Đà Nẵng cuối tuần
Nhà phê bình điện ảnh Nguyên Lê: "Thế giới đang quan sát ta, nên ta phải luôn cố gắng"
Sau thành công của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai (DANAFF II, 2024), nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng Nguyên Lê vừa từ Mỹ về và dành thời gian trả lời phỏng vấn Đà Nẵng cuối tuần về sự kiện văn hóa nổi bật này.
Nhà phê bình Nguyên Lê và đạo diễn Hà Lệ Diễm tại DANAFF II. Ảnh: NVCC |
* Anh có nhận xét gì về chiến thắng của các bộ phim Việt thuộc cả 2 hạng mục tại DANAFF II năm nay?
- Thú thực những phim thắng giải hoàn toàn nằm ngoài danh sách dự đoán của tôi. Nhưng chính vì như vậy nên buổi trao giải rất thú vị. Tôi nhận ra những điểm tương đồng và khác biệt trong nhận định của bản thân và ban giám khảo. Đặc biệt, nhờ những chiến thắng vào đêm trao giải mà tôi nóng lòng chờ ngày phim Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân (Giải thưởng Phim hay nhất của hạng mục Phim châu Á dự thi do ban giám khảo Phim châu Á quyết định) được chiếu rộng rãi tại Việt Nam. Tôi biết và hứng thú với dự án này từ lúc anh Phạm Ngọc Lân và ê-kíp mang phim ngắn Dòng sông không nhìn thấy của mình đến Liên hoan phim (LHP) Sundance tại Mỹ. Tôi cũng dự kỳ LHP Sundance năm đó và được xem bộ phim ngắn này. Chứng kiến sự trưởng thành của bạn "Cu li", từ trong kén nở ra thành bướm, bay đi muôn nơi rồi sau đó được nhiều giải thưởng. Một cảm giác khó tả nhưng rất vui.
* Điện ảnh Việt có ngôn ngữ điện ảnh nào đặc biệt so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương?
- Tôi nghĩ ngôn ngữ điện ảnh đặc biệt nhất của Việt Nam chính là bản sắc và ngôn ngữ Việt của mình. Ngoài ra, điện ảnh Việt đặc biệt ở chỗ, đó là sự nhẹ nhàng. Nó không quá lãng mạn như phim Hồng Kông, cũng không quá dịu dàng như phim Nhật, mà ở đâu đó trong một miền ảo ảnh mơ hồ và khó tả, nhưng đồng thời cũng rất hấp dẫn và mỹ miều. Đó là điều giúp điện ảnh Việt, khi công chiếu tại các quốc gia đã đem lại cho khán giả một giác quan khác, không giống kiểu phim của Vương Gia Vệ hay Ryusuke Hamaguchi. Mặc dù vẫn là một câu chuyện châu Á với các gương mặt Á châu, nhưng nó mang một bản sắc mới.
* Qua kỳ thứ 2 này, có thể thấy LHP quốc tế Busan là người bạn đồng hành của DANAFF khi có sự tham dự của ông Kim Dong-ho (nhà đồng sáng lập, cựu chủ tịch) và ông Park Kwang Soo (chủ tịch hiện tại của LHP Busan). LHP của xứ Hàn hiện đã bước sang năm thứ 29 và là LHP hàng đầu châu lục. Theo anh DANAFF có thể học hỏi gì từ họ?
- Các LHP bên Mỹ thường có tính cạnh tranh. Điều này không sai vì có cạnh tranh mới phát triển. Tuy nhiên, tại DANAFF, những buổi họp và chiếu phim có sự tham dự của các nhà sáng lập và lãnh đạo LHP Busan, tôi thấy rằng Busan luôn xem mình là một người bạn, phát triển theo nghĩa chúng ta cùng sát cánh đi lên. Đây cũng là chiều hướng thú vị khác. Tôi thấy mừng, vì khi Busan xem DANAFF là bạn bè hơn là đối thủ thì rõ ràng ta có thể học hỏi được nhiều điều.
Sự hiện diện của ông Kim Dong-ho giống như sự bảo chứng và củng cố cho quan hệ và tinh thần hợp tác này. Là một người trong ngành, tôi rất vui khi thấy ở đây có sự vừa làm điện ảnh và vừa duy trì điện ảnh.
* Đầu năm 2024, Việt Nam cũng có Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) lần thứ nhất. Cả HIFF và DANAFF đều là những LHP non trẻ. Theo anh, hai LHP này có thể học hỏi gì từ lẫn nhau và cần làm mới những gì?
- Bất kỳ LHP nào, non trẻ hay gạo cội, đều có thể tìm hiểu và nghiên cứu thêm về yếu tố: chúng ta đang tổ chức một bữa tiệc cho cái gì? Đối với tôi, chỉ có một câu trả lời, đó là điện ảnh. Mà khi nói về điện ảnh thì không chỉ nói đến phim được trình chiếu mà còn nói đến những nhà làm phim và những yếu tố liên quan.
Lâu nay câu chuyện về Việt Nam được kể bởi người nước ngoài vẫn còn nằm trong cái khuôn. Nên tôi rất vui mừng khi hoạt động của những LHP này phần nào làm thay đổi các "khuôn" ấy, và giới thiệu cho thế giới biết rằng Việt Nam có nhiều câu chuyện hay hơn, góc nhìn mới hơn chứ không chỉ là những câu chuyện ngoại quốc như Good Morning Vietnam, Born on the Fourth of July, Rambo…
Với ngữ cảnh đó, khi quay lại chuyện tổ chức LHP, tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ có một LHP hoàn hảo nhưng ta có thể đạt được ngưỡng gần hoàn hảo nhất có thể. Trong mọi quyết định và tính toán đối với một LHP, lúc nào cũng phải hỏi liệu những điều ta đang tổ chức có dành cho điện ảnh hay không? Chỉ cần câu trả lời là “có” thì coi như ổn rồi. Cả hai sự kiện HIFF và DANAFF đều thấy được điều đó. Trong lần kế tiếp của các LHP này, câu hỏi đó sẽ luôn quay lại, nhưng tôi biết chắc và mong mỏi rằng ban tổ chức sẽ trả lời câu hỏi đó một cách dõng dạc, tự tin hơn. Tôi nhận thấy, các nhà làm phim, cố vấn cho các LHP quốc tế rất quan tâm về HIFF và DANAFF. Điều này có nghĩa, thế giới đang quan sát ta, nên ta phải luôn cố gắng.
* Anh mong đợi gì vào những điều mới mẻ tại DANAFF năm sau?
Tôi mong phim Việt Nam sẽ được nâng cấp về ngôn ngữ điện ảnh nhiều hơn, có một bước tiến đáng kể hơn trong cách kể chuyện để tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, tôi thấy mỗi hạng mục hiện chỉ có 3 đề cử, nên không biết lần sau có thể tăng lên 5 đề cử được không? Để cuộc thi được đông đảo, xôm tụ hơn, đồng thời cũng tăng thêm phần khó đoán kết quả.
Nguyên Lê là nhà phê bình điện ảnh có kinh nghiệm hợp tác với các đầu báo, trang phê bình điện ảnh quốc tế và trong nước như SlashFilm, Rotten Tomatoes, Fangoria, AwardsWatch, Texas Observer, Houston Chronicle, Roger Ebert, Vietcetera, và Saigoneer. Anh còn là thành viên của các hội điện ảnh như Hiệp hội Critics Choice (CCA), International Cinephile Society (ICS), và hiện là đại diện của Việt Nam cho Liên đoàn quốc tế báo chí điện ảnh FIPRESCI. |
KINH QUỐC thực hiện