Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022
Đặc sản tiến vua
Với hệ thống sông ngòi lên đến hơn 1.000km, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có mạng lưới sông ngòi khá đa dạng. Đặc biệt, hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có diện tích lưu vực rộng đến 10.350km2, là một trong những sông nội địa lớn của Việt Nam. Đây cũng là con sông có hai loài cá đặc sản được mệnh danh cá tiến vua gồm cá chiên và cá niên.
Một đoạn thác thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn, thuộc xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, nơi trước đây có rất nhiều cá chiên. Ảnh: GIA MINH |
Bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Linh cao 2.592m thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, sông Vu Gia - Thu Bồn chảy qua nhiều huyện trung du và miền núi của tỉnh Quảng Nam như: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn (nhánh Thu Bồn), Phước Sơn, Nam Giang, Đại Lộc (nhánh Vu Gia) trước khi đổ ra biển...
Do xuất phát từ vùng núi cao dãy Trường Sơn, hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đoạn thượng lưu thường có dòng chảy ngắn và có độ dốc lớn, nhiều thác nước, hình thái dòng sông uốn khúc, vận tốc dòng nước chảy xiết qua nhiều dải đá ngầm nên rất thích ứng đặc điểm sống của cá chiên và cá niên. Khu vực này cũng là nơi phân bổ khá nhiều của 2 loài cá kể trên, nhất là các huyện Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang và Phước Sơn.
“Chúa tể” lòng sông
Với trọng lượng trung bình 10-20kg/con khi trưởng thành, thậm chí có con đạt đến 40-50kg, cá chiên được xếp vào nhóm 5 loài cá quý gồm: anh vũ, dầm xanh, lăng và bỗng. Trong đó, cá chiên được mệnh danh là “chúa tể” của lòng sông bởi rất khỏe, miệng cứng đầy răng, nhiều râu quanh đầu, hình dáng kỳ dị nên không ít ngư phủ gọi chúng là thủy quái. Vốn là loài cá to lớn, dạn dĩ, quần tụ ngay dưới vùng nước xiết, nhất là những con thác lớn và sâu nên từ khi con sông Vu Gia - Thu Bồn có các đập thủy điện, việc bắt được loài cá này ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Ngư phủ Cao Văn Nhứt (40 tuổi, quê ở xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) cho biết, khi chưa tích nước 3 thủy điện Sông Tranh, tuần nào anh cũng đánh bắt được cá chiên, con nhỏ thì hơn 10kg, con lớn lên đến 40kg. Các con thác dữ dằn, xoáy sâu hun hút, chảy qua các xã vùng cao của huyện Hiệp Đức, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My là “vương quốc” của loài cá chiên...
Nhưng giờ đây, thủy điện tích nước, cá chiên không còn nơi cư ngụ. Muốn đánh bắt được, phải vượt qua phía trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, ngược về nơi giáp ranh huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum sẽ bắt gặp loại cá quý hiếm này... Mặc dù khá khó khăn trong việc đánh bắt nhưng Nhứt anh và bạn chài lâu lâu cũng làm chuyến ngược thượng nguồn sông Tranh (thượng lưu sông Thu Bồn) để tìm kiếm và mới đây, nhóm anh may mắn đánh bắt được một con cá chiên nặng hơn 25kg.
Thịt cá chiên rất ngon, có màu vàng ươm như ướp nghệ rất đẹp, lại rất thơm ngọt, thân không có xương dăm; cá có bộ lòng to, dày như bao tử heo, giòn sần sật; là đặc sản mà nhiều dân sành ăn săn tìm. Bên cạnh đó, các vây của nó cũng là món ngon khó cưỡng. Loài cá này có giá trị kinh tế cao, giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ngon. Vậy nên, ngày xưa chúng được coi là vật phẩm quý hiếm, được nhiều người săn lùng và cống tiến cho vua.
Anh Võ Trường Toản, một ngư phủ có tiếng của huyện Hiệp Đức kể lại, 2 con cá chiên lớn nhất mà anh từng bắt được nặng ngót nghét gần 30kg/con. Chúng ở với nhau trong một hang đá khá rộng, nước chảy mạnh nên phải mất rất nhiều thời gian anh mới đánh bắt được 2 con cá này. Cũng theo anh Toản, khu vực nào càng nhiều đá ghềnh, hang hốc là nơi đó chắc chắn có cá chiên.
