Văn hóa - Giải trí

Giỗ Tổ Hùng Vương - Hướng về cội nguồn dân tộc

07:40, 17/04/2024 (GMT+7)

Tháng Ba âm lịch hằng năm, những người Việt mang trong mình dòng máu “con Lạc, cháu Hồng” lại hướng về miền đất Tổ với tấm lòng thành kính, biết ơn các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn liền với tục lệ thờ cúng tổ tiên của người Việt, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, được nhân dân cả nước coi trọng và gìn giữ suốt bao đời nay.

Lễ hội đình làng Hải Châu là một trong các hoạt động nổi bật của Đà Nẵng nhằm chào mừng Giỗ tổ Hùng Vương. Ảnh: X.D
Lễ hội đình làng Hải Châu là một trong các hoạt động nổi bật của Đà Nẵng nhằm chào mừng Giỗ tổ Hùng Vương. Ảnh: X.D

Đa dạng hoạt động tại đất Tổ

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 được UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức từ ngày 9 đến 18-4 (tức từ mồng 1 đến 10-3 năm Giáp Thìn) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các địa phương  trong tỉnh. Theo UBND tỉnh Phú Thọ, năm nay, phần lễ có các hoạt động như: lễ Giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ Giỗ tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong”; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các địa phương trong tỉnh.

Các hoạt động phần hội gắn kết chặt du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa -  Du lịch đất Tổ, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch văn hóa Phú Thọ. Trong đó, điểm nhấn là chương trình khai mạc Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa- Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024; chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hội tụ non sông” và bắn pháo hoa tầm cao tại sân khấu phía nam hồ Công viên Văn Lang; giải bơi chải thành phố Việt Trì mở rộng; chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì livemusic”, cùng nhiều hoạt động đa dạng và đặc sắc khác.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm nay được địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức chu đáo, an toàn với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần hội kết hợp hài hòa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại; các sự kiện thể thao và du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về thăm viếng Đền Hùng. Năm nay, tỉnh Phú Thọ dự kiến đón 2-3 triệu lượt du khách. Do đó, ban tổ chức xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ, dịch bệnh và vệ sinh môi trường phục vụ đồng bào, du khách thập phương.

Các phường trên địa bàn quận Hải Châu dâng mâm ngũ quả lên tiên tổ tại lễ hội đình làng Hải Châu năm 2024, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: X.D
Các phường trên địa bàn quận Hải Châu dâng mâm ngũ quả lên tiên tổ tại lễ hội đình làng Hải Châu năm 2024, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: X.D

Hướng về nguồn cội

Vào ngày Giỗ tổ hằng năm, hầu hết đình làng trên địa bàn thành phố đều tổ chức lễ dâng hương tri ân tổ tiên, các bậc tiền nhân có công khai hoang, lập ấp, xây dựng quê hương. Đặc biệt, thành phố có nhiều lễ hội đình làng được tổ chức vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương như: lễ hội đình làng Hải Châu (quận Hải Châu), lễ hội đình làng An Khê, lễ hội đình làng Thạc Gián (quận Thanh Khê) tổ chức 2 năm/lần, lễ hội đình làng Đà Sơn (quận Liên Chiểu)...

Năm nay, các hoạt động chính của lễ hội đình làng Đà Sơn diễn ra từ ngày mồng 8 đến 10-3 âm lịch. Trong đó, lễ tế Thành Hoàng (lễ chính thức) diễn ra vào đúng mồng 10-3. Phó trưởng Ban quản lý đình làng Đà Sơn Phan Công Định cho biết, lễ hội đình làng Đà Sơn hằng năm được tổ chức vào dịp Giỗ tổ như một nét văn hóa truyền thống, nhắc nhở con cháu dù đi đâu, làm gì cũng luôn nhớ về cội nguồn, ngày này trở về quê hương để tri ân tổ tiên.

“Trong khuôn khổ lễ hội năm nay, địa phương tổ chức hội thi ẩm thực, làm các món bánh truyền thống. Hoạt động này phần nào tái hiện sự tích hoàng tử Tiết Liêu làm món bánh chưng, bánh dày dâng lên vua cha, giành chiến thắng trong cuộc thi nấu ăn và trở thành Vua Hùng thứ 7. Qua đó, nhắc nhở mỗi người dân Đà Sơn không quên cội nguồn, cũng như cách làm những món đặc sản quê hương”, ông Định chia sẻ.

Tại lễ hội đình làng Hải Châu, được tổ chức đầu tháng Ba âm lịch, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng nhấn mạnh, người xưa có câu “Chim có tổ người có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Trở về với cội nguồn thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Hằng năm, vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương mồng 10-3, những người con đất Việt dù ở phương trời nào cũng đều hướng trái tim mình về đền thờ Tổ, tưởng niệm các Vua Hùng, thể hiện niềm tôn kính của các thế hệ con cháu Lạc Hồng đối với tiên tổ có công dựng nước, mở mang bờ cõi.

“Qua việc duy trì lễ hội đình làng Hải Châu, chúng tôi mong muốn góp một tiếng nói trong việc giáo dục, khơi dậy lòng tri ân, truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời, đưa lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn, mang đậm bản sắc vùng miền, góp phần vào việc hình thành nên môi trường du lịch lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của thành phố”, ông Dũng bày tỏ.

KHÔI NGUYÊN

.