Lẽ sống của nhà văn, anh hùng liệt sĩ Chu Cẩm Phong

.

Chu Cẩm Phong là một trong những nhà văn làm báo, chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Quảng Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010. Ngày 12-8-2021 kỷ niệm 80 năm ngày sinh và ngày 1-5-2021 kỷ niệm 50 năm ngày mất của ông.

Nhà văn - nhà báo - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân  Chu Cẩm Phong (Ảnh tư liệu)
Nhà văn - nhà báo - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Cẩm Phong (Ảnh tư liệu)

Từ khi là sinh viên, Chu Cẩm Phong đã say mê hoạt động phong trào, được cử làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam và được kết nạp Đảng khi mới 22 tuổi.

Thời điểm đó, hoạt động phong trào là thi đua học tập tốt, rèn luyện phẩm chất cách mạng tốt, sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Đảng, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Đảng cần đến, lấy lý tưởng của Đảng, của nhân dân làm lẽ sống của đời mình.

Vào chiến trường

Năm 1964, tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, Chu Cẩm Phong được chọn đi nước ngoài học tập, nhưng ông xin về Nam công tác, chiến đấu với tâm niệm tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trước rồi sau sẽ học.

Xác định được lý tưởng, lẽ sống của đời mình nên vào chiến trường, Chu Cẩm Phong sẵn sàng vượt qua những khó khăn, gian khổ, sống gương mẫu, làm việc đầy trách nhiệm, xung phong đảm đương những công việc nặng nhọc, nguy hiểm.

Ở khu 5, muốn làm cách mạng, trước hết phải tồn tại, tức là phải tìm cái ăn để sống và làm việc. Với trách nhiệm Bí thư chi bộ, ông đảm nhiệm việc phân công anh em cơ quan: ai làm rẫy, ai lấy rau, ai làm nhà… Thấy cơ quan thiếu dụng cụ sản xuất, ông tháo chiếc nhẫn mẹ gửi cho (dành sau này cưới vợ) để cơ quan bán lấy tiền mua rựa, mua cuốc… Ông chỉ dẫn anh em, nhất là những người mới vào chiến trường cách phát rẫy, cách chọc lỗ, tỉa lúa. Ông thức suốt đêm để đan teo (giỏ nhỏ) đựng thóc khi đi tỉa. Ông làm cót để đựng thóc khi thu hoạch… Những thứ đó do ông dày công vào nóc đồng bào dân tộc nhờ bà con chỉ dẫn.

Trong công việc gùi cõng gạo, muối… từ đồng bằng lên căn cứ, công việc nặng nhất ở khu 5, hay gặp máy bay săn lùng, có khi bị địch phục, nên ông thường xung phong đi đầu để hướng dẫn anh em làm theo. Mùa mưa năm 1970, cơ quan được phiếu đi cõng gạo, ông dẫn đầu tổ 7 người xuống Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) lấy gạo. Phát hiện bị phục kích, ông bình tĩnh chỉ dẫn anh em tản vào rừng, sau đó cầm khẩu côn đi dò đường trước. Ông nói: “Tôi đi trước, có gì tôi nổ súng, các anh phía sau tìm cách chạy thoát để tránh tổn thất…”.

“Trước hết là một đảng viên, sau đó mới là một người văn nghệ”

Đối với anh em làm công tác văn nghệ, làm cách mạng là sáng tác tốt để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ đó, ngày 1-10-1967, những ngày chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân 1968, trong nhật ký của mình, Chu Cẩm Phong ghi: “Công tác văn nghệ sắp đến cũng rất nặng nề và khẩn trương, tất nhiên sứ mệnh của nó cũng rất vẻ vang. Đã đến lúc không thể đi được nữa mà phải chạy, chạy hết tốc lực. Đến lúc rồi đây. Hãy đem cả sức lực, trí tuệ và tài năng mình có hy sinh cho nhiệm vụ lịch sử này”.

Chu Cẩm Phong cho rằng, muốn làm tròn trách nhiệm của người chiến sĩ văn nghệ, việc đầu tiên là phải bám sát quần chúng cơ sở, hòa mình vào cuộc chiến đấu và công tác của nhân dân để từ đó sáng tác những tác phẩm có tác dụng biểu dương, khích lệ, động viên nhân dân tiếp tục lao vào cuộc kháng chiến, giành những thắng lợi mới.

Nhân 7 năm ngày được kết nạp Đảng, Chu Cẩm Phong ghi nhật ký: “Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất. Mình có thể sẽ hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý thì ba mình và nhất là mẹ sẽ đau khổ đến dường nào. Mình biết điều đó. Mình là đứa con trai được cả nhà yêu thương.

Nhưng dẫu thế nào, mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình: dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ cộng sản đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng hạnh phúc lắm thay”. Chu Cẩm Phong tự xác định: “Mình trước hết là một đảng viên rồi sau đó mới là một người văn nghệ”.

Mà làm đảng viên thời ấy có nghĩa là phải biết sống quên mình và hy sinh kể cả cái quý nhất là mạng sống, không tính toán, so đo, mỗi ngày sống là một ngày tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Từ quan niệm đúng đắn đó cùng sự gắn bó máu thịt với nhân dân trong lao động, trong chiến đấu mà ông đã có những sáng tác tốt: Mặt biển, mặt trận; Gió lộng từ Cửa Đại; Lá đơn tình nguyện; Người giữ ruộng trên núi Kông Dinh; Làng Tà Riềng…, và nhất là những trang nhật ký đầy máu lửa.

Xác định được lẽ sống, xác định được lý tưởng của mình, Chu Cẩm Phong thường xung phong đi đến những nơi ác liệt nhất, cam go nhất của cuộc chiến đấu để làm việc và sáng tác.

Chu Cẩm Phong đi vùng sâu Quảng Đà. Ngày 1-5-1971, địch càn quét lên Xuyên Phú, ông cùng 7 cán bộ, du kích núp trong một chiếc hầm bí mật, giữa lùm tre, ven bờ suối thôn Vinh Cường. Địch phát hiện được, tung nắp hầm lên, ném lựu đạn xuống và gọi hàng.

Ông nhắc nhở anh em: “Không ai được đầu hàng. Chúng ta có 5 AK, 2 súng ngắn, lựu đạn nữa. Đưa súng ra phía miệng hầm”. Khi thấy địch liên tục ném lựu đạn và gọi hàng, ông bình tĩnh mở xắc cốt lấy tài liệu ra xé, chôn xuống đất để xông vào cuộc chiến đấu không cân sức và ông đã hy sinh…

Chu Cẩm Phong sinh năm 1941 tại Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ông để lại một tập truyện và ký, một tập nhật ký dày dặn ca ngợi những tấm gương chiến đấu và sản xuất kiên cường, dũng cảm của đồng bào và chiến sĩ khu 5, qua đó gửi gắm những suy nghĩ về lẽ sống tâm huyết của mình. 

THANH QUẾ

;
;
.
.
.
.
.