Giờ muốn bắt được cá chiên phải đi ngược sông Thu Bồn vài chục cây số lên tận khu vực Nam Trà My, Bắc Trà My (Tiên Phước - Quảng Nam) hoặc qua sông Bung, sông Thanh, sông Đắk Mi, sông Cái... (thuộc huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam) thì mới tìm thấy chúng. Song, việc khai thác quá mức các dòng sông làm thủy điện, cộng với cách thức đánh bắt tận diệt như: xung điện, mìn... cũng như ô nhiễm dòng nước do khai thác vàng bằng hóa chất nên ngày càng có nhiều loài cá quý hiếm giảm nhanh số lượng, trong đó có cá chiên.
Đặc sản thơm ngon
Một loại đặc sản khác là cá niên (hay còn gọi là cá niêng, cá mát) cũng là một loại đặc sản nức tiếng thơm ngon của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Khác với cá chiên, ngoài sinh sống trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, cá niên còn có mặt trên sông Nam và sông Bắc (đoạn dưới gọi là sông Cu Đê), thuộc địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Cá niên thường sống thành đàn ở những vùng nước chảy trong veo, tinh khiết, thức ăn chủ yếu là rong, rêu bám dưới đá nằm ngay chân thác. Khác với nhiều người lầm tưởng, cá niên chỉ to bằng 2, 3 ngón tay người lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế tại những con thác lớn trên dòng Vu Gia - Thu Bồn, cá niên lớn bằng cả bàn tay người là không hiếm, có con hơn 5, 6 lạng. Chúng là loài luôn bơi ngược dòng nước nên rất nhiều xương, nhất là xương dăm nhưng thịt thì thơm ngọt, nhiều chất dinh dưỡng. Đặc biệt, ruột cá có vị đắng rất đặc trưng, được người sành ăn ưa chuộng. Qua mùa xuân đến cuối mùa hạ là thời điểm cá niên xuất hiện nhiều nhất trên các dòng sông, nhưng để đánh bắt dễ nhất phải từ giữa mùa hạ, khi thời tiết nắng nóng lên đỉnh điểm, dòng sông cạn, cá tập trung theo đàn nhiều.
Cá niên được đánh bắt trên sông Vu Gia - Thu Bồn, đoạn chảy qua huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: GIA MINH |
Cá niên có thể chế biến thành nhiều món ăn như: nướng trui, nấu ngọt với rau răm, làm lẩu măng chua, rau chua rừng, cá niên chiên nguyên con… Ruột cá niên là bộ phận quý nhất. Hiện nay, loại cá này không dễ dàng đánh bắt và được bán với giá khá cao 300.000 - 450.000 đồng/kg nhưng không phải lúc nào muốn thưởng thức đều có ngay, bởi do khai thác quá mức, cộng với cách thức khai thác tận diệt, dùng điện chích nên lượng cá niên ngoài tự nhiên đã sụt giảm rất nhiều.
Trước tình trạng cá niên khan hiếm và có nguy cơ bị xóa sổ bởi cách đánh bắt hủy diệt, Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) phối hợp với xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang triển khai chương trình bảo vệ và phục hồi loài cá này. Ngày 19-11-2021, xã Hòa Bắc đã có quyết định thành lập Tổ bảo tồn và khai thác bền vững cá niên. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, Trưởng nhóm chuyên gia dự án GEF Hòa Bắc, người từng thành công với dự án bảo tồn cua đá ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cho rằng, để bảo tồn cá niên cũng như các loài cá khác ở sông Cu Đê, người dân địa phương phải sử dụng các công cụ truyền thống khi khai thác, không bắt cá vào mùa sinh sản...
Cá chiên có tên khoa học là Bagarius, sống ở những vùng nước sâu, nhiều ghềnh đá, nước chảy xiết. Cá thường ăn những con cá nhỏ, giá trị dinh dưỡng rất cao, có thể chế biến được nhiều món. Cá này chỉ có 1 xương trụ, không có xương dăm, tỷ lệ thịt rất cao. Cá chiên to và nặng tới 30kg, dài 1,2m; loài cá này thuộc cấp độ V - nhóm nguy cơ có thể bị tuyệt chủng.
Cá niên hay là còn gọi là cá sỉnh cao hay cá mát có tên khoa học Onychostoma gerlachi. Ở Việt Nam, loài cá này sinh trưởng tự nhiên trên khắp các sông suối thuộc vùng núi. Bề ngoài cá niên thân mình thon, phần vảy cá màu ánh bạc, vây pha chút màu vàng nhạt, óng ánh dưới nắng. Cá niên thường sống theo bầy đàn, tập trung ở những vùng nước sâu dọc sông, suối đầu nguồn; ăn rêu bám trên đá ở các ghềnh, thác.
|
THÀNH LÂN