Truyện ngắn

Xuống núi

.

Quán nước mở lưng chừng ngọn núi chạy sát bờ biển. Ban đầu, chẳng có khách nào biết mà tìm đến, bởi họ còn mải mê với những thú vui mỗi ngày mỗi mới ở thành phố nhộn nhịp dưới chân núi. Nhưng sau đợt dịch kéo dài hơn hai năm đè nén con người trong chật chội, hoang hoải của phố phường, mọi chuyện bỗng nhiên đổi khác. Không chỉ giới trung niên, mà đám trẻ đua theo kiểu “sống chậm”, “sống xanh”… ồ ạt đổ lên núi. Quán đông khách lạ thường.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Duyên xin được chân chạy bàn, bưng bê trà nước cho khách sau những ngày dài ôm con chui rúc trong căn phòng trọ nóng bức, ngột ngạt… chưa tới hai mươi mét vuông. Chân cô không bén gót trong niềm vui hồ hởi được đi làm, được chạy đi chạy lại trên những con đường trải sỏi nhỏ len lỏi ven núi, lại có thêm đồng ra đồng vô mua gạo mắm cho cả nhà, mua sữa tã cho con. Mọi bức bối dồn nén bấy lâu nay như được bung ra, cô tươi tắn hơn trong tiếng nói cười rộn rã của từng lớp người đến với quán, chứ không phải mỗi ngày chỉ có việc nhìn ngó ông chồng thất nghiệp vì dịch cứ đi ra đi vô cùng khuôn mặt cau có, lầm lì. Cô “dạ” rân khi nghe tiếng quản lý sai biểu hay khách gọi mang thêm tách trà, ly nước; giọng cô lanh lảnh ngân vang giữa những rặng cây xanh mướt mát...

Bỗng Duyên khựng lại. Con Lì Lợm lại xuống núi rồi! “Lì Lợm” là tên bọn cô đặt cho con khỉ cái có gương mặt trông khờ khạo nhưng tinh ranh đáo để. Nó là con đầu têu trong đám khỉ vàng ở ngọn núi này, ngày nào cũng mon men ra con đường dẫn lên núi để chờ đám khách dưới thành phố đi ngang quăng cho gói bánh, túi trái cây… Con Đầu Đàn oai vệ, đứng trên chỏm núi hú vang gọi bầy về, chúng cũng mặc kệ. Tiếng “cách cách” báo hiểm nguy của Đầu Đàn dường như không cản nổi tiếng “huhi huhi” gọi mời thức ăn của Lì Lợm. Cái mặt của đám khỉ, thoạt nhìn trông lừ đừ, bàng quan với sự vồ vập, dụ dỗ của đám người đang háo hức chìa cái bánh, trái cây…; nhưng chỉ trong thoáng chốc, chúng bươn ra chớp lấy món đồ ăn mà mỗi con đã lăm le xí phần từ trước. Đôi lúc, chúng không ngần ngại choảng nhau để giành phần ngon hơn, bất chấp sự chỉ trỏ, cười ré của đám trẻ con đi theo người lớn lên núi chơi.

Tiếng tranh giành chí chóe của bầy khỉ hòa với tiếng cười nói huyên náo ven đường văng vẳng đến tai Đầu Đàn. Nó đấm ngực thình thịch, bất lực sau những tràng “cách cách” vang động núi rừng. Khuôn mặt ửng đỏ của nó bầm lên, chảy dài; những nếp nhăn hằn sâu thêm trên trán; đôi mắt vốn tinh anh, quắc thước chìm trong nỗi cô đơn, buồn tủi. Nó nhớ về thuở lẫy lừng, khi tiếng kêu đầy uy lực của nó đủ thuyết phục cả đàn nghe theo răm rắp, ngay cả với con Lì Lợm vốn là “thiếp yêu”. Giữa thâm sơn xanh thẳm cây lá, từng mùa đi qua rào rạt trên cánh rừng trải ngút ngàn phủ lên mỏm núi chạy ven bờ biển, tạo thành một vòng cung ôm trọn thành phố dưới chân núi kia. Cây trái bốn mùa đua nhau ra hoa, trổ lá và đậu quả để chúng tận hưởng. Hết mùa lộc nõn mùa xuân, đến mùa hoa thàn mát và hoa sim hoa mua tím ngát, hoa lim xẹt vàng ruộm, rồi nắng vàng mùa hạ hun chín những loại trái cây thơm lựng… Từng đàn khỉ chia nhau quần tụ trên những khu vườn thiên nhiên thơ mộng và giàu có ấy. Những đêm ánh trăng trải một màu vàng huyền hoặc trên rừng cây, là cuộc vui không ngủ của chúng. Đầu Đàn vắt vẻo trên cành hay oai vệ ngồi trên tảng đá cao, bên cạnh là đám thê thiếp tươi trẻ vây quanh. Chúng cất những tiếng ca hoan lạc trong sự huyền bí của thiên nhiên, nhìn đám khỉ con tập nhảy nhót, chuyền cành, chơi đùa vui nhộn. Chúng dạy cho đám trẻ cách hái hoa, hái lá và trái cây, phân biệt loại nào ăn được, dù là ngọt hay chua chát. Cuộc sinh tồn nối từ đời này sang đời khác, chúng lớn lên khỏe mạnh và an toàn giữa thiên nhiên hào phóng quanh mình…

