Văn hóa - Giải trí

Bảo tồn đình cổ Tân Thái

14:04, 12/03/2022 (GMT+7)

Tại quận Sơn Trà chỉ còn đình Tân Thái (phường Mân Thái) là đình làng chưa được xếp hạng di tích lịch sử. Đây là ngôi đình cổ, mang giá trị, ý nghĩa văn hóa lớn đối với đời sống người dân địa phương. Năm nay, ngành văn hóa quận Sơn Trà và chính quyền phường Mân Thái quyết tâm hoàn thành mục tiêu hoàn thành hồ sơ, trình các cấp thẩm quyền xếp hạng đình này để kịp thời bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Trong văn hóa, tín ngưỡng, đình Tân Thái là nơi tổ chức nhiều hoạt động lễ hội của người dân địa phương. TRONG ẢNH: Cao niên và người dân phường Mân Thái thực hiện nghi lễ hạ nêu tại đình đầu năm 2021. Ảnh: XUÂN DŨNG
Trong văn hóa, tín ngưỡng, đình Tân Thái là nơi tổ chức nhiều hoạt động lễ hội của người dân địa phương. TRONG ẢNH: Cao niên và người dân phường Mân Thái thực hiện nghi lễ hạ nêu tại đình đầu năm 2021. Ảnh: XUÂN DŨNG

Nơi gắn kết cộng đồng

Đình Tân Thái trước đây là đình làng Tân An, được xây dựng quy mô, bề thế, lớn nhất trong vùng, thường được nhắc đến với câu “Lớn thình thình như đình Tân An”. Theo lời kể của các cao niên, làng chài lưới Tân An được thành lập vào năm Canh Thân 1740. Giống như nhiều nơi khác, các vị tiền nhân lập làng rồi dựng đình. Năm 1742, bà con làng chài phân công trai tráng khỏe mạnh lên núi Sơn Trà chặt tre, nứa, cắt tranh mang về dựng tạm đình Tân An, nằm sát bên bờ biển.

Đến năm 1903, làng Tân An được đổi tên gọi là Tân Thái và đình cũng được đổi theo tên làng. Năm 1915, một trận bão lớn khiến nhiều nhà cửa sập đổ, ngôi đình cũng trôi theo sóng nước. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Kế, tức xã Kiểu, quyền lý trưởng làng Tân Thái, họp bàn với chư phái tộc trong làng, thống nhất xây dựng lại ngôi đình bằng gạch ngói và đưa vào đất chùa (đường Trương Định ngày nay) để tránh bão làm hư hại. Năm 1916, ngôi đình được xây dựng bằng tường vôi mái ngói theo quy cách cổ kính.

Theo ông Phạm Văn Cho (SN 1934, nguyên Trưởng ban khánh tiết đình Tân Thái), từ năm 1916 đến nay, đình trải qua nhiều lần trùng tu. Lần gần nhất vào năm 1991, đình được tôn tạo theo lối kiến trúc cũ với đòn gỗ, mái âm dương, trang trí linh vật. Hiện nay, đình xuống cấp với mái ngói bị dột, tường rào xung quanh và bình phong bị đổ sập.

“Trong văn hóa, tín ngưỡng, đình Tân Thái cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động lễ hội của người dân địa phương. Những năm qua, các lễ hội của làng như: lễ cầu ngư, thượng nêu, khai xuân, truy niệm tiền nhân,… vẫn được người dân Mân Thái duy trì và tham gia đông đảo. Riêng 2 năm nay, do tình hình Covid-19 phức tạp nên ban khánh tiết chỉ thực hiện phần lễ, hạn chế người đến dự và không tổ chức phần hội”, ông Cho chia sẻ.

Bảo tồn, phát huy giá trị đình làng

Đình Tân Thái không chỉ là nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nơi tổ chức hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh của bà con làng biển qua nhiều thế hệ, mà còn là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt trong cuộc chiến vệ quốc của dân tộc. Do vậy, với tình trạng xuống cấp hiện nay, chính quyền và nhân dân phường Mân Thái đều mong mỏi đình sớm được công nhận di tích lịch sử để có biện pháp bảo vệ, trùng tu, sửa chữa kịp thời các hạng mục bị hư hỏng.

Phó Chủ tịch UBND phường Mân Thái Phạm Thế Hải cho biết, hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực hoàn thiện thủ tục, hồ sơ công nhận đình Tân Thái là di tích lịch sử cấp thành phố trình các cấp thẩm quyền. Trước đó, giữa các tộc họ tồn tại các châu bộ không đồng nhất về nội dung; người giữ châu bộ không đồng ý cung cấp cho địa phương để nghiên cứu, xác minh và có xảy ra tình trạng kiện tụng giữa các tộc họ. Vì vậy, những năm qua, các chư phái tộc không làm văn bản đề nghị công nhận đình là di tích lịch sử để phường kiện toàn hồ sơ.

Đến nay, phường đã tiếp cận được người giữ các châu bộ này và động viên họ đồng ý bàn giao cũng như làm đơn đề nghị gửi địa phương. Trên địa bàn phường Mân Thái có 2 đình, gồm: đình Cổ Mân và đình Tân Thái. Trong đó, đình Cổ Mân đã được xếp hạng di tích cấp thành phố và trùng tu khang trang. Đình Tân Thái là đình duy nhất tại quận Sơn Trà chưa được xếp hạng. “UBND phường xác định năm nay sẽ hoàn thành hồ sơ công nhận đình là di tích lịch sử văn hóa trình cấp trên để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân. Đồng thời, nhờ các chuyên gia nghiên cứu làm rõ giá trị châu bộ cho các chư phái tộc tại địa phương”, ông Hải cho biết thêm.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Sơn Trà Võ Thị Phương cho biết, ngành văn hóa quận rất quan tâm và đặt mục tiêu hoàn thành hồ sơ trình cơ quan chức năng công nhận đình Tân Thái là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố trong năm nay. Bởi lẽ, ngôi đình này mang ý nghĩa lịch sử rất lớn trong phong trào cách mạng, đời sống văn hóa và là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của địa phương.

Vừa qua, ngành văn hóa quận làm việc và đề nghị chính quyền, người dân phường Mân Thái phối hợp, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ di tích. “Nếu trong năm nay, đình này được công nhận, đây sẽ là niềm vui lớn đối với lĩnh vực văn hóa quận và nhân dân phường Mân Thái. Phòng Văn hóa và Thông tin quận cũng đang nghiên cứu, phối hợp Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng bảng tuyên truyền, giới thiệu di tích tại các đình làng trên địa bàn. Qua đó, góp phần tô điểm diện mạo văn hóa của địa phương và phục vụ phát triển du lịch”, bà Phương thông tin.

XUÂN DŨNG

.