Văn hóa - Giải trí
Nhạc sĩ Văn Cao và 'Đoàn quân Việt Nam đi…'
Từ tháng 4-1943, Hội Văn hóa cứu quốc của Việt Minh được thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương đã viết Đề cương văn hóa Việt Nam và thu hút được nhiều trí thức yêu nước. Lúc này, phát xít Nhật đã hất chân, tước khí giới của Pháp ở Đông Dương, chúng thi hành một chính sách khắc nghiệt bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu... Đứng trước đau thương của dân tộc, chẳng lẽ người nghệ sĩ phải bất lực buông tay ư? Không riêng gì Văn Cao mà các trí thức khác cũng có những trăn trở như vậy.
Tác giả Lê Minh Quốc phỏng vấn nhạc sĩ Văn Cao tại Hà Nội (1990). |
Rồi Văn Cao gặp một cán bộ Việt Minh tên là Vũ Quý, người đã nhiều năm theo dõi hoạt động nghệ thuật của Văn Cao và có những tác động tích cực để hướng một tài năng lớn đi theo cách mạng. Ông được giao nhiệm vụ phụ trách ấn loát ở cơ quan Phan Châu Trinh, in sách báo và truyền đơn bí mật; phụ trách Đội Danh dự trừ gian. Hoạt động cách mạng đã đem đến cho ông nguồn cảm hứng để viết nên một ca khúc bất tử.
Ngày 7-7-1976, ông có viết bài “Tại sao tôi viết Tiến quân ca”, đây là một văn bản quan trọng giúp cho hậu thế hình dung hoàn cảnh thai nghén và ra đời của Quốc ca nước Việt Nam, trong đó có đoạn kể ông Vũ Quý giao Văn Cao “hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta”.
Thủ bút của nhạc sĩ Văn Cao. |
Văn Cao kể tiếp: “Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị một hành động gì có thể là mạo hiểm hy sinh, chứ không chuẩn bị để quay lại làm bài hát. Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng, loang trên hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì trong một ống bơ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải là con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc cũng không phải là cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định - Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt, và quay đi. Đêm ấy về căn gác, tôi đã viết được nét nhạc đầu tiên của bài Tiến quân ca”.
Cụ thể, lúc ấy, ông cho biết: “Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và chưa biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị, cho họ có thể hát được.
Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...
Và ngọn cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh của núi rừng. Nhịp điệu ngân dài của bài hát, mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng.
Đoàn quân Việt Nam đi
Sao vàng phất phới
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than...
Không, không phải chỉ có những học sinh khóa quân chính kháng Nhật đang hành quân, không phải chỉ có những chiến sĩ áo chàm đang dồn bước. Mà cả một đất nước đang chuyển mình.
Tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ Thăng Long hành khúc ca: “Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng”; hay trong Đống Đa: “Thét vang lừng núi xa...”. Lời trên đã rút ngắn thành Tiến quân ca, và tiếng thét ấy đã ở đoạn cao trào của bài hát.
“Tiến lên! Cùng thét lên!
Trí trai là đây nơi ước nguyền!”
Trên mặt bàn chỗ tôi làm việc, tờ Cờ giải phóng đăng những tin tức đầu tiên về những trận chiến thắng ở Võ Nhai. Trước mắt tôi mảnh trời xám và lùm cây của Hà Nội không còn nữa. Tôi đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc. Có nhiều mây và nhiều hy vọng.
Bài hát đã xong. Tôi nhớ lại nụ cười thật hài lòng của đồng chí Vũ Quý. Da mặt anh đen xạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh... Tháng 11-1944, tôi tự tay viết bài Tiến quân ca lên đá in, trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc Lập, còn giữ lại nét chữ viết của một anh thợ mới vào nghề”.
Tem bưu chính thể hiện bản nhạc Tiến quân ca. |
Sau đó, trong những ngày tiến đến Cách mạng Tháng Tám, nhạc sĩ Văn Cao kể lại chi tiết hết sức hùng hồn: “Tới lúc cần hành động, tôi lại bị ốm nặng, và phải đưa những vũ khí mà tôi giữ cho một đồng chí khác. Ngày 17-8-1945, tôi cố gắng đến dự cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội. Ngọn cờ đỏ sao vàng được thả từ ban công Nhà hát lớn xuống. Bài Tiến quân ca đã nổ ra như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi hàng nghìn giọng hát cất lên, vang theo những đoạn sôi nổi. Những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng, đã thay cho những băng vàng bẩn thỉu của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Ngày 18-9-1945 một cuộc mít-tinh lớn, họp tại quảng trường Nhà hát lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên tiền phong hát Tiến quân ca, chào lá cờ đỏ sao vàng. Các bạn nhỏ này, ngày nay đã lớn tuổi rồi, còn nhớ lại cái buổi sáng tháng Tám, nắng vàng rực rỡ ấy, nhớ lại giọng hát của họ lẫn với giọng tôi, vô cùng xúc động chào lá cờ cách mạng. Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thét căm thù bọn đế quốc, với sự hào hứng chiến thắng của cách mạng. Bài Tiến quân ca đã là của dân tộc Việt Nam độc lập kể từ ngày hôm đó”.
Trong không khí hào hứng của toàn dân đứng lên giành lại độc lập, Văn Cao như trẻ lại, sức sống dạt dào trong gió mới. Ông đã nhìn thấy từ chiến khu: “Bao chiến sĩ anh hùng. Lạnh lùng vung gươm ra sa trường. Quân xung phong nước Nam đang chờ mong tay ngươi. Hồn sông núi thiêng ghi muôn đời...” (Chiến sĩ Việt Nam)... Nhạc điệu Văn Cao khỏe khoắn lạ thường. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông vừa làm phóng viên, vừa trình bày cho Báo Lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Rồi ông tham gia cùng ông Hà Đăng Ấn chở tiền bạc và vũ khí vào Nam bộ.
Nếu không đồng hành cùng cuộc kháng chiến của dân tộc, chắc chắc ông sẽ không có những tác phẩm lớn sống cùng năm tháng...
LÊ MINH QUỐC