Thơ

.

 

Hữu Việt

Tên đầy đủ là Trần Hữu Việt, sinh năm 1963, quê Nam Định

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hiện là Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân Dân.

Hữu Việt là một trong những nhà thơ luôn đi tìm sự mới lạ không chỉ trong nội dung mà trong chính hình thức của thơ. Anh không câu nệ vần điệu luật lệ, không dễ dãi làm thơ, mà rất kiệm lời, luôn trau chuốt cấu tứ đẹp và mới lạ cho mỗi bài thơ. Trong khúc “đồng ca”, “cánh cò trắng vút lên không hẹn trước/ như khóa son chen vào khuông nhạc.../ nhưng phải đến khi em cất bước đi/ trong lúa xanh tha thiết/ nốt đầu tiên mới thánh thót ngân lên”. Tứ thơ đầy cảm xúc, chất chứa những suy tưởng sâu sắc, đa tầng, bung nở ngát hương. Đi tìm cái mới lạ cho thơ khác với sự cách tân cầu kỳ, chơi chữ bày trò. Thơ muôn đời không được đãi bôi, mà cảm xúc phải luôn chân thành: “Tên mẹ là Thu nên mùa thu gọi mẹ/ Tám mươi tám xuân rồi, nghĩa là đã rất thu/ Chủ nhật hôm ấy là một ngày nắng/ mẹ bắt đầu đi vào thế giới sương mù...”. Bằng ngôn ngữ dân dã, đời thường, nhưng tứ thơ mới lạ bật lên như mới nghe lần đầu: “Mẹ ơi, chúng ta cùng thua rồi, để mẹ được về bên bố/ Trong biệt ly này mẹ thành em bé/ Để chúng con được chăm mẹ, như mẹ chăm chúng con ngày xưa”... Cái mới lạ luôn cần có công chúng và những người yêu thơ đích thực.

(Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn và giới thiệu)

Đồng ca

Lúa dậy hương thì con gái đương xanh
Những đàn gió đuổi nhau trên ruộng sớm
Sóng lúa dập dờn hay tóc lúa tung bay?

Cánh cò trắng vút lên không hẹn trước
như khóa son chen vào khuông nhạc
Từ thung lũng Mai Châu
khúc đồng ca bắt đầu được viết…

Nhưng phải đến khi em cất bước đi
trong lúa xanh tha thiết
nốt đầu tiên mới thánh thót ngân lên

                                        5-2022


Tên mẹ là Thu

Tên mẹ là Thu nên mùa thu gọi mẹ
Tám mươi tám xuân rồi, nghĩa là đã rất thu
Chủ nhật hôm ấy là một ngày nắng
mẹ bắt đầu đi vào thế giới sương mù...

Mẹ đã cùng chúng con hơn một năm kiên cường tranh đấu
Còn bây giờ
Chúng con chỉ biết ngồi cuối chân giường
Bất lực nhìn mẹ một mình trong cuộc đấu sinh tử
Mẹ ơi, chúng ta cùng thua rồi, để mẹ được về bên bố
Trong biệt ly này mẹ thành em bé
Để chúng con được chăm mẹ, như mẹ chăm chúng con ngày xưa!...

 Cà phê 30

Năm nào cũng vậy
Sáng 30 chúng tôi ngồi cà phê tất niên
Số nhà 30, đường Lý Thường Kiệt,
quán nhỏ, chưa bao giờ nghỉ Tết
Hôm ấy Hà Nội mới thật tôi
Còn tôi được thật là Hà Nội

Cho dù tháng năm dày thêm nếp tuổi
Dấu nhàu nhất thường không ai nhìn ra
Thì chuyện tất niên cứ lặp đi lặp lại
như nỗ lực cuối cùng níu kéo thời gian…

Ngày mai năm mới sang
Tôi sẽ đi ngang qua quán cà phê năm cũ
Bắt đầu vượt quãng đường 365 ngày, 
rồi về đích quán cà phê 30
Để Hà Nội thật là Hà Nội
Cho tôi thêm một lần được thật là tôi...

;
;
.
.
.
.
.