Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022

Những bảo vật quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt tại Đà Nẵng

14:04, 02/02/2022 (GMT+7)

Thành phố Đà Nẵng hiện đang lưu giữ 6 bảo vật quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt. Đây là thành quả của sự nỗ lực không ngừng trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản trên địa bàn thành phố. Trân trọng giới thiệu độc giả những thông tin, hình ảnh các bảo vật và di tích độc đáo này.

1. Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải

Ảnh: Huỳnh Văn Truyền
Ảnh: Huỳnh Văn Truyền

Thành Điện Hải được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 25-12-2017. Thành này trước đây được gọi là Đồn Điện Hải, được xây gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812 dưới thời vua Gia Long. Đến năm 1823, đời vua Minh Mạng, đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay và đến năm 1835 được đổi tên là Thành Điện Hải.

Hiện nay, Thành Điện Hải tọa lạc ngay cạnh bờ sông Hàn thuộc phường Thạch Thang (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Đây là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ.

Năm 2018, thành phố đầu tư hơn 185 tỷ đồng để tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải trong hai giai đoạn. Dự kiến giai đoạn hai của dự án sẽ hoàn thành vào năm 2024, lúc đó, Thành Điện Hải sẽ thành điểm nhấn cảnh quan trong quảng trường trung tâm thành phố, tái hiện sinh động thành quách xưa với câu chuyện lịch sử hào hùng.

2. Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn

Ảnh: Huỳnh Văn Truyền
Ảnh: Huỳnh Văn Truyền

Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn trải dài trên diện tích rộng lớn khoảng gần 2km2, gồm 6 ngọn núi đá vôi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn tượng trưng cho 5 yếu tố của vũ trụ (ngũ hành). Ngoài vẻ đẹp hiếm có, danh thắng Ngũ Hành Sơn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng quý giá.

Hệ thống di tích dày đặc trong Ngũ Hành Sơn, bao gồm hàng chục ngôi chùa, am, tháp, miếu thờ, hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm cho thấy Ngũ Hành Sơn là mảnh đất có lịch sử lâu đời, vốn là một trung tâm cư trú, giao thương và trung tâm tín ngưỡng của người Chăm - cư dân bản địa trong lịch sử. Sau khi thuộc về Đại Việt,nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng.

Ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng di tích cấp quốc gia danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Tháng 4-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Trên cơ sở đó, Đà Nẵng đã lập đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh này và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các nhà nghiên cứu, chuyên gia, người dân… Trong tương lai, sau khi trùng tu, di tích cấp quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ trở thành điểm đến văn hóa tâm linh đặc sắc tại Đà Nẵng.

3. Đài thờ Trà Kiệu

Niên đại: Thế kỷ VII-VIII (?)
Xuất xứ: Trà Kiệu, Quảng Nam
Chất liệu: Sa thạch

Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Đài thờ Trà Kiệu gồm có các bộ phận sau: Phía trên là một Linga, ở giữa là bệ Yoni gồm 2 thớt tròn được trang trí những cánh hoa sen cách điệu đối xứng nhau, phía dưới là một chiếc bệ vuông. Bốn mặt quanh khối vuông được chạm trổ nhiều người. Bốn góc đài thờ có bốn chú sư tử đưa hai chân trước lên đỡ bệ thờ. Ở giữa hai thớt tròn Yoni, trước kia có một thớt tròn chạm trổ hàng vú phụ nữ xung quanh, nay đã thất lạc.

Đài thờ Trà Kiệu được đánh giá là một trong những kiệt tác điêu khắc. Ngay khi được phát hiện, đài thờ Trà Kiệu đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu tìm đến giải mã nội dung câu chuyện của các nhân vật quanh đài thờ và đoán định niên đại của nó.

Đài thờ được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm năm 1901 và được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2012.

4. Đài thờ Mỹ Sơn E1

Niên đại: Thế kỷ VII - VIII
Xuất xứ: Mỹ Sơn, Quảng Nam
Chất liệu: Sa thạch

Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Đài thờ gồm 16 khối đá (hiện nay chỉ còn 14 khối, 2 khối bị mất từ sau khi khai quật). Bên trên đài thờ có thể từng có một cặp Linga - Yoni bằng sa thạch nhưng nay không còn. Đây là đài thờ duy nhất được tìm thấy hiện nay mô phỏng các chi tiết trang trí kiến trúc của một ngôi tháp như: các bậc cấp, vòm cửa, trụ cửa, động vật, hoa lá.

Đặc biệt hình ảnh các tu sĩ Ấn giáo đang tu luyện trong rừng, sống hòa mình cùng thiên nhiên và muông thú. Phía trước bậc tam cấp được trang trí hình ảnh sáu vũ công trình diễn điệu múa dâng khăn lên thần linh. Theo thần thoại Ấn Độ, núi Meru là nơi ở của các vị thần linh và Siva là vị thần chủ ngự trị trên đỉnh núi. Đài thờ Mỹ Sơn E1 chính là hình ảnh của ngọn núi Meru và Linga - Yoni được thờ cúng bên trên đài thờ là biểu tượng của thần Siva.

Đường viền quanh đài thờ Mỹ Sơn trang trí hình thoi xen lẫn giữa những đóa hoa bốn cánh. Kiểu trang trí này cũng xuất hiện trên một số tác phẩm điêu khắc của nghệ thuật Môn - Dvaravati ở Thái Lan vào thế kỷ VII-VIII.