Đầu Đàn buông tiếng thở dài, thả mình ngồi xuống tảng đá, chống cằm đầy vẻ ưu tư, trong đầu thấp thoáng những ngày hoàng kim đã qua. Khi dòng người đổ lên núi “sống xanh”, “sống chậm” mỗi ngày một đông, những con khỉ vàng cũng mon men bỏ rừng sâu, lò dò xuống chân núi. Ban đầu, chúng ngập ngừng, e dè khi trông thấy những sinh vật giống với chúng, nhưng đứng thẳng và đi thoăn thoắt trên hai chân, thân mình quấn trong những lớp lông đủ màu, sặc sỡ. Chúng dè dặt đón lấy những món đồ từ đám sinh vật lạ ấy tung ra và nhấm nháp thử rồi phun phì phì. Đầu têu là con Lì Lợm. Khi phát hiện ra những món đồ ấy ăn được, lại khỏi mất công leo trèo hái lượm, nó cất giọng “huhi” rủ rê bầy khỉ xuống núi. Ban đầu, từng con một, e dè len lén canh chừng Đầu Đàn lơ đãng một chút là lẻn đi; khi những món đồ ăn sẵn có dần trở nên hấp dẫn, chúng ồ ạt kéo nhau đi, bất chấp sự gầm gừ đe dọa và tiếng kêu đầy bất lực của Đầu Đàn. Chúng ngồi tản mát ven đường, ra vẻ thờ ơ, chờ đám “sinh vật lạ” dừng lại và tung ra đồ ăn, vậy là thoăn thoắt giành lấy trong tiếng cười ngặt nghẽo đầy thích thú. Đám khỉ con dần quên những bài học leo trèo, cứ thản nhiên ngồi ngóng đồ ăn được mang tới. Khi hết thức ăn, chúng lò dò theo chân mẹ đi bới những đống rác ven đường; có hôm bị đau bụng chí tử vì mùi thức ăn xa lạ đánh lừa khả năng đánh hơi rơi rụng dần từng ngày từ khi xuống núi, xa rời rừng mẹ thiêng liêng…

*

Không ít lần Duyên chạm mặt con Lì Lợm, dù cô mới đi làm được vài tháng. Sau khi nhà chức trách cấm khách lên núi tung đồ ăn cho khỉ, Lì Lợm bắt đầu chuyển hướng sang quán nước, bởi nó phát hiện ra một “kho” thức ăn mà khách mỗi ngày mang đến quán. Vẫn vẻ mặt thờ ơ, bàng quan, nó ngồi vắt vẻo trên cành cây gần các bàn nước chờ cơ hội. Khi khách mang bánh kẹo hay trái cây để lên bàn ăn, vẻ lờ đờ của nó bỗng nhiên biến mất. Nhắm thật kỹ, Lì Lợm phóng vút xuống, chụp ngay lấy món đồ ăn và nhảy ba bốn bước là thoát lên cành cây chót vót. Một lần, hai lần…, nó tạo sự ngạc nhiên vui thích cho đám trẻ nhỏ thành phố, nên các ông bố, bà mẹ khi đến quán thường mang theo bánh kẹo để mua vui cho con cái mình. Nhưng với ông chủ và đám nhân viên phục vụ như Duyên thì chẳng vui vẻ gì với Lì Lợm, bởi họ biết đằng nào nó cũng sẽ kéo theo bầy lũ để kiếm ăn, rồi phá nát quán không chừng. Ông chủ lệnh cho nhân viên làm sao thì làm, phải đẩy Lì Lợm ra khỏi khu vực quán. Tuệ - anh quản lý vốn một thời nghịch ngợm ở quê, bày ra trò bắn ná thun; nhưng “đạn” không phải là những viên sỏi cứng ngắc hay đoạn dây thép gai dập cong sắc nhọn, mà là những viên giấy vo tròn, chủ yếu để hù dọa chứ không gây sát thương cho Lì Lợm. Vậy là chia ca làm, cứ hai người vừa phục vụ vừa canh me Lì Lợm xuất hiện là giương ná lên dọa. Mỗi lần Duyên giương ná lên, Lì Lợm nhìn cô gái mảnh mai, chun mũi như giễu cợt. Rồi chứng nào tật ấy, nó lại phóng vun vút xuống bàn nước cướp đồ ăn của khách, bất chấp mấy viên đạn bằng giấy vo tròn, nhẹ hều, chẳng đủ gãi ngứa cho làn da sần sùi phủ đầy lông vàng của nó. Nó gãi gãi, nhăn mặt cười khẹc khẹc rồi quay ngoắt đi, lắc lắc mông như trêu ngươi. Có bữa, trong ca làm của Duyên, nó phóng xuống xô đổ bàn, nước văng tung tóe lên người khách và vỡ mấy cái ly; vậy là Duyên bị chủ quán trừ vô tiền lương hằng tháng. Duyên nhìn nó căm giận…

