không bị phun thuốc trừ sâu, không bị đốt cháy giai đoạn bằng những loại thuốc kích lá, kích rễ, kích trái, hay tăng trọng nhằm mang đến thành quả siêu to, siêu trứng, siêu nạc, siêu đều đẹp như những trang trại thường làm. Quà quê của mẹ thực sự là những hàng thức mang đến sự ngon miệng, giúp cải thiện và bồi bổ sức khỏe, chúng không hề có nguy cơ lấy đi bất cứ thứ gì.

Cũng có những lúc, chính vì tâm lý tham đồ sạch mà con gái vội vàng, thúc giục mẹ gửi theo xe lên phố những rau trái không đúng mùa. Na chưa chín, bưởi chưa hồng, khoai củ chưa đủ thời gian để tích đủ bột. Để rồi tất cả khi mang ra dùng đều mang đến một mùi vị chua chát, sượng sùng, con gái như ôm bực vào người.

Bất cứ việc gì cũng cần có một thời điểm thích hợp. Không chỉ việc thu hái thành phẩm, mà ngay cả việc gieo hạt, chăm chút cây con cũng cần lắng nghe quy luật của thời gian. Đôi khi có thể du di tùy vào tình hình thời tiết, mưa nắng từng năm, tuy nhiên rau trái chỉ thực sự an toàn khi mùa nào trồng thức nấy, con người nên tránh canh tác trái với quy luật mùa vụ của tự nhiên.

Quả chỉ ngọt khi được hái đúng mùa, rau chỉ thơm khi chắt chiu đủ dinh dưỡng từ trời đất, ngày tháng. Chỉ khi biết chắt chiu và chờ đợi thì mỗi đời cây, đời hoa, đời người mới thực sự là một câu chuyện kể đầy lắng đọng về sự được - mất, cho - nhận, trải nghiệm và trưởng thành. Và đúng thế rồi, cuộc sống này chỉ thực sự trở nên hấp dẫn và trọn vẹn khi nó chứa đựng những câu chuyện, những câu chuyện được kết nối với thời gian.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.