Văn hóa - Giải trí
Phim Tết 2022: Phim Việt nổi chìm trên bảng xếp hạng doanh thu
Tổng kết một tuần phim Tết, phim Việt có năm tác phẩm với hai số phận trái ngược, các phim ngoại cũng không tạo ra ấn tượng nào về doanh thu vì nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến dịch bệnh.
''Chìa khóa trăm tỷ'' dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu Tết 2022. (Ảnh: ĐPCC) |
Doanh thu phim chiếu rạp mùa Tết năm nay không ấn tượng, một phần do thị trường chưa mở cửa toàn bộ. Toàn bộ các cụm rạp tại Hà Nội và một số tỉnh, thành, địa phương khác chưa hoạt động trở lại do tác động của dịch Covid-19.
Theo số liệu của trang thống kê Box Office Vietnam, phim có doanh thu cao nhất đạt gần 43 tỷ đồng, trong khi phim xếp gần đáy chỉ thu về hơn 800 triệu đồng sau 7 ngày.
Phim Việt đua nhau trong “top 3”
Ba tác phẩm dẫn đầu doanh thu phòng vé đều là phim Việt. Bộ phim “Chìa khóa trăm tỷ” đứng vị trí cao nhất khi thu về 42,8 tỷ đồng sau một tuần chiếu Tết, nhưng đây vẫn chưa phải con số ấn tượng. Năm 2019, “Cua lại vợ bầu” của đạo diễn Nhất Trung từng thu gần 50 tỷ đồng chỉ trong ba ngày đầu.
“Chìa khóa trăm tỷ” là bản Việt hóa, có nhiều phần cải biên từ phim gốc “Key of life” của Nhật Bản. Bộ đôi nhân vật chính và thứ chính của các diễn viên Thu Trang, Kiều Minh Tuấn ghi điểm về diễn xuất và là điểm sáng nhất trong phim. Không chỉ có quảng bá rầm rộ trước ngày ra rạp, bộ phim cũng ưu ái được sắp xếp số suất chiếu cao nhất, dao động từ khoảng 1.500 - 1.800 suất.
Dù phim còn một số điểm chưa trọn vẹn về tuyến diễn viên phụ và một số tình tiết trong phim, song phần nào đã đáp ứng được nhu cầu giải trí ngày Tết của khán giả.
Đứng nhì bảng là phim “1990”, thu khoảng 20,5 tỷ đồng sau một tuần chiếu Tết. Phim được định hướng theo dòng “chick-flick” - thể loại chuyên xoay quanh các vấn đề cuộc sống và tình cảm chuyên dành cho phái nữ trẻ tuổi, nhận nhiều ý kiến phản hồi đa chiều.
Trong khi sự nổi tiếng và sắc đẹp của ba nữ diễn viên được cho là yếu tố kéo khán giả đến với phim, thì nội dung phim bị nhận xét là có nhiều diễn biến thiếu hợp lý, phải “gồng”. Diễn xuất của hai nữ diễn viên Nhã Phương và Diễm My 9X bị cho là còn cứng và cần được cải thiện.
“1990” khởi đầu với số suất chiếu dao động từ 1.000-1.200, thấp hơn khoảng 400-500 suất so với phim đầu bảng. Song trong trong những ngày đầu, số suất chiếu này lại cao gấp rưỡi “Nhà không bán”.
Đây là một lý do lớn khiến doanh thu của “Nhà không bán,” bộ phim hài kinh dị có nghệ sỹ Việt Hương góp mặt có chuyển biến về doanh thu chậm nhưng chắc. Thu về tổng cộng 17 tỷ đồng sau tuần phim Tết, “Nhà không bán” đứng thứ ba trên bảng xếp hạng.
Phim gần như không có hoạt động quảng bá rầm rộ nào trước khi lên rạp, mô típ nhà bị ma ám, đầu phim có yếu tố hài hước và cuối phim có nhiều chi tiết kinh dị dồn dập không phải là mới, song vẫn được khán giả Việt chấp nhận và để lại những nhận xét truyền miệng tốt. Kết quả là trong ngày cuối tuần vừa qua, phim đã soán vị trí nhì bảng của “1990” dù số suất chiếu nhất trong “top 3.”
Trạng Tí, phim về giới siêu giàu chìm ở “top dưới”
Phim Việt mùa Tết năm nay còn có hai tác phẩm khác là “Trạng Tí phiêu lưu ký” và “Mưu kế thượng lưu” Hai phim đều tỏ ra mờ nhạt về doanh thu.
“Mưu kế thượng lưu” đi theo mô típ cô gái nhà nghèo có vẻ ngoài ngây thơ, trong sáng tìm cách hòa mình vào giới siêu giàu để thực hiện âm mưu trả thù. Dù ít nhiều gợi đến sê-ri Hàn Quốc “Cuộc chiến thượng lưu” (“Penhouse”) trước đó nhưng bộ phim không tạo được sự hấp dẫn riêng.
Giống như “Nhà không bán,” “Mưu kế thượng lưu” cũng không có quảng bá rầm rộ trước công chiếu song chỉ thu về 800 triệu đồng. Như vậy, bộ phim còn xếp dưới nhiều tác phẩm nước ngoài mà trước đó đã để lọt nhiều bản phim lậu trên internet như "Đấu trường âm nhạc 2" ("Sing 2") và "Vùng đất thần kỳ" ("Encanto").
"Trạng Tí" trong thời điểm tái rạp không tạo được tín hiệu tốt. Doanh thu suốt bảy ngày Tết của bộ phim chỉ đạt được gần 3,7 tỷ đồng. Cùng với doanh thu trước đó khi phim ra mắt lần đầu dịp 30-4, 1-5 năm ngoái, “Trạng Tí” có được 21,2 tỷ đồng và có nguy cơ chịu lỗ vốn cao (mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng - con số do nhà sản xuất công bố).
Dù thuộc số ít phim dành cho thiếu nhi dịp Tết vừa qua, song "Trạng Tí" cho thấy doanh thu thấp và vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng kêu gọi tẩy chay trước đó (do dính lùm xùm bản quyền truyện “Thần đồng Đất Việt”).
Hai bộ phim nước ngoài dành cho thiếu nhi khác là "Đấu trường âm nhạc" ("Sing 2") và "Vùng đất thần kỳ" ("Encanto") lần lượt chỉ thu về khoảng 8 tỷ đồng. Hai phim có sức hấp dẫn khá lớn nhưng đều đã bị tuồn lên internet. "Người Nhện: Không còn nhà" đã giảm sức hút sau khi làm mưa gió tại phòng vé Việt, thu về thêm hơn 1 tỷ đồng trong 7 ngày Tết.
Sau một tuần, khán giả đã phần nào xác định đâu là phim đáng xem hoặc không. Doanh thu cuối cùng của các phim sẽ tiếp tục được bồi đắp trong những ngày tới nhưng được các nhà rạp dự đoán là không đáng kể, bởi người dân đã bắt đầu đi làm trở lại và ít thời gian rảnh như trong Tết.
Theo Vietnam+