Bảo đảm quyền lợi cho người trông coi di tích

.

Việc chăm sóc, bảo vệ di tích trên địa bàn thành phố lâu nay có công sức không nhỏ của những người trông coi, thủ nhang tại đình, miếu… Song, chế độ đãi ngộ cho họ vẫn còn hạn chế, mỗi nơi mỗi khác. Đã đến lúc cần sự quan tâm thiết thực hơn đến những người chăm sóc nhằm bảo đảm quyền lợi, cũng như gia tăng trách nhiệm của họ. Qua đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Những người chăm sóc, bảo vệ di tích hầu hết đều là người lớn tuổi, dù chế độ đãi ngộ hạn chế nhưng luôn nhiệt tình, tận tâm với việc địa phương, nhân dân giao phó.  TRONG ẢNH: Ông Lê Văn Lễ, thành viên  Ban khánh tiết đình làng Thanh Khê thắp hương tại bàn thờ của đình. Ảnh: XUÂN DŨNG
Những người chăm sóc, bảo vệ di tích hầu hết đều là người lớn tuổi, dù chế độ đãi ngộ hạn chế nhưng luôn nhiệt tình, tận tâm với việc địa phương, nhân dân giao phó. TRONG ẢNH: Ông Lê Văn Lễ, thành viên Ban khánh tiết đình làng Thanh Khê thắp hương tại bàn thờ của đình. Ảnh: XUÂN DŨNG

Làm vì tâm huyết, tín nhiệm

Đảm nhận trách nhiệm trông coi, vệ sinh và nhang khói tại 2 di tích cấp thành phố là Đình Thanh Khê và Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê khoảng 4 năm nay, ông Nguyễn Trung Hiếu (SN 1957, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) luôn tận tâm với công việc được chính quyền địa phương, nhân dân giao phó. Hằng ngày, ông Hiếu thường xuyên lui tới cả hai di tích để lo quét dọn, đèn nhang, giúp đỡ, hướng dẫn người dân địa phương, học sinh, sinh viên và du khách đến tham quan, dâng hương; đồng thời túc trực bảo vệ, tránh tình trạng di tích bị xâm hại, mất mát.

Với trọng trách này, ông được địa phương hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Số tiền này là không nhiều so với công sức, trách nhiệm của người làm công tác trông coi, bảo vệ di tích. “Hỗ trợ ít hay nhiều không quan trọng bằng sự tín nhiệm mà bà con dành cho những người “vác tù và hàng tổng” như chúng tôi. Bởi lẽ, còn nhiều cụ trong ban khánh tiết, dù phụ trách nhiều phần việc hơn và không có kinh phí hỗ trợ, nhưng hàng chục năm nay vẫn rất trách nhiệm, tâm huyết bảo tồn, phát huy di sản của tộc họ, địa phương”, ông Hiếu chia sẻ.

Cũng như ông Hiếu, ông Đàm Văn Sinh nhiều năm qua đảm nhận việc bảo vệ, nhang khói di tích Đình Mỹ Khê (SN 1954, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà). Khoảng hai năm trước, ông Sinh nhận được 200.000 đồng/tháng hỗ trợ từ kính phí hoạt động của Ban quản lý di tích Đình Mỹ Khê. Còn hai năm trở lại đây, do Covid-19 nên nguồn kinh phí này bị cắt. Ông Sinh cho biết, đình làng được chính quyền địa phương trang bị 2 camera để theo dõi, đề phòng người lạ vào phá hoại di tích nên phần nào cũng đỡ lo về mất mát tài sản.

Mỗi ngày, ông đều tới mở cửa, thắp đèn, nến và lo hương khói tại đình. Những người trong Ban khánh tiết của đình cũng thường xuyên lui tới, di tích luôn trong tình trạng sạch sẽ, được bảo vệ cẩn thận. “Kinh phí hỗ trợ dù ít hay nhiều thì cũng là sự động viên, khích lệ tinh thần cho chúng tôi tiếp tục chăm lo cho di tích. Chúng tôi chỉ sợ mai sau, khi thế hệ này không còn, những người kế cận sẽ không mặn mà với việc bảo tồn di tích nếu chế độ đãi ngộ thấp hoặc không có”, ông Sinh bày tỏ.

Theo phòng Quản lý di sản văn hóa (thuộc Bảo tàng Đà Nẵng), tính đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 66 di tích cấp thành phố và nhiều di tích khác chưa được xếp hạng. Như vậy, ngoài ông Hiếu, ông Sinh, còn nhiều người khác đang hằng ngày trực tiếp chăm sóc, bảo vệ các di tích.

Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ cho họ được giao về các địa phương tự cân đối và không định mức chi cụ thể. Do vậy, có nơi không có hoặc chênh lệch nhau tùy theo trách nhiệm nên rất khó có thể đòi hỏi những điều kiện cơ bản từ người trông coi di tích, như: có sức khỏe tốt, hiểu biết về di tích cũng như kiến thức bảo quản hiện vật… Với những nơi không có chế độ đãi ngộ, nếu xảy ra hư hỏng, mất mát cũng khó có thể ràng buộc trách nhiệm.

Nâng cao hiệu quả bảo tồn từ cơ sở

Theo phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Khê, các phường có di tích trên địa bàn quận đều thành lập tổ bảo vệ. Trong đó, một số di tích có từ 2-3 người cùng bảo vệ, lo nhang khói; cũng có người tham gia bảo vệ nhiều di tích trên 1 phường. Do vậy, kinh phí hỗ trợ, chế độ đãi ngộ cho những người trông coi di tích giữa các phường cũng khác nhau. Những người tham gia vào tổ bảo vệ hầu hết là người lớn tuổi, trong các tộc họ tại địa phương. Nhưng cơ bản, các phường có tổ bảo vệ đều hỗ trợ chế độ cho người làm công tác trông coi, vệ sinh, bảo vệ di tích.

Trong khi đó, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà Võ Thị Phương cho biết, hiện nay thành phố vẫn chưa có cơ chế, chính sách cụ thể cho vấn đề này. Năm 2020, thành phố ban hành Quyết định số 5009/QĐ-UBND ngày 22-9-2020 về quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Trong đó, quy định quận, huyện bố trí kinh phí cho những hoạt động và những người quản lý di tích. Tuy nhiên, không có định mức chi cho kinh phí quản lý, bảo vệ trực tiếp. Căn cứ tình hình, đặc thù địa phương, các phường lập dự toán, gửi lên phòng Tài chính - Kế hoạch quận để báo cáo cấp trên.

Theo Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa Phan Thị Xuân Mai, bên cạnh chế độ đãi ngộ, lực lượng này cần có những chương trình tập huấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản. Hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao đều tổ chức tập huấn về công tác quản lý, phổ biến các quy định mới của Luật di sản dành cho cán bộ văn hóa các địa phương và ban quản lý, tổ bảo vệ di tích phường, xã.

Ngoài ra, cứ 2 năm/lần, ngành văn hóa tổ chức khen thưởng, vinh danh cho các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt trong công tác quản lý, bảo vệ di sản. “Hiện vẫn còn có tâm lý xem việc trông coi, chăm sóc di tích là làm vì tín nhiệm, tự nguyện. Trong khi đó, điều chúng ta đang hướng tới là phải xem đây là một công việc nghiêm túc, chế độ xác đáng nhằm góp phần làm gia tăng trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ di tích, di sản”, bà Mai nhận định.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.