1.
Có nhiều người sinh ra ở Sài Gòn…
Có nhiều người từng bỏ Sài Gòn ra đi…
Có nhiều người vẫn đang sống ở Sài Gòn…
Có nhiều người nổi danh nhờ Sài Gòn…
Có nhiều người đã đến Sài Gòn “n” lần…
Nhưng cũng có nhiều người chưa một lần được đến Sài Gòn, mà tôi là một…
Từ xa Sài Gòn - tôi cố gắng để nhìn, để thấy Sài Gòn qua ánh mắt và ký ức của muôn người: khi là bạn, khi là người từng biết, không ít người mình ngưỡng mộ, và có cả những người tôi rất mong một lần gặp mặt… Tôi muốn ví nó giống như một chuyến du lịch tâm linh đầy thú vị. Có lẽ đó là chuyến đi Sài Gòn ít tốn kém nhất, nhưng lại đi được nhiều nơi, tới nhiều thời điểm lịch sử, gặp nhiều con người nhiều tính cách sống Sài Gòn. Đó là chuyến đi xuyên qua không gian, xuyên qua thời gian. Đi ngang đi dọc Sài Gòn. Để thấy một Sài Gòn chống Mỹ hồi Mậu Thân 68. Để thấy rực rỡ cờ hoa trong niềm vui và nước mắt của mọi người trong ngày 30-4 của đúng 38 năm trước. Để khâm phục nghị lực và khát vọng vươn xa của gia đình anh Chín Mì Gõ nuôi con học đại học nhờ những tô mì trong hẻm… Và, để thấy trong mình chợt nhiên chênh chao một cảm giác kỳ lạ: nhớ Sài Gòn.
2.
Từ Hà Nội, tôi thấy lại tâm trạng nhà văn Nguyễn Tuân khi ông ngồi ở chính mảnh đất này viết Sài Gòn chống Mỹ: “… Bấy giờ là đêm mùng hai rạng mùng ba Tết (31-1-1968) khoảng 3 giờ sáng (giờ Sài Gòn) tức là khoảng 2 giờ sáng Hà Nội. Mọi ngả đường dẫn vào ruột Sài Gòn liền bị cắt đứt… Sài Gòn không có điện, chỉ thắp bằng pháo sáng quân sự Mỹ. Nước thiếu, và cả Sài Gòn ăn bằng đồ hộp Hoa Kỳ. Các cửa hàng đóng kín, bánh mỳ bán rong đắt gấp mấy lần mọi ngày. Các cấp tiểu học, trung học, đại học đều không mở cửa trường. Thành phố Sài Gòn mỗi ngày chỉ sinh hoạt có 6 tiếng đồng hồ, từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Ngoài giờ đó, người đi đường sẽ bị an ninh Mỹ-ngụy bắn chết. Trong giờ đó thì được đi, nhưng lại cấm đi xe đạp, cấm ngồi xe gắn máy, cấm dùng tàu xuồng ghe. Và cấm đi thành tốp ba người, amen”.
Từ Hà Nội của 38 năm sau đó mà tôi vẫn cảm thấy hồi hộp cùng chàng trung úy Bùi Quang Thận rời quê lúa Thái Bình vào bộ đội, rồi khi giờ khắc lịch sử đến, anh được lệnh cùng đại đội xe tăng của mình tiến về Sài Gòn, nhằm thẳng Dinh Độc Lập vậy mà khi vượt cầu Sài Gòn rồi vẫn chưa rõ Dinh Độc Lập nằm ở đâu. Nhưng rồi Bùi Quang Thận cũng đã khắc tên mình vào lịch sử dân tộc để trở thành người “cắm cờ trên Dinh Độc Lập”. Hãy cùng đọc những dòng do chính Bùi Quang Thận viết: “Vượt qua cầu Sài Gòn, càng vào sâu, thành phố trong chiến tranh vắng ngắt, chỉ còn tiếng nổ ầm ầm của xe tăng chúng tôi. Những ngôi nhà lúp xúp chen lấn những ngôi nhà cao tầng đều đóng cửa im ỉm như nín thở chờ chiến tranh đi qua. Chúng tôi tập trung cao độ quan sát từng góc chết của các khu nhà, những con hẻm, ngách phố, súng đạn lăm lăm trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao độ, lòng nơm nớp lo sợ bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra từ những chỗ ấy… Sự tập trung cao độ làm cho chúng tôi quên đi cái nắng gay gắt của tháng tư Sài Gòn. Ngồi trong xe tăng như trong lò ấp trứng, mồ hôi ai cũng túa ra ướt đẫm cả quần áo (…).