Hiện vật này được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2012 và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

5. Tượng bồ tát Tara/ Laksmindra Lokesvara

Niên đại: Cuối thế kỷ IX - Đầu thế kỷ X
Xuất xứ: Đồng Dương, Quảng Nam
Chất liệu: Đồng

Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Năm 1978, người dân tại địa phương tình cờ tìm thấy một pho tượng nữ thần bằng đồng cao gần 1,15m. Tượng nữ thần đứng thẳng, hai tay cùng đưa cân xứng về phía trước. Tay phải cầm đóa hoa sen, tay trái cầm vỏ ốc. Toàn bộ phần cơ thể phía trên được phô trần với bộ ngực căng đầy. Y phục phía dưới gồm một tấm váy dài gần đến cổ chân và tấm vải chồng bên ngoài. Khuôn mặt vuông vức, nghiêm nghị, đôi lông mày to, cong, giao nhau, mũi to, môi dày... gợi đến phong cách Đồng Dương.

Tóc của nữ thần được vấn lên thành búi cao có mang hình Phật A Di Đà. Dựa trên những đặc trưng phong cách và các dấu hiệu biểu tượng của hoa sen cầm tay, hình Phật A Di Đà trên tóc, nhiều nhà nghiên cứu sớm liên tưởng bức tượng này đến vị thần chủ Laksmindra Lokesvara được đề cập đến trong văn bia tìm thấy tại Đồng Dương.

Tác phẩm này là một trong những tượng Tara bằng đồng quan trọng nhất được phát hiện tại khu vực Đông Nam Á. Hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2012 và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

6. Đài thờ Đồng Dương

Niên đại: Cuối thế kỷ IX - Đầu thế kỷ X
Xuất xứ: Đồng Dương, Quảng Nam
Chất liệu: Sa thạch

Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Đây là đài thờ được tìm thấy tại khu tháp chính phía tây nơi được cho là thờ bồ tát Laksmindra Lokesvara - vị thần chủ của Phật viện.

Đài thờ gồm 24 khối đá ghép lại với nhau, tạo nên cấu trúc đài thờ với bốn bộ phận: phần đế đặt dưới cùng, tiếp đến là bệ thờ lớn mặt bằng hình vuông; trên bệ thờ lớn là một bệ thờ nhỏ cũng hình vuông và một bệ thờ cao hơn áp vào mặt sau của bệ thờ lớn.

Đài thờ Đồng Dương là bằng chứng vật chất độc đáo minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của vương quốc Champa vào thế kỷ thứ IX-X. Những đường nét điêu khắc và hoa văn trang trí trên đài thờ được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thống nhất đặt tên cho một giai đoạn, một phong cách nghệ thuật riêng biệt - phong cách Đồng Dương. Đây là cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu các vấn đề về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc và điêu khắc của giai đoạn này nói riêng và tổng thể tiến trình phát triển của vương quốc Champa nói chung.

Đài thờ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2018 và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

7. Tượng thần Ganesha

Xuất xứ: Mỹ Sơn, Quảng Nam
Niên đại: Thế kỷ VII
Chất liệu: Sa thạch

Ảnh: Bảo tàng Metropolitant, New York
Ảnh: Bảo tàng Metropolitant, New York

Tượng được phát hiện vào năm 1903 bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) khi tiến hành khảo cổ tại đền-tháp E5 thuộc nhóm E tại di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau đó, tượng được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại bảo tàng từ năm 1918. Theo thần thoại Ấn Độ, Ganesha là vị thần may mắn, tri thức và văn học, là con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati. Chủ đề về thần Ganesha không thể hiện nhiều trong các tác phẩm điêu khắc Champa còn được lưu giữ đến ngày nay.

Đây là một trong những tượng tròn hiếm hoi thể hiện vị thần ở dạng thức đứng, còn tương đối nguyên vẹn, có kích thước lớn và mang nhiều đặc điểm độc đáo về phong cách trong giai đoạn sớm - khoảng thế kỷ VII-VIII của nền nghệ thuật điêu khắc cổ này.

Hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2020 và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

8. Tượng Gajasimha

Xuất xứ: Tháp Mẫm, Bình Định
Niên đại: Thế kỷ XII
Chất liệu: Sa thạch

Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm
Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Tượng được tìm thấy trong cuộc khai quật tại Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1933-1934 do EFEO thực hiện. Sau đó, tượng được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm từ năm 1935.

Gajasimha (hay Voi - Sư tử) là một hình tượng linh thú trong thần thoại Ấn Độ với đầu voi và thân sư tử. Hình tượng đầu voi biểu trưng cho quyền năng của thần linh và thân hình sư tử là biểu trưng chiến thắng, uy quyền của một vị vua. Tại các đền tháp, tượng Gajasimha được đặt trước cửa với vai trò bảo vệ sự tôn nghiêm cho công trình.

So sánh với các nhóm tượng cùng chủ đề đã được phát hiện, tác phẩm hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là hiện vật có kích thước lớn nhất và còn nguyên vẹn, thể hiện hầu như đầy đủ các đặc điểm tiếu tượng của linh thú Gajasimha.

Hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2020.

NGỌC HÀ thực hiện

.