Đà Nẵng cuối tuần
Huyền tích sông Hà Sấu
Sông Cổ Cò lượn lờ quanh co từ Hội An tới Đà Nẵng như một dải lụa êm đềm. Dòng sông chỉ dài ngót nghét 28km nhưng từng đoạn, từng khúc lặng lẽ trong các làng mạc, xóm thôn lại có nhiều tên gọi khác nhau, trong đó có sông Hà Sấu. Vì sao lại có tên gọi này?
Miếu (ảnh trái) và cầu cùng mang tên Nghĩa Tự bên sông Hà Sấu. Ảnh: T.M |
Từ Cửa Đại, sông Cổ Cò - Đại Nam nhất thống chí ghi là Lộ Cảnh giang - luồn lách ngoằn ngoèo qua các làng mạc, xóm thôn, ruộng đồng ven biển theo hướng bắc, đến giáp ranh giữa hai quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng) thì hòa với nước sông Cẩm Lệ đổ ra vịnh Đà Nẵng.
Không có tư liệu nào cho biết cái tên Cổ Cò có từ bao giờ, chỉ nghe nhiều người xưa nay bảo rằng do dòng sông uốn lượn cong cong trông như cổ con cò trắng kiếm ăn trên đồng nên tên sông ra đời theo sự tưởng tượng ấy. Dòng sông không rộng, không chảy xiết, chất chứa trong mình không biết bao nhiêu sự kiện gắn kết giữa lịch sử với huyền tích dân gian.
Ngày xưa, Cổ Cò là dòng sông để thuyền bè loại nhỏ từ cửa Đại Chiêm (Cửa Đại ngày nay), Hội An vận chuyển hàng hóa ra Đà Nẵng vào thế kỷ XVI đến XVIII của Đàng Trong và ngược lại, sau đó nhiều đoạn sông bị vùi lấp, cạn hẹp do thiên tai bất hòa, con đường thủy thương mại bị đứt gãy hàng trăm năm. Năm 1825, vua Minh Mạng ngồi trên thuyền theo sông Cổ Cò đến Bến Ngự (bên chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn hiện nay) để thưởng ngoạn phong cảnh Non Nước.
Đến năm 1995, khi chùa cho nạo vét đoạn sông gần chùa phát hiện một cọc gỗ lim lớn đóng gần bờ sông, được cho là trụ neo thuyền của vua Minh Mạng. Nhưng rồi trận lụt lớn năm 1999 đã làm cọc gỗ này bị trôi mất.
Sông Cổ Cò cũng gắn câu chuyện Huyền Trân công chúa trốn thoát khỏi giàn hỏa thiêu để về Đại Việt theo một luật nghiệt ngã của vương quốc Chiêm Thành. Đó là năm 1306, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành Chế Mân để lấy hai châu Ô, Lý.
Năm 1307, Chế Mân băng hà. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Theo tục lệ Chiêm Thành, hễ vua mất thì hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại bèn sai bọn Khắc Chung mượn cớ sang viếng tang rồi nói nếu hỏa táng công chúa trước thì việc làm chay, không có người chủ trương, chi bằng trước ra bờ biển chiêu hồn ở chốn ven trời đón linh hồn Chế Mân cùng về rồi hãy lên giàn hỏa thiêu. Người Chiêm nghe theo, ra biển, Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về…”.
Sách không nói rõ đi bằng đường nào nhưng có chuyện truyền lại là từ kinh đô Quy Nhơn, Bình Định, Trần Khắc Chung và đoàn giải cứu nhà Trần đưa công chúa Huyền Trân xuống biển giong thuyền về cập cảng Đại Chiêm rồi theo dòng Cổ Cò ra cửa Hàn và lánh sự truy đuổi của quân Chiêm Thành tại Hải Vân Quan. Tuy nhiên, câu chuyện Huyền Trân công chúa phải chết cùng Chế Mân theo tục lệ có rất nhiều sự tranh cãi về tính thực tiễn khách quan nhưng cuối cùng cũng chỉ còn lại những dòng sử sách nửa hư nửa thực.
