Đà Nẵng cuối tuần
Người Cơ tu giữ lửa âm nhạc dân gian
Trong các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thì đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Cơ tu khá phong phú, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng tiêu biểu của tộc người Cơ tu miền cao vùng Tây Trường Sơn nước ta.
Đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Cơ tu khá phong phú, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng. Ảnh: M.T |
Qua các vùng đất người Cơ tu sinh sống như Hòa Phú, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) và Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), có thể nói văn hóa dân gian, trong đó có âm nhạc dân gian Cơ tu huyện Đông Giang khá đặc trưng và tiêu biểu.
Hồn văn hóa Cơ tu
Hơn 30 năm trước, tôi cùng nhóm điền dã đi sưu tầm nghệ thuật dân gian Cơ tu nhằm xây dựng chương trình tham gia Liên hoan Sơn Ca 91 do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức. Huyện Hiên đã cử nghệ nhân hát dân ca A Tùng Vẽ, nghệ nhân A Rất Đốt diễn tấu các nhạc cụ Cơ tu; diễn viên múa Alăng Đinh, Alăng Sơn cùng các diễn viên người Cơ tu khác tham gia biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca và múa Tung tung da dá. Tất cả phối hợp hình thành chương trình chỉ có bốn tiết mục song tất cả đều đoạt huy chương Vàng và giải Nhất toàn đoàn, tạo tiếng vang khắp cả nước. Cũng từ đây, nghệ thuật âm nhạc dân gian Cơ tu được nhiều người biết đến. Thời điểm đó, chúng tôi đã gặp và khai thác rất hiếm hoi một vài làn điệu dân ca, dân nhạc mà khi các cụ hát lên thì câu được, câu mất; trong khi lớp trẻ không mặn mà với dân ca, dân nhạc Cơ tu.
Sau 30 năm, chúng tôi lại đến miền cao này, may mắn đoàn đã gặp được gia đình cố nghệ nhân A Tùng Vẽ gồm con gái là Ating Oanh, con dâu là Ating Thị Khoàn đều biết hát múa dân gian Cơ tu. Tuy nhiên, khi được mời hát thì bà Ating Oanh, 61 tuổi, vóc dáng nhỏ bé, sức yếu nên chỉ hát đôi câu trong điệu ru con A dơng cacoon với ánh mắt xa xăm. Cô Ating Thị Khoàn hát điệu ru con, điệu Cơ rơ lới thường được hát vui trong lễ hội, đám cưới. Chúng tôi còn gặp bà A lăng Chư, 60 tuổi cũng say mê tìm đến đoàn sưu tầm để lắng lòng trong phút giây lùi về hồi ức tuổi xuân, chỉ cất lên vài thanh âm chắp nối của điệu Chachăp. Đó là đôi câu dân ca Cơ tu còn rơi rớt lại trong quãng đời xế chiều của hai bà.
Ở Đông Giang, khoảng những năm 90 của thế kỷ trước có một số bậc cao niên diễn tấu được các loại đàn truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ tu như A Rất Đốt, trai trẻ như A lăng Sơn, hát dân ca ngọt ngào như Alăng Đinh… Đáng tiếc hiện tại không còn người chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ thuần thục và hiếm hoi người hát các làn điệu dân ca điêu luyện. Trước đây nghệ nhân A Rất Đốt có thể diễn tấu nhiều nhạc cụ như: đàn Tapeh, kèn Cabluôc, sáo Rahêm, đàn Hroa... Đó là các loại nhạc cụ rất độc đáo, gắn liền với truyền thống văn hóa lâu đời của đồng bào tộc người Cơ tu... Nay ông đã quá già yếu ở ngưỡng tuổi 85.
Nỗ lực bảo tồn, gìn giữ
Trong các Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh Quảng Nam, được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức thường kỳ hai năm một lần, điều chúng tôi mong mỏi là gặp được đội ngũ những người Cơ tu trẻ ở huyện Đông Giang. Thế nhưng, những thanh niên Cơ tu từng hát cho chúng tôi nghe một vài làn điệu dân ca quen thuộc trước đây thì đến nay đã xa xứ, rời buôn làng mưu sinh. Đó là một thực trạng trong tiến trình bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân gian Cơ tu trong giai đoạn hiện nay.
Khi đến thôn Gừng, may mắn là chúng tôi gặp vợ chồng nghệ nhân Klau Nhím - Alăng Xuân cùng tuổi 70, họ cùng chơi khèn Tăm pét và hát lên làn điệu Chachăp, lời cổ thật hòa quyện, trân trọng, tạo được không khí vui tươi, đầy ân tình nơi núi rừng miền cao Đông Giang. Ông kể rằng trước đây ông đã từng chế tác các loại nhạc cụ, các vật dụng làm nương rẫy. Vậy mà hiện nay trong nhà chỉ còn cây khèn Tăm pét cũ kỹ cùng một vài chiếc gùi, cái nia cất giữ làm kỷ niệm.
Các nhà nghiên cứu lo lắng chẳng bao lâu văn hóa dân gian của tộc người Cơ tu ở các địa phương như: thôn Gừng, xã Sông Kôn, thị trấn Prao, huyện Đông Giang sẽ phai nhạt dần rồi biến mất hẳn. Sự biến đổi theo chiều hướng tích cực quá yếu ớt bởi lớp trẻ Cơ tu không mặn mà với việc kế thừa. Trai tráng thanh niên vì mưu sinh nhọc nhằn phải đi làm ăn xa, chỉ còn lại người già và con trẻ nên việc trao truyền cũng vô cùng khó khăn...
Giữa những lo âu, trăn trở ấy thì chính quyền địa phương đã kịp thời vào cuộc, sớm thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ tu tại huyện Đông Giang, nhằm xây dựng kế hoạch lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như: nói lý - hát lý, diễn tấu cồng chiêng, múa Tung tung dá dá, đan lát mây tre... của tộc người Cơ tu để phục vụ du lịch, đồng thời phát triển kinh tế trong cư dân Cơ tu nơi đây.
Tại lễ hội Văn hóa truyền thống Cơ tu xã Sông Kôn lần thứ IV diễn ra vào hạ tuần tháng 7-2024, đã tái hiện đầy đủ các nghi thức văn hóa mang đậm sắc màu truyền thống Cơ tu, với điểm nhấn là không gian trình diễn điệu múa Tung tung da dá tập thể, quy tụ hàng trăm nghệ nhân, diễn viên địa phương tham gia. Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội hòa mình vào những nhịp trống, nhịp cồng chiêng đa âm điệu do các nghệ nhân diễn tấu; trình diễn trang phục truyền thống, hội thi nói lý, hát lý cũng quy tụ nhiều nghệ nhân, diễn viên đến từ nhiều buôn, làng ở địa phương, đã hấp dẫn những người tham gia. Bên cạnh đó, sự tham gia của khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang trong khuôn khổ Lễ hội Ớt A riêu vào tháng 8-2024 đã góp phần không ít vào việc bảo tồn âm nhạc dân gian Cơ tu với những tiết mục diễn xướng nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn được giới thiệu rộng rãi đến người thưởng ngoạn với nhiều hình thức được dàn dựng công phu.
Chúng ta đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống cha ông mình để lại. Song, bảo tồn, lưu giữ sao cho thật hiệu quả trong quá trình hội nhập để phát huy tốt các giá trị văn hóa mới là mục đích hướng tới.
VĂN THU BÍCH