Đà Nẵng cuối tuần
Nhà văn Nguyễn Phú và Giấc phai
Tập truyện ngắn Giấc phai (NXB Quân đội Nhân dân, năm 2024) của nhà văn Nguyễn Phú vừa vặn với 12 truyện ngắn, gần 200 trang, đưa tôi về với những nỗi đau nằm lòng của thân phận đàn bà. Những truyện ngắn với dung lượng ít chữ, nhiều nghĩa và như lời tự sự dẫn lối người đọc đi qua từng vùng cảm xúc. Trong ngàn cuộc gặp gỡ - chia ly của bao đôi trai gái trong cuộc đời này, cuộc ở lại vẫn là những khát vọng mà ngòi bút nhà văn muốn gửi lại trên từng câu chữ.
Bạn đọc, hẳn không xa lạ với nhà văn Nguyễn Phú với sự cẩn trọng và tinh tế khi viết, gầy dựng chân dung các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn nữ. Tôi hỏi nhà văn Nguyễn Phú vì sao trong văn anh, có những đoạn tình đẹp mà day dứt thế? Tôi nhận được câu trả lời chính sự thấu hiểu và đọc vị được nỗi đau, sự thiệt thòi và cả những dở dang mà mỗi cuộc đời người phụ nữ phải trải qua. Các nhân vật nữ hay hình ảnh những người đàn ông, hiện lên sau lớp ngôn ngữ của anh - là những người mang gương mặt ướt buồn đẫm nước mắt.
Cách đặt tên cho từng truyện ngắn trong tập Giấc phai là cách nhà văn “nhả kén” để hé lộ mạch cảm xúc cho người đọc. Nguyệt ca, Bến Hồng Nhan, Bão, Giấc phai, Thư hồng, Bến Ma, Ánh lửa trên đồi Quyên Thảo… là những tên truyện đầy gợi cảm và có chút ma mị với ngòi bút tung tẩy như Nguyễn Phú. Sau sự cương nghị của một nhà văn mang áo lính, người đọc dễ nhận ra anh với tấm lòng nhìn thấu cuộc sống đầy vị tha. Áng chừng người đọc sẽ bị hút vào một vườn hoa hồng với quá nhiều gai. Ở đó có tình yêu nhưng ở đó cũng có ngàn vạn sự tiếc nuối, ngẩn ngơ và cả nỗi đau tự chìm lặn xuống đáy sông mà chỉ có người ở lại mới cảm nhận được và đưa lên đôi tay mình. Đó như giọt nắng, sưởi ấm những tâm hồn đã rã rời thất vọng bởi tình yêu.
Số phận từng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Phú, cùng những tên gọi, những ngôi làng, những miền đất… đều ăm ắp giá trị văn hóa vùng đất, con người vùng Bắc Bộ. Trong cách nói, cách diễn từ hay cả cách yêu, tất cả, đều tạo nên sự khác biệt. Hoặc tác giả muốn hóa giải nỗi đau thời chiến còn sót lại, vảng vất đâu đây trên những phận người, những bến sông quê, những làng quê diệu vợi. Và khi gấp cuốn sách lại, người đọc lại có quyền được đưa sức tưởng tượng của mình đi xa hơn, chạm đến nỗi thống khổ trong từng nhân vật mình vừa được gặp.
Bạn đọc sẽ ngạc nhiên với sức tưởng tượng trong truyện ngắn Ánh lửa trên đồi Quyên Thảo. Người phụ nữ ôm trọn mối tình với người đàn ông mang trong mình trọng tội. Cách lột tả tâm trạng nhân vật của Nguyễn Phú đẹp đến đau đớn. Những dòng văn như kể, “Căn bếp là nơi trú ngụ linh hồn của người đàn bà. Đàn bàn phải nhóm lửa, giữ ấm, chăm sóc cho những người thân yêu và cả vật nuôi trong nhà. Thế nên đàn bà đừng bao giờ làm cho căn bếp của gia đình mình nguội lạnh…”. Và người đàn bà trong truyện “vin” vào đó để cái bếp bên căn nhà nhỏ trên đồi Quyên Thảo luôn đỏ lửa để đợi người đàn ông ấy trở về. Đọc và nhận ra, đây chính là ngọn lửa hy vọng thánh thiện để thức tỉnh lương tri của người từng nhúng chàm tội lỗi.
Đó là một nhân vật Đào với giấc mơ hoài thai số phận, bằng một lực cảm xua tan đi những mộng mị của cuộc đời với nỗi đau đầu tiên và duy nhất trong truyện ngắn cùng tên với tập truyện - Giấc phai. Hóa ra, khi chạm và thấu hiểu được nỗi đau đớn của đàn bà, người ta muốn mọi thứ chỉ là một giấc mơ và giấc mơ ấy, lại lấy đi nước mắt. Đào đời hay đào phai, hay sắc hoa đào mỏng manh kiêu sa ấy - vẫn là vị chát mặn của một đời hoa cho đến phút tàn úa sau cùng. Tàn phai có thể là điều còn lại, nhưng Giấc phai sẽ như cuộc chiêm bao chữ nghĩa của một người cầm bút. Tan và không tan. Đau mà không đau nhưng làm người ta nhói buốt mỗi khi gặp lại.
Giữa rất nhiều giọng văn trên văn đàn hôm nay, ngưng lại với Giấc phai, người đọc, sẽ ít nhất một lần chạm được cảm xúc rung động thật sự của mình, như văn tan vào chữ và chữ neo vào tim người.
Số phận từng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Phú, cùng những tên gọi, những ngôi làng, những miền đất… đều ăm ắp giá trị văn hóa vùng đất, con người vùng Bắc Bộ. Trong cách nói, cách diễn từ hay cả cách yêu, tất cả, đều tạo nên sự khác biệt. Hoặc tác giả muốn hóa giải nỗi đau thời chiến còn sót lại, vảng vất đâu đây trên những phận người, những bến sông quê, những làng quê diệu vợi. Và khi gấp cuốn sách lại, người đọc lại có quyền được đưa sức tưởng tượng của mình đi xa hơn, chạm đến nỗi thống khổ trong từng nhân vật mình vừa được gặp. |
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO