Văn hóa - Giải trí
Một câu chuyện cũ
Bà tôi chuyển nhà lên gần cái hang từ những năm máy bay Mỹ ra ném bom đánh phá miền Bắc. Ở phía dưới con dốc là một mương nhỏ, nước trong vắt. Có người bảo chắc vì bà tôi ưng cái thế “tựa sơn, đạp thủy” ấy để mong có hậu vận cho chị em tôi.
Chúng tôi lớn lên khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng và đất nước đã thống nhất. Chị Thủy đi học sư phạm rồi về làm giáo viên dạy trường làng. Những hàng phượng mà xưa kia lớp chị trồng sau trận bom đã ra hoa, rồi mùa quả bàng rụng trái. Bụi phấn vương trắng xóa dưới chân cái bảng mới sơn đen bằng pin đèn. Đàn sẻ về làm tổ dưới mái ngói đỏ tươi. Chị tôi ngày ngày đội nón trắng, đạp chiếc xe Thống nhất đến ngôi trường ấy.
Tôi thì lại khác. Tôi thích khoác chiếc máy ảnh ngao du khắp nơi, đương đầu với những thử thách của những năm tháng khó nhọc sau chiến tranh. Hồi đó, kiếm được một cuộn phim rất khó nên đằng sau mỗi pô ảnh là bao sự đắn đo, cân nhắc như một câu chuyện dài. Mỗi lần trở về nhà, tôi cứ thao thao bất tuyệt như thế, mặc cho chị Thủy luôn miệng giục tôi ăn nhanh kẻo cơm, canh nguội ngắt.
Có lần, chị Thủy bảo:
- Sơn này, có chuyện lạ lắm. Trưa nay, lúc chị đi làm về thấy có một người đàn ông đứng ở bên kia con mương nhìn vào nhà mình.
- Chắc người ta hỏi đường lên nghĩa trang liệt sĩ đó chị. Sau chiến tranh, nhiều gia đình liệt sĩ mới tìm được phần mộ.
- Không phải thế em ạ, ban đầu chị cũng tưởng thế. Nhưng chú ấy hỏi chị có biết nhà cụ Mão ở khu nào không. Chị bảo giờ cả khu này toàn người trẻ đến ở, có ai là Mão đâu. Giá như bà nội còn… thì may ra bà còn biết.
Chị Thủy nói rồi chống đũa dưới cằm, mắt nhìn xa xăm. Tôi biết chị Thủy nhớ bà. Bà tôi mất đã nhiều năm rồi mà ngỡ như bà vừa đi vắng hôm qua. Cái rổ, cái rá bà đan còn trong bếp. Cái chổi tre bà quét vẫn đang dựng ở góc sân. Đàn gà mấy chốc lại thêm lứa, đông đàn. Ao vẫn đầy rau muống, những cánh chuồn chấp chới trên ngọn rau…
Tôi không thể nhớ chính xác là năm tháng nào. Lúc đó, khí thế cả nước như nước dâng cao, dồn sức cho những trận đánh ác liệt cuối cùng. Bà tôi vừa bỏ thêm củi vào bếp, vừa nói: “Bộ đội về trong núi huấn luyến nhiều quá. Chắc sắp đánh lớn rồi”. Chị Thủy hỏi bà “đánh lớn” là gì, bà thủng thẳng:
- Đánh lớn là ta mạnh rồi. Ngày xưa, ông mày đi du kích chỉ đánh trong rừng, mai phục đánh nhanh, rút nhanh. Giờ quân đi như thác. Đánh lớn để con em miền Nam được về nhà. Người Bắc vào nhận họ, ly biệt bao nhiêu năm rồi.
Tôi đang chìm trong những hoài niệm thì có một người lính già xuất hiện ở cửa phòng:
- Chú có thể làm phiền cháu một chút được không?
- Vâng, thưa chú.
- Tốt quá.
Tôi mời ông vào phòng, pha trà, đợi ông lên tiếng.
- Chú có một việc thế này. Chú muốn nhờ cháu xem và sửa giúp chú một câu chuyện. Chú lâu nay vốn không viết nổi bài thơ, bài văn hay một cái tin nào nhưng đây là câu chuyện mà cả đời chú luôn day dứt không biết có nên nói hay không. Thôi thì, nếu được mong cháu cho chú gửi tâm sự ấy vào trang báo.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cứ vào dịp 22-12 hay 30-4 năm nào Tổng Biên tập của tôi cũng đi vắng vài ngày. Ông từng là lính bộ binh trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam. Khi trở về, ông thường kiểm tra chuyên đề kỷ niệm những ngày lịch sử đó, đòi hỏi e-kip làm báo phải hết sức chú tâm. Ngoài các bài chính luận, thơ, bút ký về chiến trường, về cựu chiến binh, về các trận đánh thì nhất định anh em biên tập phải tìm cho được một bài rất thật về người lính trong chiến tranh. Ông “dị ứng” với dăm ba mẩu chuyện phịa ra sau những cuộc ngồi khoanh chân trà thuốc tán phét.
