Tháng 6 của thuở ấy, mỗi bài viết đều là một sự tự hào. Mỗi cái tin dù nhỏ xíu đâu chừng 100 chữ cũng dấy lên niềm vui rộn ràng vào sáng ngày ra báo…
Quãng đâu đó gần 20 năm trước, tôi nhớ những bài báo đầu tiên của mình được viết trên những tờ giấy học trò rồi đưa cho sếp. Sếp sửa bài bằng những nét bút bi đỏ xong trả lại. Rồi tôi nắn nót viết lại bài đã được biên tập ấy trên trang giấy một lần nữa. Cái vòng lặp đó cứ lặp lại mãi cho đến khi bài được sếp đồng ý là ổn và cho phép dàn trang…
Tháng 6 của thuở ấy, mỗi bài viết đều là một sự tự hào. Mỗi cái tin dù nhỏ xíu đâu chừng 100 chữ cũng dấy lên niềm vui rộn ràng vào sáng ngày ra báo…
Tôi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin rồi chuyển qua làm báo, như một cái nghiệp mà cuộc đời vốn dĩ đã chọn sẵn cho mình ngay từ đầu. Nỗ lực làm tốt vai trò của một phóng viên là không đủ, mà phải đọc nhiều, viết nhiều và bắt mình luôn cố gắng sau mỗi bài báo để ngày mai chắc chắn phải tốt hơn ngày hôm nay, vì mình xuất phát điểm từ con số 0, trong khi đồng nghiệp hầu như ai ai cũng được đào tạo báo chí bài bản.
Mãi sau này, tôi nghĩ mình cần phải biết ơn những câu chữ nắn nót - dù chữ của tôi thật sự rất xấu - trên những trang giấy với những bài báo đầu đời. Sự tư duy về câu chữ khi cầm bút viết sẽ hoàn toàn khác với việc gõ bàn phím laptop hay PC. Tin tôi đi, đấy là sự thật!
Tôi đã rời một tòa soạn báo chí để trở thành một freelancer đâu đó gần 10 năm. Trong suốt quãng thời gian trước và sau khoảnh khắc ấy, tôi đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi về xu hướng của báo giấy, báo điện tử cùng sự lên ngôi của “tờ báo mạng xã hội”…
Trong vài năm gần đây, với những buổi cà phê vỉa hè cùng đồng nghiệp làm báo các thế hệ sau, tôi luôn nói: “Hãy chuẩn bị một kế hoạch B cho công việc!”. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh những đồng nghiệp vì lý do nào đó buộc phải rời tòa soạn trong thế bị động. Họ có thể vì năng lực không còn đáp ứng nhu cầu của tờ báo, có thể vì lỗi lầm không thể sửa chữa với giấy trắng mực đen, hoặc đôi khi không còn tìm thấy được cơ hội thăng tiến…, mà phải bước ra ngoài với tâm thế hoang mang. Và với nhiều người, sau nhiều năm cống hiến, với gánh nặng tuổi tác, họ giống như một miếng chanh đã vắt kiệt nước… Âu đó cũng là quy luật tất yếu, nhất là khi báo chí phải thích nghi với môi trường truyền thông số.
Nghe thì có vẻ hơi nghiệt ngã, nhưng thỉnh thoảng tôi lại thấy vui khi đọc trên facebook của vài bạn đồng nghiệp làm báo giờ kiêm bán hàng online, lập kênh YouTube, hỗ trợ thêm công việc gia đình hoặc nhận thêm việc từ các công ty… Họ vẫn nuôi giữ niềm đam mê với công việc làm báo và cũng tỉnh táo với cuộc mưu sinh. Đó là thái độ sống hợp lý nhất trong thời đại 4.0 này.
Tôi đã và luôn xác tín rằng, cho dù rất nhiều nhà báo ngày hôm nay phải làm cùng lúc nhiều việc bên cạnh viết báo, nếu họ được tưởng thưởng xứng đáng với những con chữ, phần lớn trong số họ chẳng ai không muốn sống tận hiến với nghề.
Tôi vẫn viết bài cộng tác với một số tờ báo mà tôi yêu thích. Cái cảm giác khi viết về những vấn đề mình muốn bày tỏ, nhưng hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ nhuận bút ít hoặc nhiều, cách đánh giá của Ban biên tập về chất lượng bài, hoặc thậm chí là định mức bài vở trong tháng hay quý… thật sự khiến mình bộc lộ được gần như trọn vẹn quan điểm cá nhân.
Tôi, cũng như rất nhiều đồng nghiệp khác, vẫn “nặng” lòng nhưng không còn cảm thấy “nợ” với nghề. Thôi thì cứ nghĩ là duyên, còn “nợ” với nghề là còn duyên.
Trong rất nhiều khoảnh khắc đẹp của thời thơ ấu, tôi vẫn hay gặp lại trong giấc mơ bầy đom đóm sáng lập lòe những đêm mùa hè - một trong những thứ ánh sáng hiếm hoi và thuần khiết nhất của cuộc đời mà tôi luôn luôn thương quý.
Chỉ là, bằng nhận thức của một người đang trưởng thành, thứ ánh sáng thuần khiết ấy dù mê hoặc trí nhớ đến mức nào cũng không thể so sánh lại với sức mạnh của những bóng đèn led của đời sống đô thị hôm nay.
NGUYỄN PHONG VIỆT