Văn hóa - Giải trí
Xây dựng thực lực văn hóa - tạo sức hấp dẫn đáng đến và đáng sống
Thực lực văn hóa phải là tích hợp của giá trị truyền thống, bản sắc truyền thống với những yếu tố hiện đại trong văn hóa. Tư tưởng bảo thủ trong xây dựng văn hóa sẽ làm yếu đi thực lực văn hóa. Ngược lại, văn hóa không thể có được sức mạnh thực sự khi nó không chú ý tiếp nối những giá trị truyền thống, những thành tựu đã được xây nên bằng mồ hôi công sức và cả bằng máu của lớp lớp thế hệ những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật...
Lễ hội đình làng Túy Loan gắn với di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đình làng Túy Loan là sự kiện thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. TRONG ẢNH: Hội thi cờ người tại lễ hội đình làng Túy Loan năm 2023. Ảnh: X.D |
Hãy bắt đầu từ một “phép thử” giản đơn về tâm lý của một du khách khi đến với một vùng đất lạ. Điều gì gây ấn tượng đầu tiên cho họ sau một chuyến đi dài? Chắc là họ chưa quan tâm ngay đến việc nơi này có bao nhiêu xí nghiệp, nhà máy, viện nghiên cứu hay trung tâm khởi nghiệp… mà có lẽ hình ảnh đầu tiên đập vào mắt họ, đó là dáng vẻ những con người, là cảnh quan chung, là không gian sống, môi trường sống...
Theo một cách hiểu đơn sơ nhất, có thể coi đó là văn hóa của một vùng đất. Người ta chỉ cảm thấy nơi mình đáng đến là nơi có sức hấp dẫn của một địa danh văn hóa. Và, về lâu dài, khi đã quyết định đến để sống, để làm việc thì sức hấp dẫn đối với họ cũng chính là khi họ cảm thấy nơi mình đến để sống, để làm việc là một môi trường sống, môi trường làm việc có văn hóa - văn minh (văn hóa doanh nghiệp, văn minh công sở, văn minh công nghiệp)… Ở một chừng mực nào đó, thành phố Đà Nẵng chúng ta tự hào đã có được những dấu ấn để những người lần đầu đến đây cảm nhận được nét văn hóa đó, cảm nhận được đây là nơi đáng đến, đáng sống. Những con số thống kê và những gì diễn ra trên thực tế đã cho thấy điều này.
Nhiều năm qua, nhất là 26 năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn đặt ra mục tiêu xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, và từng người dân phấn đấu có được lối sống văn hóa, văn minh đô thị. Từ trong truyền thống lâu đời, Đà Nẵng nói riêng và xứ Quảng nói chung đã là một vùng văn hóa. Mặc dù sách vở nghiên cứu còn phải tiếp tục viết về vùng đất này để tương xứng với vai trò, vị trí đặc biệt của nó trong hành trình mở cõi về phương Nam.
Nhưng với những gì đã có, từ hình sông thế núi, không gian biển trời, di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, cách mạng, di tích văn hóa còn lại, cùng những địa danh sông núi, làng quê, đặc biệt là tên tuổi những nhân vật tiêu biểu nổi tiếng, với tư cách là phần tinh túy nhất của văn hóa từng sinh ra, lớn lên và ngã xuống trên đất này, đã vượt ra ngoài không gian địa lý của riêng một vùng đất để đi vào lịch sử cả quốc gia. Qua biến thiên của lịch sử, tất cả những tài sản ấy đã trở thành như một thứ tiềm lực, một vốn quý để thế hệ hôm nay có quyền tự hào và đi sâu khai thác.
Tuy nhiên, rõ ràng là để cho đông đảo mọi du khách, trong đó có cả những người thuộc nhóm chuyên gia kỹ thuật bậc cao, ở mọi thời điểm mà họ có mặt nơi này, đều cảm thấy Đà Nẵng quả thật là nơi đáng đến và đáng sống, thì vẫn còn nhiều điều phải làm. Một trong những điều ấy, theo chúng tôi, là phải xây dựng, vun đắp thực lực văn hóa của Đà Nẵng, song song với xây dựng thực lực kinh tế theo những mục tiêu đã được nêu ra rất cụ thể trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương và các nghị quyết của Đảng bộ thành phố.
