Văn hóa - Giải trí

Bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội

06:07, 03/08/2024 (GMT+7)

Đà Nẵng có hệ thống lễ hội phong phú, đa dạng loại hình, từ truyền thống đến hiện đại, từ phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân đến thu hút khách du lịch. Các lễ hội được địa phương, thành phố duy trì và nâng tầm qua các năm, tạo điểm nhấn cho văn hóa Đà Nẵng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và định vị thương hiệu “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á”.

Lễ nghinh thần là một trong các nghi thức quan trọng nhất của lễ hội cầu ngư ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ảnh: X.D
Lễ nghinh thần là một trong các nghi thức quan trọng nhất của lễ hội cầu ngư ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ảnh: X.D

Xây dựng thương hiệu lễ hội văn minh

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, trên địa bàn thành phố hiện nay có 4 loại hình lễ hội, gồm: lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong đó, lễ hội truyền thống chiếm số lượng nhiều nhất với 61 lễ hội, được tổ chức hằng năm hoặc định kỳ vài năm một lần, theo hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đối với lễ hội truyền thống, thành phố có nhiều lễ hội tiêu biểu như: lễ hội Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn), lễ hội đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang), lễ hội đình làng Hải Châu (quận Hải Châu) và lễ hội cầu ngư các quận, huyện… được tổ chức hằng năm, thu hút rất đông người dân, du khách.

Các lễ hội trên địa bàn thành phố hầu hết do nhân dân tự nguyện đóng góp, chính quyền địa phương hỗ trợ về công tác tổ chức, an ninh trật tự. Hằng năm, sở chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh, có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong tổ chức lễ hội; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Từ những nỗ lực của chính quyền thành phố, các địa phương và người dân, các lễ hội ngày càng được tổ chức theo hướng văn minh, hạn chế hương khói, vàng mã. Lễ hội Quán Thế Âm chính là một điểm sáng, có thể nói là tiêu biểu nhất trong việc xây dựng lễ hội văn minh của thành phố. Từ khi trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia (năm 2021) và được nâng tầm lễ hội cấp thành phố (năm 2023), lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức quy mô hơn, thu hút đông người hơn, nhưng vẫn rất trang nghiêm, an toàn và văn minh.

Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình cho biết, để bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, trật tự, địa phương chủ động phối hợp các tiểu ban giúp việc thực hiện lễ hội “5 không”: không có trộm, cướp và tệ nạn xã hội; không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; không xả rác, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không chèo kéo khách, không nâng giá, ép giá; không phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan. Các hoạt động dâng hương, đốt vàng mã được hạn chế tối đa; hàng quán giá cả niêm yết rõ ràng; lộc chùa được đặt ở nhiều địa điểm khác nhau để tránh chen lấn, ùn tắc. Ngoài ra, những vấn đề như: nâng giá giữ xe, bán hàng rong, ăn xin trá hình, nạn bán chim, cá phóng sinh, các hoạt động mê tín dị đoan… cũng được thành phố, địa phương dẹp triệt để.

Gắn phát huy lễ hội với phát triển kinh tế - xã hội

Mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch, đặc biệt là lấy lễ hội để thu hút du khách ngày càng thể hiện rõ trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội thành phố hiện nay. Trong 5 đêm diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024, lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ đạt gần 360.000 lượt người. Riêng ngày diễn ra đêm chung kết DIFF 2024 (ngày 13-7) có khoảng 147 chuyến bay đến Đà Nẵng, gần 8.000 khách đến thành phố bằng đường tàu hỏa.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đà Nẵng sau đêm chung kết DIFF 2024, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định, DIFF 2024 được tổ chức thành công, đóng góp rất lớn về doanh thu dịch vụ cũng như thu hút du khách đến thành phố. Đây là tín hiệu rất tốt để thành phố nỗ lực hơn trong những kỳ tổ chức tiếp theo. Những yêu cầu, mục tiêu của lễ hội đề ra đều đã đạt được, nhất là nhận được sự đánh giá rất cao của khán giả, người dân, du khách trong và ngoài nước. “Kế thừa những kết quả này, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới để DIFF tiếp tục phong phú về sự kiện, đa dạng, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân và du khách”, Chủ tịch UBND thành phố nói.

Một tiết mục nghệ thuật trong đêm chung kết Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2024. Ảnh: X.D
Một tiết mục nghệ thuật trong đêm chung kết Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2024. Ảnh: X.D

Hiện nay, UBND thành phố đang xây dựng dự thảo kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội trên địa bàn thành phố đến năm 2030, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan về nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị các lễ hội; đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ giá trị lễ hội; phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội gắn với phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Với vai trò là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng, thực hiện kế hoạch, Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa lễ hội; triển khai các hoạt động sưu tầm, kiểm kê và đánh giá thực trạng lễ hội. Đặc biệt, chú trọng đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích gắn với lễ hội, có giải pháp bảo đảm mỹ quan cho công tác tổ chức lễ hội. Đồng thời, tổ chức lớp truyền dạy và thực hành các nghi thức, nghi lễ, trò chơi... trong lễ hội. Rà soát, phục dựng những nghi lễ, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp có giá trị có nguy cơ thất truyền, mai một. Dự kiến, đến năm 2027, thành phố hoàn thành số hóa dữ liệu 100% lễ hội trên địa bàn. Năm 2028 phát hành ấn phẩm và cổng tra cứu về lễ hội Đà Nẵng.

K.NGUYÊN

.