Sông Cổ Cò không dài mà khá độc đáo, chỉ chảy ven các làng cát, làng chài sát biển, có rất nhiều cái tên khác nhau theo từng khúc, từng đoạn sông. Chẳng hạn, đoạn từ Cửa Đại gần tới địa phận thị xã Điện Bàn ngày nay có tên Để Võng, đoạn qua các khối phố Hà My, phường Điện Dương gọi là sông Hà Sấu, sông Hẹp. Gọi sông Hẹp bởi đoạn này từ lâu đã bị bồi lấp, thuyền bè không qua lại được, chỉ còn giống như con kênh nhỏ, bèo tây giăng kín không thấy mặt nước. Những bậc cao niên ở Hà My cho biết, cái tên sông Hẹp ra đời sau cùng. Đoạn còn lại từ phường Điện Ngọc tới sông Cẩm Lệ gọi sông Cổ Cò và một vài cái tên khác nữa. Trong số các tên gọi ấy, chỉ có Hà Sấu là tên sông được bước ra từ… truyền thuyết.
Chuyện kể rằng, ngày xưa khúc sông này sâu và rộng lắm nên cá, tôm nhiều vô kể. Dân làng Hà My, tức làng có doi đất bên sông, ngoài việc khơi dẫn các mương nước sông tưới tắm ruộng đồng còn giăng câu, thả lưới trên sông để kiếm sống. Bỗng một ngày kia dưới sông xuất hiện một con cá sấu to lớn hung dữ quậy phá. Mỗi năm cá sấu ăn thịt một người của làng Hà My khi họ đánh cá trên sông. Nỗi lo sợ cá sấu luôn ám ảnh, cuộc sống của bà con trong làng ngày thêm khó khăn do phải xa lánh dần sông nước.
Các bô lão trong làng nhiều lần tập hợp trai tráng khỏe mạnh bàn tính việc giết con cá sấu hung ác để xóm thôn bình yên, song vẫn chưa có cách diệt trừ được hiểm họa. Biết dân làng Hà My quá khổ sở do cá sấu gây ra, tri huyện liền cử 5 vị quan thuộc quyền về làng trị cá sấu. Giữa một đêm đông giá lạnh, dân làng Hà My nghe nhiều tiếng hò hét của 5 vị quan và tiếng gầm gừ dữ tợn của cá sấu từ phía dòng sông.
Mờ sáng hôm sau, dân chúng đổ ra đôi bờ mới phát hiện con cá sấu chết phơi bụng, còn 5 ông quan dũng cảm cũng bị cá cắn xé nát thịt. Thương xót các vị quan vì dân mà xả thân, dân làng mai táng đàng hoàng rồi dựng miếu thờ ngay bên bờ sông nơi các quan tử chiến. Về sau khúc sông này có tên gọi Hà Sấu bởi Hà là tên đất, tên làng bao đời của người Hà My, còn Sấu là tên con cá sấu bị trừ khử ngay trên đoạn sông qua làng.
Bây giờ, trong rừng thông vi vút đầy cỏ dại bên bờ sông Hà Sấu có ngôi miếu nhỏ đứng im lìm, mặt nhìn về phía dòng sông đêm ngày lặng lẽ với thời gian. Trước miếu ghi dòng chữ “Nghĩa Tự Miếu”, dân làng Hà My gọi miếu thờ ngũ thần Long Vương. Tuy ở xa khu dân cư nhưng Nghĩa Tự Miếu luôn ấm cúng khói hương từ tấm lòng của người dân địa phương.
Cách miếu chưa tới 100 mét có cây cầu Nghĩa Tự bắc qua dòng Hà Sấu. Vì sao miếu và cầu ở đây đều có hai chữ “nghĩa tự”? Chưa có sách vở nào giải thích điều này nhưng có lẽ chữ “nghĩa” được hiểu là điều phải, làm khuôn phép cho cách đối nhân, xử thế, còn “tự” là từ để chỉ cái gốc rễ của hành vi. Miếu và cầu đều hình thành từ cội nguồn của lẽ phải mà ra…
THÁI MỸ