Văn hóa - Giải trí
Giá trị thực sự qua thử thách
Mỗi lần có dịp đi qua xóm Cát giữa Tất Viên - chợ Được, tôi lại nhớ chuyện ba tôi nói về ông Tú Lan, một ông Tú Nho học của làng Hà Lam - Tất Viên. Ông xây dựng trên nền cát trắng một cơ nghiệp lớn trong làng, với một đàn con, trong đó, có một người con trai tên là Nguyễn Đức Dũng (1926 - 2021).
Vũ Hạnh |
Sau khi học xong Tú tài toàn phần ở Quốc học Huế, Nguyễn Đức Dũng tham gia trong Đội võ trang tuyên truyền, là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Đức Dũng làm trưởng đoàn kịch Thăng Bình, giáo viên dạy Văn, sau đó tham gia Đoàn văn nghệ Thanh niên xung phong Liên khu V. Các lớp học trò trong kháng chiến 1 luôn nhớ và nhắc đến với lòng ngưỡng mộ, hoặc nghe tiếng tăm thầy dạy Văn Nguyễn Đức Dũng.
Sau khi có Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954, chia đôi đất nước, Nguyễn Đức Dũng không trong diện đi tập kết ra miền Bắc, ở lại quê nhà, lòng luôn hướng về cách mạng, không chịu hợp tác với chính quyền do Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về nước lập ra. Nguyễn Đức Dũng không ra hợp tác với chính quyền mới, bị kẻ thù cho là còn cảm tình với những người kháng chiến, nên bị khống chế, o ép, bỏ tù. Lý do bị bắt không rõ ràng, giam một thời gian như nhiều cán bộ kháng chiến, chúng cho ra tù.
Võ Hạnh là người cùng học trường làng, một cán bộ cách mạng quê Thanh Ly, xã Bình Nguyên, xã kề cận với xã Bình Phục quê Nguyễn Đức Dũng. Võ Hạnh và Nguyễn Đức Dũng cùng học thời tiểu học ở trường làng huyện Thăng Bình. Họ biết nhau nhưng không thân nhau vì Nguyễn Đức Dũng học cao hơn, con nhà khá giả hơn, còn Võ Hạnh con nhà nghèo. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, hai người sinh hoạt đoàn thể cùng nhau và trở nên thân nhau, mến nhau. Năm 1955, Nguyễn Đức Dũng tham gia đấu tranh đòi hiệp thương thống nhất Bắc - Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi đưa đi tống giam ở nhà lao Hội An. Cũng thời điểm này, Võ Hạnh, cán bộ bí mật của Huyện ủy cũng bị Quận trưởng quận Thăng Bình bắt giam.
Nguyễn Đức Dũng ghi lại từ hồi ức của mình: ‘‘Một buổi tối, trong số tù nhân bị còng tay lại đưa ra chiếc xe mười hai chỗ ngồi để ra nhà lao Hội An, tôi thấy mình ngồi bên anh Võ Hạnh, và đến nơi chúng tôi cùng bị nhốt chung một phòng... Anh Võ Hạnh nằm cạnh tôi, đêm nào cũng chia cho tôi cái phần mát mẻ từ chiếc quạt giấy phe phẩy không ngừng trên bàn tay anh. Đồng thời, để dỗ giấc ngủ cho các bạn tù, mỗi đêm anh lại kể chuyện Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc, nào Thủy Hử, Tây du ký... Anh kể chuyện cho đến khuya lắc khuya lơ. Để giúp anh em quên bớt nóng bức và nỗi nhớ nhà cũng như trăm điều buồn phiền của cảnh giam giữ, anh Võ Hạnh bao giờ cũng là người tìm thấy giấc ngủ sau cùng. Nhờ được tiếp xúc trong cảnh khốn khổ như thế, tôi mới thấy những giá trị của con người anh. Sao mà anh tốt với anh em như thế, và sao mà anh có được trí nhớ phi thường như vậy, bởi đêm nào anh cũng kể miên man, bất tận về các chuyện cổ mà không hề thấy cạn kiệt. Hồi ấy, tù được tự quản lấy việc cơm nước nên trong bữa ăn thỉnh thoảng có một lát thịt hay miếng cá thì anh Võ Hạnh luôn tìm cách nhường phần ấy cho tôi, mà tôi không hề hay biết. Trong lúc nhận việc phân phối cơm nước cho các bạn tù, anh đã để phần ăn ấy dưới chén cơm và trao cho tôi. Đến lúc biết rõ, tôi san sớt lại thì anh nói giọng từ tốn nhưng cũng dứt khoát: “Mình đã quen rồi, Dũng cứ ăn đi. Chúng ta còn phải chịu đựng lâu dài…”. Trong cái vóc dáng cao, gầy, màu da ngăm đen, tiếng nói nhỏ nhẹ ẩn chứa tấm lòng nhân ái, bao dung, anh đã khiến tôi nhiều khi xúc động. Thì ra, giá trị thực sự chỉ được tìm thấy qua những cảnh ngộ thử thách… Khi tôi nhận giấy phóng thích, tôi nói mấy lời để chia tay anh Võ Hạnh, anh bùi ngùi nói: “Tình hình đất nước thế này không biết bao giờ anh em mình mới được gặp lại nhau”. Tôi nói cho anh đủ nghe rằng tôi tìm cách đi vào Sài Gòn để dùng báo chí tiếp tục đấu tranh. Nếu anh đồng ý tôi xin mượn tên anh làm bút hiệu để anh em mình vẫn ở bên nhau. Anh không trả lời, ôm chầm lấy tôi, nước mắt lưng tròng’’.
