Đà Nẵng cuối tuần
Tình yêu với đá cuội
Từ những viên đá cuội khô cằn, anh Nguyễn Viết Công Thành (31 tuổi, thị trấn A Lưới, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã vẽ nên hình ảnh hoa sen, đàn cá, con mèo, đàn bướm bay vội vã giữa rừng già hay con Sao La đang nô đùa bên dòng suối…
Anh Nguyễn Viết Công Thành đang say mê vẽ trên những viên đá cuội. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp ngành hội họa, Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, anh Thành quyết tâm theo đuổi con đường vẽ tranh chuyên nghiệp. Không như nhiều họa sĩ khác chọn vẽ tranh trên chất liệu giấy, vải, lụa, anh chọn hướng đi khá mới mẻ là vẽ tranh trên chất liệu đá cuội. Anh tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi A Lưới, địa hình sông, suối tự nhiên nên có rất nhiều viên đá cuội với muôn hình vạn trạng. Bằng giác quan nghệ thuật của mình, tôi cảm nhận những viên đá là kho tàng cảm hứng để sáng tạo nên mạnh dạn chọn nó làm chất liệu cho tranh.
Nhìn lại quãng thời gian 7 năm vẽ tranh trên đá cuội, tình yêu của tôi dành cho đá cuội chưa bao giờ dứt. Mỗi khi thả hồn vào tác phẩm, nó vừa giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê hội họa và rèn luyện kỹ năng tập trung, sự tỉ mỉ, vừa xua tan mệt mỏi trong cuộc sống. Đồng thời, thu nhập từ vẽ tranh trên đá cuội cho tôi có thêm động lực và hứng thú sáng tác”.
Anh Thành nói rằng, anh có thể lang thang nhiều ngày bên dòng suối để nhặt đá và nuôi ý tưởng nghệ thuật. Mỗi viên đá anh mường tượng như một người bạn. Vì thế, khi chọn vẽ bất kỳ một họa tiết dù to hay nhỏ lên viên đá anh đều dành hết tâm huyết.
Có thể nói, vẽ tranh trên đá cuội không phải là hình thức hội họa mới nhưng chưa hẳn là cũ. Qua bàn tay điệu nghệ của Thành, những viên đá cuội cứng cỏi và thậm chí được coi là bỏ đi đã trở thành tác phẩm sinh động, nhiều màu sắc. Anh Thành chia sẻ, vẽ tranh trên đá khó nhất chính là việc diễn đạt ngôn ngữ hội họa.
Bởi đá có bề mặt xù xì lại đa khối, đa hình, khác nhiều so với việc vẽ lên các mặt phẳng của giấy hay vải canvas. Điều này buộc họa sĩ phải có đủ cảm hứng và nghiên cứu kỹ càng hình ảnh trước khi bắt đầu vẽ. Để hoàn thành một tác phẩm tranh đá, theo người họa sĩ gốc A Lưới, phải trải qua các công đoạn gồm: lựa chọn đá, vệ sinh, đem phơi khô, sau đó lên ý tưởng theo hình dáng viên đá, nghiên cứu vật mẫu và thể hiện tác phẩm sao cho thẩm mỹ, có hồn nhất.
Một sản phẩm tranh đá cuội có giá dao động từ 50 ngàn đồng đến vài triệu đồng tùy kích thước, họa tiết và độ khó của vật mẫu hay ý tưởng. Ngoài vẽ trên đá, anh Thành còn vẽ trên tường và làm sản phẩm handmade từ cây cối và vẽ trên nhiều chất liệu khác. Những sản phẩm của anh Thành được khách hàng đón nhận và tác phẩm tranh đá cuội tiêu thụ ổn định.
Sau nhiều năm vẽ tranh trên đá cuội, anh Thành mong muốn truyền đạt kiến thức, kỹ năng tích lũy để nâng tầm tài năng mỹ thuật ở huyện nhà. Anh tận dụng căn nhà mình sinh sống tại huyện A Lưới để mở phòng trưng bày sản phẩm mỹ thuật mang tên SAL ART vào tháng 10-2022.
Lớp mỹ thuật SAL ART có nhiều lớp gồm: vẽ tranh tường, luyện thi mỹ thuật, dạy vẽ cho các học viên từ 4 tuổi. “Trong tương lai, tôi có dự định thực hiện và đưa sản phẩm tranh vẽ trên đá cuội, sản phẩm handmade từ chất liệu thiên nhiên (bộ phận từ cây cối, hoa lá, vỏ ốc...), có xuất xứ quê hương A Lưới thành một thương hiệu lưu niệm đặc trưng, mang bản sắc truyền thống đi khắp mọi miền đất nước.
Đồng thời, sẽ đào tạo và truyền cảm hứng cho các học viên đam mê hội họa nói chung cũng như đam mê với nghề vẽ trên đá nói riêng, để bộ môn độc đáo này được lan tỏa đến nhiều người hơn. Ngoài ra, nếu có điều kiện, tôi mong muốn mở nhiều không gian cho khách hàng có niềm đam mê hội họa thỏa sức trải nghiệm vẽ tranh trên đa chất liệu chứ không chỉ với đá cuội”, anh Thành bày tỏ.
HUỲNH TƯỜNG VY