Văn hóa - Giải trí

Di tích văn hóa, lịch sử Hòa Vang: Đi vô ghé đình La Qua, đi ra xem đình Phước Thuận

08:10, 24/11/2023 (GMT+7)

Từ trung tâm thành phố, theo hướng cầu vượt Hòa Cầm đến ngã tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi,  rẽ phải theo đường nhựa liên thôn, bạn sẽ đến đình Phước Thuận, ở thôn cùng tên, xã Hòa Nhơn. Đình được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố tại Quyết định số 5874/QĐ-UBND ngày 30-8-2006. Đình Phước Thuận chính là nơi chứa đựng và phản chiếu những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc của dân làng Phước Thuận trong những năm tháng thăng trầm của lịch sử.

Đình Phước Thuận là nơi dân làng tổ chức cúng tế thần và hội hè, diễn xướng dân gian hằng năm. Ảnh: Đ.G.H
Đình Phước Thuận là nơi dân làng tổ chức cúng tế thần và hội hè, diễn xướng dân gian hằng năm. Ảnh: Đ.G.H

Làng Phước Thuận nằm nép mình giữa một thung lũng hẹp được bao bọc bởi những ngọn núi thấp, trải dài ra phía nam. Theo những tư liệu Hán - Nôm có liên quan (như bản Khoán ước làng Phước Sơn được lập năm Gia Long thứ 7) và di vật còn lại của đình làng (các sắc phong của các vua triều Nguyễn) cùng với những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, làng Phước Thuận được ra đời từ sự chia tách của làng Phước Sơn xưa. Tất cả có năm làng mới được hình thành từ “Phước Sơn đại xã” là Phước Hưng, Phước Hậu, Phước Thái, Phước Hương và Phước Thuận. Cho nên, khi lên đây chúng ta vẫn thường nghe các cụ nói “Ngũ Phước đồng môn” - tức năm làng đều được khởi nguyên từ một gốc.

Theo người dân địa phương, làng Phước Sơn được lập do ba vị tiền hiền là Mai Văn Trân, Phạm Văn Tín và Hồ Văn Ngạn từ động Trà Ngâm vượt núi Phước Tường lên đây lập làng. Cũng như bao làng quê khác, sau khi đã an cư nơi vùng đất mới, dân làng Phước Sơn tiến hành chọn đất, cất dựng đình làng, phụng sự uy linh. Đình là nơi thờ thần Thành hoàng bổn xứ Phan Công Thuyên, các vị Tiền hiền làng là Mai Văn Trân, Phạm Văn Tín và Hồ Văn Ngạn; và các vị thần trong tín ngưỡng dân gian là thần Cao Các, thần Bạch Mã, thần Quan Thánh Đế Quân, Đại Càn Quốc gia Nam Hải và đặc biệt, thần Mẹ xứ sở của người Chăm - Thiên Y Ana, hay Bà Chúa Ngọc cũng được thờ tại đình làng. Về sau, các vị Hậu hiền, các tộc họ đến sau cũng đều được đưa vào thờ tại đình. Đến nay, Phước Thuận đã có 38 tộc họ quần tụ sinh sống và phụng sự tại đình làng.

Đình ban đầu chỉ là ngôi nhà tranh tre nứa lá, được dựng lại tại Cồn Am, xứ Bàu Dài, nay gọi là xóm Trên - Phước Thuận. Mãi về sau, khoảng cuối thế kỷ XVII, do các yêu cầu phong thủy, đình làng được dời về địa điểm mới tại xứ Cây Trôi và yên vị cho đến ngày nay. Kiến trúc đình lúc này vẫn là ngôi nhà tranh tre nên phải thay đi dựng lại rất nhiều lần. Theo dân làng, đến thời Tây Sơn, niên hiệu Thái Đức (1778-1793), dân làng Phước Sơn mới có điều kiện góp công góp của chung sức xây dựng ngôi đình khang trang, bề thế hơn. Đó là một tòa nhà 3 gian 2 chái rộng lớn, khung nhà hoàn toàn bằng gỗ lim và kiền kiền. Trải qua hơn 150 năm, một số bộ phận kiến trúc của đình bị hư hại nên vào đời Tự Đức (1848-1883), đình được trùng tu lần thứ nhất.

Thông qua nghiên cứu các tư liệu liên quan, cùng với phong cách trang trí điêu khắc hiện còn lại ở đình, cho thấy đình được dựng lại vào năm Giáp Thìn đời Thiệu Trị (1844). Trong lần dựng lại này, khung nhà được thay bằng gỗ mít hoàn toàn, các mảng chạm khắc trang trí cũng được đầu tư nhiều công phu, tỉ mỉ. Ở phần ngoại vi, hệ thống bình phong, cổng tam quan cũng được xây dựng bằng gạch vữa xi-măng với quy mô lớn, kiến trúc đẹp. Có thể nói sau lần dựng lại này, đình Phước Thuận là một trong những ngôi đình bề thế nhất, có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật nhất trên đất Hòa Vang lúc bấy giờ. Vì lẽ đó mà trong dân gian lưu truyền câu ca “Đi vô ghé đình La Qua, đi ra xem đình Phước Thuận”.

Ngày nay, dân làng Phước Thuận hằng năm đều tổ chức cúng tế thần, hội hè và diễn xướng dân gian tại đình làng. Trong đó trang trọng và quy mô nhất là Lễ hội đình làng diễn ra trong hai ngày 19 và 20 âm lịch. Đây là dịp con của dân làng bày tỏ lòng tri ân đến các bậc tiền nhân, đồng thời tụ hội thi thố tài năng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Dù không còn nguyên dạng kiến trúc khởi thủy nổi tiếng một thời cuối thế kỷ XIX nhưng đình Phước Thuận vẫn còn sự hoành tráng trong quy mô kiến trúc, sự tinh tế, mềm mại, thanh thoát của các mảng trang trí điêu khắc. Vì vậy, nhắc đến Phước Thuận là người ta nghĩ ngay đến nơi có ngôi đình mà giá trị kiến trúc của nó một thời được so sánh với đình La Qua nổi tiếng ở Điện Bàn xưa (tỉnh Quảng Nam). Cho nên, khi nghiên cứu những vấn đề về khoa học xã hội và nhân văn ở địa phương không thể không khai thác những giá trị lưu truyền ở đình Phước Thuận.

ĐOÀN GIA HUY

.