Là người cùng quê, tôi không chỉ may mắn gặp nhà văn Vũ Hạnh trong hoạt động báo chí, văn chương, còn bất ngờ và cũng may mắn gặp anh Võ Hạnh khi cùng bị giam tại lao Thừa Phủ - Huế. Trong lao tù tôi biết sau khi rời Thăng Bình anh lại bị bắt, tống giam trên lao Đà Lạt rồi đưa ra lao Thừa Phủ - Huế. Trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, nhà lao Thừa Phủ được giải thoát, chúng tôi được về lại tỉnh nhà. Tỉnh ủy Quảng Nam bố trí anh Võ Hạnh làm Phó ban Tuyên huấn Huyện ủy Thăng Bình, mặc dầu Huyện ủy Thăng Bình chưa có điều kiện phục hồi Đảng tịch cho anh Võ Hạnh thì anh hy sinh khi đang đứng công tác tại xã Bình Dương.
Cụ thể hơn về chuyện này, trong chuyến đi công tác Quảng Nam, bấy giờ anh Bốn Tuấn - Nguyễn Đức Bốn làm Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, anh Thái làm Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy, nhà văn Chu Cẩm Phong ghi trong nhật ký, vào thứ Bảy ngày 4 - 1 - 1969 như sau: ‘‘Huyện ủy cử đồng chí Võ Hạnh, Phó ban Tuyên huấn cùng đi với bọn mình làm công tác. Anh trước đây là một đồng chí cán bộ ở lại, đã bị bắt hai lần, lần thứ nhất ở tù 9 năm, bị đày ra Côn Đảo hai lần và đã đi qua các nhà tù Phú Lợi, Thủ Đức.
Lần thứ hai bị bắt trong phong trào Đồng Khởi, bị kết án 15 năm tù, đang nằm ở nhà lao Thừa Phủ thì được giải phóng. Anh cao lớn nhưng gầy gò, tóc đã bạc lốm đốm. Mới nhìn phía trước mặt tưởng anh là một nhà sư, vì tóc phía trên trán rụng gần trụi. Mới gặp nhau, anh rất ít nói, chỉ trả lời chứ không đặt câu hỏi. Nhưng quen nhau rồi anh nói chuyện cũng vui. Anh thích văn chương văn nghệ. Anh nói với mình nhiều về bài học lớn anh rút ra trong mười mấy năm là bài học về lập trường.
Trước kia anh học trường Viên Minh Hội An, thi đậu Đip lôm, về làng trở thành người trí thức, có tính ngang ngạnh không chịu phục tùng ai. Rồi trở thành đảng viên trong những năm kháng chiến chống Pháp. Nhưng anh bảo, lúc đó mới chỉ biết lập trường qua sách vở, chưa hiểu công nông, chưa hiểu người nghèo. Cho đến những năm ở lại chuyển hoạt động từ Quảng Nam lên Đà Lạt rồi vào các nhà tù mới hiểu cuộc đời mình gắn bó với những người nghèo khổ nhất’’.
Cuối năm 1956, Nguyễn Đức Dũng được trả tự do, trốn vào Sài Gòn dạy học tư, tìm cách liên lạc với cơ sở cách mạng. Sau khi nối được liên lạc, Nguyễn Đức Dũng được Khu ủy Sài Gòn - Gia Định giao cho hoạt động đơn tuyến, chống văn hóa nô dịch ở nội thành, liên lạc với vùng giải phóng. Nguyễn Đức Dũng lấy tên Võ Hạnh làm bút hiệu, đổi chữ Võ thành Vũ, mang bút hiệu Vũ Hạnh từ ấy.
Đây là thời kỳ Vũ Hạnh cho ra mắt độc giả Sài Gòn, độc giả miền Nam Việt Nam một số quyển sách rất được bạn đọc chú ý như: Vượt thác (1963), Chất ngọc (1964), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Người Việt cao quý với bút danh A. Pazzi (1965), Ngôi trường đi xuống (1966)... Qua sách và những bài báo, Vũ Hạnh trở thành một cái tên lừng lẫy của làng văn, làng báo Sài Gòn như một biểu tượng của tinh thần yêu nước, bảo vệ văn hóa dân tộc. Vũ Hạnh không ngừng viết, tiếp tục ra mắt bạn đọc: Đọc lại Truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970), Bút máu (1971), Lửa rừng (1972), Con chó hào hùng (1974), Cô gái Xà Niêng (1974), Ăn Tết với một người điên (1985), Cái Tết khó quên (1990), Sông nước mênh mông (1995), Một chặng đường bút mực (2000)... Từ nhà giáo Nguyễn Đức Dũng viết báo đến Vũ Hạnh hoạt động cách mạng bằng viết văn, trở thành một nhà văn nổi tiếng miền Nam trước năm 1975, làm rạng rỡ quê hương Thăng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Vũ Hạnh nhà văn đã làm cho người bạn thân yêu Võ Hạnh, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ Tuyên giáo đầy uy tín với cán bộ và nhân dân, mỉm cười dưới lòng xóm Cát quê hương thân yêu.
HỒ DUY LỆ