Về kinh tế, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã đánh giá khá tích cực về khả năng xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, trung tâm tài chính, logistics, công nghiệp…theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, về xây dựng thực lực văn hóa, nhiệm vụ cũng đồng thời được đặt ra rất nặng nề. Xây dựng được thương hiệu Đà Nẵng về kinh tế - xã hội nói chung đã là khó, nhưng tạo dựng được thương hiệu văn hóa Đà Nẵng lại càng khó hơn nhiều lần. Trong suốt hơn 20 năm xây dựng và phát triển Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo rất cụ thể có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật; đó chính là một phần trong nội dung xây dựng thực lực văn hóa Đà Nẵng. Tuy nhiên, cả về phương diện lý thuyết cũng như trong thực tiễn, chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải làm để Đà Nẵng có được thực lực văn hóa lâu bền.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xây dựng thực lực văn hóa Đà Nẵng, và bắt đầu từ đâu? Trước hết, trên bình diện tổng quát, thành phố phải có chiến lược phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, với bối cảnh tình hình của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế. Trước nay, chúng ta sử dụng một khái niệm chung là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thường thì nặng kinh tế hơn các vấn đề xã hội. Trong những vấn đề xã hội thì chú ý nhiều hơn đến những lĩnh vực như thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, (nhưng cũng thiên về vật chất, còn xóa “đói”, “nghèo” về đời sống tinh thần thì chưa thật tương xứng, trong khi nhu cầu về đời sống tinh thần ở các vùng khó khăn cũng rất lớn). Về văn hóa thì thường tập trung chú trọng về các thiết chế văn hóa, vấn đề bảo tồn bảo tàng di tích... Tất nhiên đó đều là những nội dung cần đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, những mối quan tâm khác dành cho lĩnh vực văn hóa, nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật thì tuy đã có nhưng còn quá cô đọng, chưa thật rõ ràng cả về định tính lẫn định lượng. Trở lại với vấn đề phải làm gì để xây dựng thực lực văn hóa. Như đã nói trên, truyền thống văn hóa của xứ Quảng, trong đó có thành phố Đà Nẵng, đã được khẳng định qua lịch sử và đã trở thành tài sản vô giá cho hôm nay. Tuy nhiên, thực lực văn hóa phải là tích hợp của giá trị truyền thống, bản sắc truyền thống với những yếu tố hiện đại trong văn hóa. Tư tưởng bảo thủ trong xây dựng văn hóa sẽ làm yếu đi thực lực văn hóa. Ngược lại, văn hóa không thể có được sức mạnh thực sự khi nó không chú ý tiếp nối những giá trị truyền thống, những thành tựu đã được xây nên bằng mồ hôi công sức và cả bằng máu của lớp lớp thế hệ những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật.
Đi vào những tiêu chí cụ thể để đánh giá thực lực văn hóa của một địa phương, qua thực tế tìm hiểu cũng như được trải nghiệm từ những nơi được trực tiếp đến, chúng tôi muốn nhấn mạnh những nhân tố sau:
Một là, xây dựng được một cộng đồng dân cư có tư tưởng, đạo đức, lối sống chuẩn mực, phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục truyền thống và phù hợp với phong cách giao lưu rộng mở trên phạm vi quốc gia và quốc tế.
Hai là, cần có một phong trào văn hóa quần chúng phát triển lành mạnh, sâu rộng, đều khắp và có chất lượng, động viên được tinh thần các tầng lớp nhân dân.
Ba là, phải có một hệ thống thiết chế văn hóa hoàn chỉnh, hiện đại, hoạt động thường xuyên và có hiệu quả.
Bốn là, trên địa bàn phải có những doanh nghiệp lớn, có uy tín trong kinh doanh những sản phẩm đặc thù về văn hóa (vật thể và phi vật thể), có khả năng quảng bá sâu rộng những giá trị văn hóa của địa phương ra cả nước và quốc tế; tạo được những thương hiệu văn hóa của địa phương đồng thời góp phần xây dựng được một thị trường văn hóa sôi động. Các nghị quyết Trung ương đã đề cập đến cụm từ công nghiệp văn hóa, sản nghiệp văn hóa.
Năm là, phải quy tụ và bồi dưỡng được một đội ngũ nhân tài văn hóa và động viên sáng tạo được những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc, có tiếng vang không chỉ trong phạm vi thành phố mà được lan tỏa, được đón nhận ở trong nước và khu vực.
Những nhân tố nêu trên, có phần việc thuộc chức năng nhiệm vụ của ngành văn hóa, có những nội dung thuộc về đội ngũ văn nghệ sĩ và những người quản lý các hội văn học nghệ thuật. Tuy nhiên trên hết vẫn là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp và của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu không có những quyết sách mạnh, trọng thực chất, xuất phát từ thực tiễn cụ thể, xuất phát từ những mặt mạnh mặt yếu cụ thể của từng địa phương, ngành thì khó có thể tìm ra giải pháp có hiệu quả nhằm xây dựng và củng cố thực lực văn hóa.