Cả tuần nay, tôi hết đánh vật với đống bản thảo do cộng tác viên gửi đến, lại ngồi hì hục viết. Chưa có cái nào ra hồn để tôi trình lên Tổng Biên tập. Một cơn gió từ ngoài ập vào xô cánh cửa sổ làm đống giấy tờ rơi tứ tung. Khi tôi vơ vội mọi thứ để dọn dẹp thì thấy có một cái phong bì chưa hề bóc. Bì thư được làm từ giấy học trò, dán cẩn thận, không thấy ghi tên người gửi. Tôi vốn quen với các dạng thư này.
Hoặc đó là thơ ca hò vè, hoặc những câu chuyện kể ở làng xã, nó chẳng giúp ích được gì cho tôi lúc này. Nhưng có một linh tính nào đó thôi thúc tôi bóc nó ra. Trong phong bì là năm trang giấy đươc viết kín bằng những nét chữ nắn nót. Tôi đọc chậm, cố gắng giữ bình tĩnh cho đến khi dở xem tấm ảnh, dù đôi chỗ đã ố vàng.
Thực ra, tôi biết một nửa của câu chuyện đó, xin được chép lại như thế này:
Năm ấy, hai chị em tôi ngồi trên chiếc cầu bắc qua dòng suối nhỏ, ngắm những chiếc lá tre vàng “hạ thủy” xuống dòng suối rồi mải miết trôi đi. Phía ấy cũng là phía những đoàn quân tiến vào miền Nam cứ xa dần sau dãy núi đá vôi. Mẹ tôi mất đã lâu, cha tôi cũng là một người lính trong những đoàn quân đó.
Thế nên, bao giờ nhìn các chú bộ đội hành quân, chị em tôi cũng như thấy bóng dáng người thân của mình.
Bỗng lúc ấy, có một đoàn quân dừng lại. Hình như các chú thấy dòng suối trong nên lấy thêm nước vào bi-đông. Có một người dong dỏng cao, đôi mắt sáng dừng lại bên suối. Người đó cười và hỏi chúng tôi:
- Các cháu đang đợi ai mà ngồi đây?
- Chúng cháu đợi bố cháu, đợi những chú bộ đội trở về con đường này.
Sau những tiếng ho, chú bộ đội lại tiếp lời:
- Hôm nay các cháu không đến trường sao.
- Hôm nay là chủ nhật mà chú - chị Thủy nhanh nhảu.
Chú bộ đội ấy rất xúc động.
- Các cháu ngoan quá. Đất nước sắp hết chiến tranh rồi, các cháu muốn sau này lớn lên sẽ làm công việc gì?
- Cháu là Thủy, muốn làm cô giáo. Em cháu là Sơn. Em ấy muốn làm phóng viên để được đi khắp nơi…
Chú bộ đội toan bước đi thì chị Thủy nhanh nhảu:
- Chú ơi, chú chờ cháu.
Chị chạy vào nhà vớ vội chiếc áo đưa cho chú bộ đội:
- Chú phải mặc áo ấm vào mới tới miền Nam được.
Sau này, bà tôi vẫn trách chị. Bà không tiếc một chiếc áo mà vì nó là vật duy nhất mang hơi ấm của người con trai độc nhất. Chị Thủy cũng quên hỏi tên chú bộ đội ấy.
Còn trong câu chuyện do người lính ghi lại, một nửa còn lại câu chuyện như thế này. Khi họ vào đến chiến trường miền Nam, bố tôi đã nhận ra vết rách trên áo của một người lính. Vết rách mà bà tôi đã mạng thành hình một ngôi sao. Chú bộ đội ấy chỉ kịp kể cho bố tôi nghe về ngôi nhà chênh vênh, về hai đứa trẻ như hai thiên thần vẫn chơi đùa bên con mương nhỏ. Rồi họ chia tay nhau. Bố tôi đã bước vào trận đánh và mãi mãi không trở về. Chú bộ đội đã ghi lại thế này: Người lính ấy đã dặn tôi: - Anh và tôi phải sống, ít nhất phải có một người trở về để mang chiếc áo cho mẹ tôi giặt và phơi trên sân. Mẹ tôi tên là Mão. Sân nhà tôi nhỏ nhưng lúc nào cũng đầy ắp nắng vàng, nhanh khô lắm…
Câu chuyện về chiếc áo đã thành tâm điểm của số báo đặc biệt. Nắng trên sân nhà tôi vẫn óng vàng…
BÙI VIỆT PHƯƠNG