Tạo động lực phát triển văn hóa

.

Thời gian qua, Đà Nẵng triển khai các văn bản, kế hoạch, nghị quyết về văn hóa, là cơ sở để tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa và thể thao (VH&TT) trên địa bàn thành phố, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm VH&TT của khu vực và cả nước.

Bảo tàng Đà Nẵng là một trong những công trình văn hóa trọng điểm của thành phố. TRONG ẢNH: Diện mạo Bảo tàng Đà Nẵng tại 42 Bạch Đằng trong tương lai qua thiết kế. (Ảnh do Sở Văn hóa và Thể thao cung cấp)
Bảo tàng Đà Nẵng là một trong những công trình văn hóa trọng điểm của thành phố. TRONG ẢNH: Diện mạo Bảo tàng Đà Nẵng tại 42 Bạch Đằng trong tương lai qua thiết kế. (Ảnh do Sở Văn hóa và Thể thao cung cấp)

Đầu tư nhiều công trình văn hóa

Năm 2020, nhiều đề án, kế hoạch liên quan đến VH&TT được thành phố ban hành, trong đó đáng chú ý là Đề án phát triển hệ thống văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2025; Kế hoạch đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí xứng tầm với vị thế thành phố.

Đặc biệt, Nghị quyết 303/NQ-HĐND ngày 8-7-2020 của HĐND thành phố về kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” được xem là nghị quyết mang tính tổng thể, động lực, là căn cứ pháp lý quan trọng cho việc tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế VH&TT trên địa bàn.

Theo nghị quyết này, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư và kêu gọi đầu tư giai đoạn 2020-2025 đối với danh mục các công trình Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Nhà Văn hóa Thiếu nhi phía tây thành phố, Công viên Thanh niên, Công viên 29 Tháng 3, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 ở Phong Lệ; mở rộng Nghĩa trủng Hòa Vang, Nghĩa trủng Phước Ninh; dự án Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp làng nghề nước mắm và dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, dự án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng người Cơ tu; dự án Tuyến đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo; dự án Đầu tư các công viên kết hợp lối xuống biển; dự án khu vực Nhà tập võ Taekwondo gắn với cải tạo cảnh quan và đầu tư các sân thể thao ngoài trời tại khu vực đường 2 Tháng 9; đầu tư hoàn thiện Khu liên hợp thể dục - thể thao Hòa Xuân từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa, kêu gọi đầu tư Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn.

Thành phố cũng đề nghị các sở, ban, ngành liên quan thúc đẩy thực hiện các dự án văn hóa có quy mô lớn, trọng điểm, động lực như: dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải; dự án Cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng; quy hoạch di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn; phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư trùng tu di tích Hải Vân Quan.

Bên cạnh các công trình VH&TT trọng điểm, thành phố cũng quan tâm quy hoạch không gian đô thị theo định hướng hình thành các quảng trường, khu bảo tàng sống làm điểm nhấn đô thị. Theo Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch “Bảo tàng sống” được lựa chọn nằm trong khu vực đô thị rộng 11ha ở quận Hải Châu, lấy di tích quốc gia đình Hải Châu làm trung tâm; Quảng trường Trung tâm với điểm nhấn là khu di tích Thành Điện Hải có diện tích khoảng 4,4 ha.

Ngoài ra, nhằm tạo bộ mặt đô thị Đà Nẵng văn minh, hiện đại, Sở VH&TT đang tham mưu UBND thành phố triển khai điều chỉnh quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2025 tầm nhìn 2030; đề án Quy hoạch tổng thể mạng lưới tượng, tượng đài và tranh hoành tráng trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030…

Đáp ứng nhu cầu văn hóa người dân và du khách

Theo Sở VH&TT, trong các năm sắp tới, sở tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Trung ương và thành phố về phát triển VH&TT. Trong xây dựng đời sống văn hóa và nếp sống văn hóa, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch của UBND thành phố về thực hiện Chương trình số 39-CTr/TU ngày 31-1-2020 của Thành ủy về “Xây dựng, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, chất lượng cao gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hướng đến xây dựng Thành phố đáng sống”.

Trong xây dựng thiết chế văn hóa, bám sát chỉ đạo của thành phố hoàn thành các hạng mục đầu tư và cơ sở theo đúng quy hoạch và tiến độ. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế VH&TT quận, huyện, phường, xã để tránh lãng phí đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân, góp phần xây dựng và giáo dục toàn diện con người theo hướng chân - thiện - mỹ.

“Để thực hiện hiệu quả các nội dung nêu trên, chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa phục vụ người dân và khách tham quan, du lịch...

Với sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành VH&TT, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và sự phối hợp, đồng hành của các sở, ban, ngành và doanh nghiệp, hy vọng ngành VH&TT tiếp tục tham mưu nhiều chủ trương, chính sách, thực hiện các nhiệm vụ chính trị đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố”, ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VH&TT cho biết. 

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.