Đà Nẵng cuối tuần

Bốn "dấu ấn" nơi bức hoành trên 300 năm tuổi

13:22, 27/10/2024 (GMT+7)

Bức hoành phi với bốn chữ “Cứu thế độ nhân” ở đình làng Sơn Phong (trên 300 năm tuổi) được xem là “dấu ấn” sớm nhất của chúa Nguyễn Phúc Chu ở Hội An, trước cả biển vàng Lai Viễn Kiều nổi tiếng đang treo tại chùa Cầu.

Đình làng Sơn Phong và bức hoành phi 309 năm tuổi. Ảnh: Tư liệu
Đình làng Sơn Phong và bức hoành phi 309 năm tuổi. Ảnh: Tư liệu

Lai lịch một ngôi làng

Sơn Phong là một trong 13 đơn vị hành chánh cấp xã/phường của thành phố Hội An, vốn là một phần của xứ Tầm Vông thuộc tổng Phú Triêm Hạ ngày trước.

Địa danh Sơn Phong ra đời chính thức vào thời điểm nào thì không rõ. Tìm trong các tư liệu cổ như Ô châu cận lục (Dương Văn An, 1555), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776), Địa bạ Gia Long (1814), Đồng Khánh Địa dư chí (1887) đều không thấy địa danh này. Lần đầu tiên gặp địa danh Sơn Phong là vào năm 1898, trong Đạo dụ của vua Thành Thái (1889-1907) thành lập thị xã Faifoo đặt làm tỉnh lỵ của Quảng Nam. Lúc này thị xã Faifoo có 4 xã là Hội An, Minh Hương, Cẩm Phô và Sơn Phong.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe trong Địa danh Quảng Nam Xưa & Nay cho rằng: “Nguyên thời xưa, thế kỷ XVIII, Sơn Phong ngày nay bao gồm đất các làng nhỏ Phong Niên, An Thọ, Đại An mà thành. Về sau chuyển hóa tên gọi thành làng An Phong. Làng vẫn còn nhỏ, lại nhập thêm làng Mậu Tài để có làng Sơn Phong. Sau nữa (không rõ thời gian) thực dân Pháp cắt 18 mẫu đất của ấp Sơn Tây thuộc làng Sơn Phô nhập vào để có làng Sơn Phong sau này” (Tập 4, trang 118).

Theo Quảng Nam xã chí, bản điều tra năm 1943 thì: “Làng Sơn Phong đệ tứ phường được thành lập năm 1935 gồm đất của 3 làng Phong Hộ (Phong Niên và An Phong), An Thọ (Đông An), Sơn Phô”. (Những địa danh làng xã có liên quan đến sơn Phong ngày nay  đều có tên trong Địa bạ Gia Long và Đồng Khánh địa dư chí).

Sau năm 1954, thị xã Hội An dưới thời Pháp được chuyển thành xã Hội An, thuộc khu hành chánh Cẩm Phô của quận Điện Bàn. Lúc này Sơn Phong là một ấp của xã Hội An. Đến năm 1962, thôn Sơn Phong cũng thuộc xã Hội An nhưng trực thuộc quận mới lập là Hiếu Nhơn. Sau năm 1975, Sơn Phong là một phường của thị xã Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng rồi tỉnh Quảng Nam (1997).

Từ tháng 1-2008, khi thị xã Hội An được nâng lên thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh Quảng Nam, Sơn Phong là phường của thành phố Hội An.

Hiện nay đình làng Sơn Phong được công nhận là Di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc gia. Tại đây còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong của triều Nguyễn và đặc biệt có bức hoành phi đã tròn 309 năm tuổi.

Bốn dấu ấn đặc biệt

Tại đình làng Sơn Phong hiện còn lưu giữ một bức hoành phi được cho là thủ bút của chúa Nguyễn Phúc Chu, ban tặng cho một cơ sở tín ngưỡng ở xứ Tầm Vông (tiền thân của làng Sơn Phong) vào năm 1715.

Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) là vị chúa thứ 6 trong số 9 chúa Nguyễn. Trị vì từ 1691 đến 1725 là thời kỳ thịnh trị nhất của xứ Đàng Trong, Nguyễn Phúc Chu từng vi hành đến Quảng Nam vào năm 1719 và để lại đây nhiều dấu ấn đặc biệt như 2 bài thơ Ải lĩnh xuân vân và Tam Thai thính triều cùng biển vàng Lai Viễn Kiều (chùa Cầu).

Theo bài viết Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu với Hội An của nhà nghiên cứu Trần Văn An đăng trên trang hoianheritage.net (Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An), bức hoành tại đình làng Sơn Phong bằng gỗ, kích thước khá lớn: dài 263cm, rộng 81cm, viền xung quanh rộng 15,5cm chạm hình 10 chim phượng bay trong các tư thế khác nhau chầu về mặt trời theo đề tài phượng triều dương.

Hình các chim phượng chạm trổ sắc sảo, sinh động, là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình tuyệt đẹp. Lòng bức hoành chạm 4 chữ Cứu thế độ nhân, nét chữ phóng khoáng theo kiểu lệ thư, là ngự bút của chúa Nguyễn Phúc Chu. Thượng khoản ghi: “Vĩnh Thịnh thập nhất niên tuế thứ Ất Mùi bát nguyệt nhị thập nhất nhật đề” (Viết ngày 21 tháng 8 năm Ất Mùi - Vĩnh Thịnh thứ 11).

Góc trên thượng khoản có một con dấu hình hột xoài, kích thước cao 9,5cm, rộng 4,5cm, giữa lòng có 3 chữ triện từ trên xuống Thiên chí tôn (天至尊). Hạ khoản ghi: Quốc chúa Thiên Túng đạo nhân ngự bút, cho biết đây là ngự bút do chính Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, tự hiệu Thiên Túng đạo nhân viết.

Cuối hạ khoản có 2 con dấu một tròn, một vuông. Dấu tròn ở trên đường kính 6cm, giữa lòng 4 chữ triện từ trên xuống Hiệp nhất chủ nhân (恊弌主人), hai bên dòng chữ có hình 2 con rồng nhỏ chầu vào. Dấu vuông bên dưới có cạnh 6cm, lòng khắc nhiều chữ triện chưa đọc được.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ làng Sơn Phong được Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng bức hoành phi “Cứu thế độ nhân” vì “có truyền thống làm các dịch vụ về thương mại và bảo đảm an ninh cho cả phố Hội An”. 

Còn nhà nghiên cứu Trần Văn An, trong bài đã dẫn, thì cho rằng: “Để được ngự ban bức hoành này chắc chắn phải là một di tích tín ngưỡng có tầm cỡ và việc chạm các hình chim phượng cho thấy sự liên quan đến một vị nữ thần, có thể là Thiên Y A Na Chúa Ngọc hoặc bà Đại Càn, hai vị nữ thượng thần từng được tôn thờ ở nhiều làng xã tại Hội An”.                         

Bức hoành phi được xem là dấu ấn đặc biệt nhất của chúa Nguyễn Phúc Chu ở Quảng Nam vì nhiều lẽ: Thứ nhất, tấm biển là thủ bút của Quốc Chúa, điều này cũng cố thêm cho nhận định “ông là người văn hay, chữ tốt”; thứ hai vì được ban trước cả thời điểm chúa tuần du Quảng Nam 4 năm (Ất Mùi, Vĩnh Thịnh thứ 11 là năm 1715). Thứ ba. vì đây được đánh giá là “bức hoành phi có niên đại sớm nhất được tìm thấy ở Hội An” (Trần Văn An). Thứ tư, trên hoành phi có hai con dấu (giống trên biển vàng Lai Viễn Kiều) chứng tỏ từ thời Nguyễn Phúc Chu họ Nguyễn ở Đàng Trong đã xưng vương chứ không phải đợi đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát như nhận định của Lê Quý Đôn và các nhà sử học sau này!

LÊ THÍ

.