Sáng nay, Lì Lợm lại chuyền cành xuống núi. Khác mọi bữa, trước bụng nó là đứa con chừng vài tháng tuổi, gương mặt ngơ ngác nhăn nheo giấu vào ngực, đôi tay bé bỏng run rẩy bám vào chùm lông trên cổ mẹ. Lâu nay nó giấu con ở đâu nhỉ? Duyên tự nhủ, chắc nó cũng như mình thôi, gửi con ở đâu đó rồi đi kiếm miếng ăn mỗi ngày. Lòng cô chùng xuống, nhớ tới đứa con đang lê lết bên ông chồng cau có suốt ngày trong căn phòng trọ chật chội, nóng bức, thấy cô vừa đi làm về là quăng đứa con qua như trả nợ. Ngực cô căng tức. Cô chạy vội vào nhà vệ sinh rồi bươn bả tới quầy, bưng nước lên cho khách. Lì Lợm một tay ôm con, tay kia chuyền cành bám theo. Duyên trừng mắt nhìn nó, hăm dọa. Chẳng ăn thua, nó chun mũi như chọc tức rồi ngồi im, thủ thế. Đặt hai ly nước lên bàn cho khách xong, Duyên rút cái ná đeo bên hông, lấy viên đạn giấy trong túi ra và giương lên, hù dọa như mọi khi. Đúng lúc đó, cô gái mở cặp lấy hộp bánh ngọt mang theo điểm tâm. Lì Lợm phóng vút tới, Duyên không kịp nhắm, buông tay. Một tiếng thét vang lên, đau đớn, phá tan không gian tĩnh lặng của ban mai núi rừng. Lì Lợm hoảng sợ phóng vút lên cây, run rẩy ôm chặt khỉ con vào lòng. Khỉ con đau đớn, kêu choe chóe và cố choài đầu ra khỏi lòng mẹ. Duyên sững người khi thấy khỉ con liên tục đưa tay lên dụi mắt, từ đó rỉ ra những dòng máu đỏ. Cô choáng váng, buông rơi chiếc ná. Bỗng tiếng “cách cách” dội vang cùng với tiếng cành cây xô đổ ào ào. Đầu Đàn bươn bả lao xuống núi, dừng sững lại nhìn Lì Lợm ôm đứa con bé bỏng đang rên rỉ vì đau đớn. Nó hộc lên một tiếng rồi dang thẳng cánh tay, tát vào đầu khiến Lì Lợm chúi nhủi xuống. Nó đánh liên tục, dồn Lì Lợm ôm con chạy khuất vô rừng. Bầy khỉ đang chờn vờn ngoài đường, cũng táo tác chạy theo, cả khu rừng chuyển động ầm ào như bão quét.

- Tôi biểu cô hù dọa nó thôi, sao cô ác quá vậy? - Quản lý Tuệ nhìn Duyên trách móc.

Duyên gục đầu vô cây cột, nức nở. Tiếng “ác” rớt vô tai, như cú tát trời giáng, làm cô choáng váng. Chỉ vì kiếm miếng ăn mà cô trở nên “ác” từ khi nào vậy? Còn những người ngày ngày đem miếng ăn ra dụ dỗ, lôi đàn khỉ bỏ chốn nương thân nơi núi sâu rừng thẳm ngàn đời, bỏ những tập tính sinh tồn nòi giống, để ra đường đối mặt với hiểm nguy, thì không “ác” sao? Nhiều khi, cuộc sống kỳ quái vậy đó, cái “ác” âm thầm lẻn vô trong tim trong óc để gặm nhấm dần dần và trở nên quen thuộc, thì không ai nhận ra và dễ được chấp nhận hơn là những hành động vô thức, bột phát bên ngoài! Hay cái bột phát bên ngoài đó cũng là biểu hiện của sự âm thầm len lỏi ấy mà thôi?

Lòng dạ rối bời, Duyên quơ vội mấy món đồ cá nhân nhét vô túi rồi quày quả dắt xe, xuống núi. U u bên tai cô, tiếng khỉ con ri rỉ khóc hòa với tiếng đứa con ấm ức nấc lên “hức hức” mỗi khi Duyên trở về, trôi miên man trong vô thức…

NGUYỄN THÀNH

;
;
.
.
.
.
.