Đà Nẵng cuối tuần

Phim truyền hình về gia đình thu hút khán giả

13:52, 06/03/2022 (GMT+7)

Hàng loạt phim truyền hình Việt Nam về tình cảm gia đình được phát vào “giờ vàng” trên các kênh của VTV đã thu hút sự quan tâm của khán giả. Những mâu thuẫn, bất ổn thường xuất hiện trong các gia đình, nhưng trên tất cả, gia đình vẫn là nơi bình yên nhất, là nơi mọi người lắng nghe, thấu hiểu và hy sinh cho nhau.

Cảnh trong phim Thương ngày nắng về. Ảnh: VFC
Cảnh trong phim Thương ngày nắng về. Ảnh: VFC

Những trailer (clip giới thiệu) và trích đoạn của các bộ phim trên nhiều fanpage của VTV (VTV Giải trí, VTV Go, Café sáng với VTV3…) có hàng triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận.

Thông điệp nhân văn

Dòng phim truyền hình với những câu chuyện về mâu thuẫn giữa các thế hệ, những rạn nứt trong đời sống hôn nhân, hay về người phụ nữ cam chịu, hy sinh bản thân để lo toan vẹn toàn cho gia đình… vốn không mới mẻ, nhưng vẫn cuốn hút người xem nhờ nội dung gần gũi, dàn diễn viên đẹp của hai miền Bắc - Nam và những thông điệp nhân văn. Hướng dương ngược nắng, Hương vị tình thân, Trở về giữa yêu thương, Cây táo nở hoa, Mùa hoa tìm lại, 11 tháng 5 ngày, Anh có phải đàn ông không?... đã thành công khi có cốt truyện gần gũi với đời sống của hầu hết các gia đình Việt. Vì vậy, phim phản ánh cuộc sống ở thành thị hay nông thôn cũng chạm đến cảm xúc của nhiều đối tượng - những người làm cha mẹ và cả những người trẻ trong xã hội đương đại.

Đáng chú ý là Hương vị tình thân của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng đã đoạt giải “Phim truyền hình ấn tượng” tại lễ trao giải của VTV (VTV Awards 2021). Phim xoay quanh hai nhân vật Nam (Phương Oanh) và Long (Mạnh Trường), với hai số phận trái ngược nhau. Những tình tiết éo le, hấp dẫn, từ những khúc mắc, hiểu lầm, đến những toan tính, âm mưu, được nhà biên kịch và đạo diễn “cài cắm” khéo léo, dẫu có lúc hơi lê thê theo kiểu phim Hàn Quốc, nhưng khiến khán giả tò mò, thích thú, thậm chí vui buồn theo nhân vật. Điều đọng lại nhất và khiến khán giả dễ dàng bỏ qua “sạn” của bộ phim này là thông điệp nhân văn: Tình thân gia đình mới quan trọng hơn tất thảy, dù đó chưa hẳn là mối quan hệ huyết thống.

Phim Hãy nói lời yêu của đạo diễn Bùi Quốc Việt ngay khi được phát sóng vào tháng 4-2021 đã lôi cuốn khán giả với câu chuyện xoay quanh gia đình bà Hoài (Nguyệt Hằng) - ông Tín (NSND Trọng Trinh). Phim để lại nhiều ám ảnh, day dứt và cả những bài học cho khán giả về văn hóa ứng xử trong gia đình. Nhiều khán giả đã bình luận trong các trích đoạn clip phim trên fanpage của VTV rằng, câu chuyện trên phim là bài học lớn cho nhiều người, nhất là việc yêu con sai cách dễ dẫn đến bi kịch.

Hay Hướng dương ngược nắng của đạo diễn - NSƯT Vũ Trường Khoa tập trung vào “cuộc chiến” trong gia tộc họ Cao, nhưng tựu trung lại cũng đề cao tình cảm gia đình. Dù trải qua bao sóng gió nhưng gia đình vẫn là nơi bình yên nhất, là nơi mọi người lắng nghe, thấu hiểu và hy sinh cho nhau.

Khát vọng về hạnh phúc

Mỗi phim truyền hình Việt khai thác mỗi góc nhìn khác nhau về gia đình, có khi đó là “cuộc chiến” gia tộc (Hướng dương ngược nắng), có khi là tình cha con (Trở về giữa yêu thương), tình mẹ con (Thương ngày nắng về), hay thế giới của những người đàn ông U40 (Anh có phải là đàn ông không?), nhưng điểm chung dễ nhận thấy nhất là nội dung các phim đều mang khát vọng hạnh phúc.

Một trong những phim được trông đợi từng tập có lẽ là Thương ngày nắng về của đạo diễn trẻ Bùi Tiến Huy kể về bà mẹ một mình nuôi dưỡng, chăm lo chu toàn cho 3 cô con gái. Bà có những khiếm khuyết của một phụ nữ bình thường, cũng lắm điều, hay kể lể và sĩ diện, nhưng lại có nghị lực phi thường, có tình yêu thương con cháu vô bờ bến và giàu lòng hy sinh. Những câu chuyện nhẹ nhàng, ấm áp, gần gũi, cảm động, có lúc làm khán giả reo lên vì chung vui cùng gia đình bà Nga bún riêu (NSND Thanh Quý) và có khi rơi nước mắt về tình mẫu tử. Phần 2 của bộ phim sẽ lên sóng VTV vào đầu tháng 4 tới.

Đối với Trở về giữa yêu thương của đạo diễn Trịnh Lê Phong, khán giả không chỉ thấy hành trình tìm kiếm hạnh phúc, đứng dậy sau vấp ngã của những người con, mà còn thấy cả sự nỗ lực học cách làm cha, học cách buông tay để các con tự trưởng thành.

Không có nhiều kịch tính như các phim kể trên, 11 tháng 5 ngày của các đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh và Nguyễn Đức Hiếu, tập trung khai thác tình yêu của giới trẻ, đan xen là tình cảm gia đình, mâu thuẫn giữa các thế hệ… Mỗi người trẻ trong phim là những mảnh ghép khác biệt, mỗi người có một cuộc đời riêng, có nhiều khiếm khuyết, nông nổi và sai lầm, nhưng khi đặt những mảnh ghép ấy cạnh nhau thì trở thành một bức tranh tổng hòa màu sắc. Bằng sự tử tế, chân thành, những người trẻ đã giúp nhau trưởng thành, nhận ra giá trị của cuộc sống và tìm kiếm hạnh phúc cho mình.

Phim truyền hình Việt dần khẳng định vị trí trong lòng khán giả dù còn nhiều ý kiến khen chê và còn không ít “sạn”. Đạo diễn, NSND Khải Hưng cho rằng, những năm trước, mỗi năm chỉ có 1-2 tác phẩm gây chú ý nhưng giờ đây các phim tạo sức hút rải đều, đó là điều đáng mừng của phim truyền hình Việt.

TÚ PHƯƠNG

.