Lúc này, ngoài Dinh Độc Lập, xe tăng, bộ binh ta đã tràn vào. Tôi rút cờ giải phóng ở cần ăng-ten ra buộc vào, kéo lên. Lá cờ giải phóng bay phần phật trên nóc Dinh Độc Lập trong bầu trời ngập nắng của thành phố Sài Gòn. Tôi hạ cờ xuống lấy bút máy Trường Sơn mang theo ghi vào góc dưới lá cờ dòng chữ: 11 giờ 30 ngày 30-4-75, bên dưới ghi thêm chữ Thận rồi lại kéo lá cờ lên. Tôi gấp lá cờ ngụy lại, đem xuống nhét vào hòm kính xe tăng. Sau này giao lại cho cán bộ bảo tàng Nhà nước.
Tôi thấy trong Dinh Độc Lập, ngoài đường phố, bộ đội, nhân dân, cả rừng người, rừng cờ, rừng hoa đang hân hoan đón chào chiến thắng…”.
3.
Có một Sài Gòn anh hùng trong chiến đấu. Nhưng cũng có ngay một Sài Gòn bình yên với những âm thanh và cảnh sắc của vùng đất nhiệt đới đầy quyến rũ. Ta cùng sống lại với dòng văn lấp lánh của thi sĩ Chế Lan Viên: “Sài Gòn còn bao nhiêu quyến rũ, nhưng cái hình ảnh mà chiều nay tôi sẽ mang đi ấy là cái hình ảnh thay chuyển, biến đổi dịu dàng của phố rộng, trời xanh, lúc nằm trên xe thổ mộ, tôi để cho nó chở mình qua phố xá (…). Tôi phải thú thật ra đây rằng các phong vị Sài Gòn là ở cả nơi xe thổ mộ. Chiếc xe nho nhỏ, mà gồm bao nhiêu ý nghĩa ở trong. Cái mái tròn làm nghĩ đến sự mát mẻ của những mui ghe. Cái lòng nghiêng nghiêng cho ta hưởng cái cảm giác nửa ngồi nghiêm trang, nửa nằm rã rượi, không chán nản mà cũng chẳng khắt khe. Cái số chỗ ngồi, trong bốn chỗ: bốn người bạn, bốn anh em, hay bốn kẻ thuận hòa của một gia đình…”.
Từ Hà Nội, tôi như được luồn sâu vào những con hẻm để cùng nhà văn Minh Hương đắm say với Nhạc đường phố: “Cậu bé rao mì đương vô xóm. Âm điệu nhí nhảnh như sức sống hồn nhiên và vô tư của cậu bé truyền được qua các thớ sợi của hai thanh tre gõ vào nhau. Xe mì đậu ngoài đường lớn, gần ngã tư. Cậu bé tung tăng vào hẻm nhỏ, ngõ cụt. Tuổi còn ham chơi. Vừa gõ vừa nhảy nhót. Có ai kêu nấu mì - cậu chạy vọt ra đường, bưng thức ăn vô tận nhà. Rồi lại tiếp tục gõ… “cốc, cắc… cà cốc, cốc cốc… cà cắc…”. Tiếng nghe liếng thoắng và nhí nhảnh, nhộn nhịp và giòn giã hơn, nếu được nhiều nhà kêu nấu”…
4.
… Sài Gòn của bạn. Sài Gòn của tôi.
Trong một Sài Gòn lớn, có nhiều Sài Gòn nhỏ…
Tôi đã thấy Sài Gòn trong mắt của nhiều người; đã thấy Sài Gòn ở những góc, những điểm khác nhau; thấy Sài Gòn trên cao, Sài Gòn dưới thấp…
Và tôi tin, cũng như tôi, mỗi người sẽ còn tiếp tục phát hiện ra những góc những điểm khác nữa để thêm hiểu, thêm yêu và muốn đặt chân đến mảnh đất phóng túng với ký ức đan vào hiện tại; với thời tiết của mưa, của nắng, của gió và mang cái tên gần gũi: Sài Gòn.
Tùy bút của HOÀNG THU PHỐ