Văn hóa - Giải trí

Đình Cẩm Toại lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử

07:54, 25/07/2024 (GMT+7)

Như bao làng quê khác của Việt Nam, làng Cẩm Toại cũng có một ngôi đình phục vụ sinh hoạt cộng đồng và đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương, đó là đình Cẩm Toại. Ban đầu, ngôi đình được làm bằng tranh tre để thờ Thần Hoàng bổn xứ và tiền hiền các chư phái tộc trong làng. Đến thế kỷ XIX, dân làng góp công, góp của xây dựng ngôi đình như hiện nay. Trải qua các thời kỳ lịch sử, đình Cẩm Toại là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn với các phong trào cách mạng ở địa phương. Vì vậy, ngoài giá trị về văn hóa, đình còn có giá trị rất lớn về lịch sử.

Đình Cẩm ToạiẢnh: Đ.G.H
Đình Cẩm Toại. Ảnh: Đ.G.H

Theo tư liệu của địa phương, làng Cẩm Toại là một trong những ngôi làng có lịch sử lâu đời của Đà Nẵng. Trong Ô châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1555, tên làng Cẩm Toại (lúc bấy giờ là Kim Toại) đã xuất hiện cùng với làng Túy Loan (Thúy Loan), Cẩm Lệ, Yến Nê… Đến năm 1776 trong Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn lại thấy Cẩm Toại là một trong 21 xã của tổng Lệ Sơn, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam. Trước Cách mạng tháng 8-1945, Cẩm Toại là một trong 16 làng của tổng An Phước, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Người dân làng Cẩm Toại xưa có truyền thống cần cù lao động, yêu nước và hiếu học. Nhiều gia đình tộc họ có tiếng là hay chữ như tộc Lâm, Phan, Lê... tiêu biểu như: ông Phan Thế Khanh có công lập nên hai xã Cẩm Nê và Cẩm Toại, trở thành một trong những tiền hiền làng Cẩm Toại; cụ tú Lâm Hữu Mẫn tham gia nghĩa hội được giao nhiệm vụ bang tá tỉnh vụ Nghĩa Hội cần vương Quảng Nam.

Khi phong trào Duy Tân khởi phát, từ đất Quảng đã thổi bùng một luồng khí thế mới với khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Theo gương các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, cụ tú Lâm Hữu Mẫn giao trường lại cho con là ông nghè Lâm Quang Tự, còn mình dẫn thanh niên trong tổng lên vùng Đồng Xanh, Đồng Nghệ lập doanh điền.

Trải qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, đình làng Cẩm Toại là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa của địa phương. Năm 1935, đình là trụ sở bí mật của nhóm thanh niên phản đế. Hình thức hoạt động của tổ thanh niên phản đế khá phong phú như tổ chức luyện tập và biểu diễn hát bội tại đình để quyên tiền mở rộng trường An Phước, truyền bá chữ Quốc ngữ. Từ năm 1936 trở đi, tổ phản đế ngày càng mở rộng, ngoài địa điểm hội họp chính ở đình Cẩm Toại còn có thêm hai địa điểm bí mật khác ở nhà ông Nguyễn Nghiệp và nhà ông Lê Đình Hiên.

Đình Cẩm Toại cũng là nơi tổ chức vận động tranh cử cho ông Đặng Thai Mai ra thay thế ông Phan Thanh vào nghị viện dân biểu Trung kỳ. Năm 1942, dưới tác động mạnh mẽ của Mặt trận Việt Minh, đình Cẩm Toại là nơi tập hợp các thanh niên đang hoạt động cách mạng ở địa phương và một số thanh niên học các trường ở Huế, Quy Nhơn về tham gia. Các thanh niên trong tổ chức cách mạng này đều lấy đình làm trụ sở luyện tập và biểu diễn nhiều vở kịch có tinh thần yêu nước cao như vở Nguyễn Trãi - Phi Khanh, Hội nghị Diên Hồng... để tuyên truyền tinh thần yêu nước cho quần chúng nhân dân.

Vào những ngày chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, đình Cẩm Toại là nơi cất giấu vũ khí của lực lượng thanh niên cách mạng trong xã. Trước ngày tổng khởi nghĩa, ban bạo động giành chính quyền tổng An Phước được thành lập và tổ chức nhiều cuộc họp tại đây để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau ngày UBND cách mạng lâm thời tổng An Phước thành lập, đình Cẩm Toại trở thành trụ sở ủy ban. Từ tháng 9-1945 đến 15-2-1946, UBND cách mạng lâm thời tổng An Phước đóng tại đình Cẩm Toại đã lãnh đạo các làng trong tổng thực hiện có kết quả việc động viên cứu đói, vận động thanh niên tham gia quân giải phóng và tham gia đoàn quân Nam tiến, tổ chức hợp nhất 16 làng trong tổng thành 2 xã và bầu ra Ủy ban hành chính liên xã Liên An - Phước Hiệp, đặc biệt tổ chức thành công bầu cử Quốc hội khóa 1 thắng lợi. Tại đây còn là nơi thu nhận hàng tấn gạo cứu đói, bảo quản số lượng lớn đồng thau quyên góp từ các xã gởi về. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (12-1946), UBND thành phố Đà Nẵng chủ trương sơ tán, một bộ phận công tác và tài liệu hồ sơ chuyển lên đình Cẩm Toại một thời gian rồi mới chuyển đến địa điểm mới.

Tháng 2-1947, mặt trận phía nam sông Túy Loan, Cẩm Lệ bị vỡ, Bộ chỉ huy của Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96 về đóng tại đây một thời gian để củng cố lực lượng rồi mới chuyển đi nơi khác. Năm 1947, đình làng Cẩm Toại bị giặc Pháp phá hoại, chúng đánh sập phần tiền đường và chính điện, chỉ còn phần hậu tẩm. Lúc bấy giờ cụ Lê Đình Tắc, người giữ sắc phong của làng đã mang được các sắc phong và hai câu liễn về đặt tại nhà thờ tộc Lê. Nhưng đến năm 1948, giặc Pháp biết nhà cụ có con theo Việt Minh, chúng đem quân về đốt phá nhà thờ tộc, các sắc phong của đình Cẩm Toại cũng bị hủy hoại theo, chỉ còn lại hai câu liễn hiện nay được treo thờ bên trong đình. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Cẩm Toại đã cố gắng giữ gìn hậu tẩm của đình làng, xây dựng lại phần tiền đình đã sụp đổ để làm nơi thờ cúng và tổ chức lễ hội văn hóa hằng năm ngay tại đình làng.

Đình Cẩm Toại được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố vào năm 2007. Hằng năm, người dân địa phương tổ chức cúng các lễ như: tế xuân (15-2 âm lịch), tế thu (15-8 âm lịch), kỵ tiền hiền (24-4 âm lịch)... để tưởng nhớ đến tiền nhân đã có công khai phá lập làng, đồng thời cầu cho dân làng được yên ổn làm ăn, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

ĐOÀN GIA HUY

.