Điểm lại một cách sơ bộ 5 nội dung nêu trên, chúng ta thấy có một số mặt đã triển khai và đã đạt hiệu quả, và chúng ta đều hiểu từng nhiệm vụ ấy đều là những nội dung nằm trong các đề án, chương trình hành động của Thành ủy, UBND thành phố. Tuy nhiên, để chứng tỏ Đà Nẵng đã có một thực lực văn hóa vững vàng chắc chắn, tạo được nền tảng tinh thần chung của xã hội và có sức thu hút để trở thành nơi đáng đến và đáng sống, đáng làm việc thì vẫn cần sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Về đạo đức lối sống của người dân Đà Nẵng, đã có nhiều đánh giá khá tích cực, tuy nhiên chưa thể khẳng định cộng đồng dân cư Đà Nẵng hôm nay đã thực sự “có lối sống văn hóa, văn minh đô thị” (hiểu theo nghĩa đồng đều, đồng bộ và bao trùm trong các bộ phận dân cư), theo những yêu cầu và những tiêu chí đã đề ra. Hệ thống thiết chế văn hóa của chúng ta cũng đang còn đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết cấp bách. Một nhà hát đúng tầm, với đội ngũ diễn viên, nhạc công tài năng, được đào tạo cơ bản, rõ ràng là phải có, khi mà các chuyên gia giỏi và các doanh nghiệp lớn cùng với gia đình họ đến thành phố sống lâu dài, hoặc dù chỉ 6 tháng, 1 năm nhưng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của giới tinh hoa là rất lớn. Công tác bảo tồn bảo tàng cũng đang đòi hỏi sự đầu tư với kinh phí lớn và tư duy mới để có được những hiện vật, những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Điều rất đáng mừng là gần đây, thành phố đã thay đổi rất lớn về việc đầu tư cho công tác bảo tàng và đang cố gắng hoàn thành sớm Bảo tàng thành phố, song song với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Bảo tàng Mỹ thuật (đó là chưa nói đến ý nghĩa chính trị, ý nghĩa lịch sử rất lớn của Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng được coi là một bảo tàng độc đáo, một địa chỉ riêng có của Đà Nẵng).
Tuy nhiên, tư duy về làm bảo tàng để phù hợp với nhu cầu của công chúng đến sống và làm việc tại thành phố cũng cần đổi mới hơn nữa. Bảo tàng hiện đại phải là một hệ thống mở. Ngoài những khu vực cần im lặng, nghiêm túc, cần có những không gian để người đến tham quan được giao lưu, giải trí. Nhất là đối với Bảo tàng Mỹ thuật, người dân không chỉ đến xem tranh mà cần có khu vực để các gia đình, nhất là trẻ em có cơ hội thực hành như vẽ tranh, nặn tượng, thậm chí có đồ vật để các em thực hành về nghệ thuật sắp đặt… Một nội dung phải phấn đấu trong nhiều năm, đó là phải khuyến khích để có những sản nghiệp văn hóa có tiếng tăm, chuyên tâm đầu tư trên lĩnh vực văn hóa, tạo lập được một thị trường văn hóa ổn định và từng bước phát triển. Hiện nay, đây vẫn là “ẩn số”, bởi hầu hết doanh nghiệp đều tìm chọn lối kinh doanh an toàn và có khả năng sinh lời trên các lĩnh vực khác ngoài văn hóa. Đặc biệt, tiêu chí về việc phải có nhân tài văn hóa và tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị vượt trội, có tiếng vang, là một yêu cầu cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải có thời gian và công sức của người nghệ sĩ và sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo.
Trên đây chỉ đề cập sơ bộ một số nội dung thuộc lĩnh vực sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật. Còn nhiều nội dung khác có liên quan đến văn hóa giải trí cần tiếp tục đầu tư để níu chân du khách, làm cho du khách không chỉ đến một lần, không chỉ một vài thành viên mà nhiều thành viên trong gia đình, đến, sống và làm việc nơi đây. Những tụ điểm âm nhạc, những môn thể thao gắn liền với ưu thế biển đã có, cần tiếp tục bổ sung phong phú, đa dạng hơn, không phải chỉ do người Đà Nẵng tự chọn mà còn có những nhà tổ chức chuyên nghiệp thế giới đến đây chọn lựa. Nếu với một cái nhìn tĩnh thì người Đà Nẵng có thể tự yên tâm với những gì thiên nhiên và người đi trước để lại. Nhưng, người Đà Nẵng hiện đại đang quyết tâm kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông, mở rộng không gian đô thị. Và như một lẽ tự nhiên, khi những điều mới mẻ, tân kỳ xuất hiện bên cạnh giá trị của quá khứ, thì theo đó, du lịch sẽ phát triển, và nội hàm thực lực văn hóa nói chung cũng sẽ hoàn thiện hơn.
Thật phấn khởi và tự hào khi Đà Nẵng được định danh là thành phố đáng sống. Điều ấy không phải tự dưng mà có được. Nó là kết quả phấn đấu không ngừng nghỉ của lớp lớp thế hệ lãnh đạo và người dân thành phố, những người luôn mang khát vọng xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu mạnh. Để danh hiệu ấy ngày càng vững chắc, để cụm từ “đáng đến” và “đáng sống” luôn gắn với địa danh Đà Nẵng thì việc giữ cân bằng cho nhiệm vụ “kép”: Xây dựng thực lực kinh tế và thực lực văn hóa luôn là mục tiêu trước mắt và lâu dài của chiến lược phát triển thành phố.
BÙI CÔNG MINH
(Cán bộ hưu trí Đà Nẵng)
Báo Đà Nẵng hân hạnh đón nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước qua hộp thư điện tử: tsbaodanang@gmail.com |