Khoa học - Công nghệ

Xử lý vi phạm bản quyền phần mềm, cần mạnh tay!

11:32, 23/04/2008 (GMT+7)

Vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) được hiểu là đánh cắp phần mềm thông qua việc sao chép bất hợp pháp các chương trình chính gốc và làm nhiều bản sao hơn mức cho phép. Đã có nhiều biện pháp đưa ra nhằm bảo hộ BQPM cũng như vấn đề xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, song, thực tế tình hình không cải thiện nếu pháp luật chưa thực sự mạnh tay...

Thực trạng đáng báo động

Một lớp đào tạo về CNTT do Viện Tin học DN tổ chức.

Báo cáo tại Hội thảo về Bảo hộ bản quyền phần mềm do Trường Cán bộ tòa án (Tòa án Nhân dân Tối cao), Cục Bản quyền tác giả Việt Nam phối hợp cùng Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA), Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 18-4 mới đây cho thấy, tình trạng vi phạm BQPM của Việt Nam đang ở tỷ lệ khá cao (88%), dù đã giảm so với năm 2003 là 92%, đứng thứ 3 khu vực châu Á-Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Indonesia).

Thực tế, sử dụng phần mềm lậu (phần mềm bất hợp pháp) gây ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển công nghiệp phần mềm-một trong những ngành được xem là đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của một quốc gia. Những sản phẩm phần mềm lậu tung hoành trên thị trường đã gây thiệt hại đến nhà sản xuất và chính người tiêu dùng. Ông Tarun Sawney, Giám đốc Bộ phận chống vi phạm BQPM của BSA châu Á, đặt vấn đề: “Sử dụng phần mềm hiệu quả sẽ tạo ra nhiều lợi ích lớn đối với nền kinh tế. Nó cho phép các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác không chỉ riêng lĩnh vực CNTT. Và điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng vi phạm bản quyền cứ tiếp diễn? Nếu chúng ta giảm được 10% mức độ vi phạm sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng và lợi ích cộng đồng được cộng thêm...”.

Theo khảo sát của BSA, bất cứ một máy tính cá nhân hay tổ chức nào nghiễm nhiên được kiểm tra đều mắc vi phạm. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều công ty đã cài đặt trước các phần mềm không có bản quyền vào máy tính để bán cho khách hàng. Việc làm này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty bán máy tính, đồng thời chủ sở hữu những phần mềm hợp pháp chịu thiệt hại.

Làm thế nào để ngăn chặn vi phạm BQPM?

Tại Hội thảo, các cán bộ Tòa án Nhân dân quận, huyện, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã nêu ra những câu hỏi như: Giải pháp hạ giá thành sản phẩm trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam còn nghèo để tránh việc ăn cắp BQPM? Liệu phần mềm giá rẻ khi sử dụng có tương thích với hệ điều hành của máy tính? Hay có sự bắt tay thông đồng giữa nhà sản xuất phần mềm và phần cứng khiến người tiêu dùng không thể sử dụng được một phần mềm của nhà cung cấp trong một phần cứng khác?

Các chuyên gia cho biết, phần lớn các phần mềm dùng lậu không phải do giá cao, thậm chí rất rẻ cũng bị đánh cắp. Đối với cá nhân hoặc DN nếu không có khả năng tài chính, vẫn có thể dùng phần mềm giá rẻ. Chẳng hạn như Thái Lan, bên cạnh các bản quyền đầy đủ được rao bán với giá 400 USD thì có những phần mềm chỉ 40 USD dành cho người thu nhập thấp. Một giải pháp khác cho DN giảm chi phí giá thành bằng cách mua với khối lượng lớn.

Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam đã dẫn ra nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam cao, đó là do hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành của người dân còn thấp không chỉ riêng trong lĩnh vực CNTT mà hầu hết các lĩnh vực hoạt động khác. Lâu nay, các cơ quan thực thi pháp luật mới chỉ kiểm tra, xử lý các đơn vị kinh doanh vi phạm về mặt hành chính mà chưa đưa ra xử lý hình sự. Điều này lý giải vì sao việc chống vi phạm BQPM trong thời gian qua vẫn chưa hiệu quả vì pháp luật chưa đủ sức răn đe. Tới đây, theo quy định, mức chế tài xử phạt sẽ từ 1-5 lần giá trị hàng hóa bị phát hiện vi phạm bản quyền.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ BQPM nói riêng đang là vấn đề quan tâm của DN và cả trong công tác xét xử của ngành Tòa án trong các trường hợp xâm phạm quyền. Vì thế, nâng cao hiểu biết pháp luật và kiên quyết xử lý vi phạm trong lĩnh vực này trong xu thế hội nhập là cần thiết và tất yếu.

 
Ông Tarun Sawney, Giám đốc Bộ phận chống vi phạm BQPM BSA châu Á:
 
“Việt Nam là một trong những nước có mức độ vi phạm BQPM cao nhất thế giới, nhưng quan trọng là chúng tôi biết rằng mức độ vi phạm của các bạn đang giảm tương đối. Đây là tín hiệu đáng mừng cho VN. Chúng tôi cũng lấy làm hài lòng về việc Chính phủ VN hiện đang có những biện pháp thực thi pháp luật ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm hạn chế vi phạm BQPM. Tuy nhiên, Chính phủ VN cần đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực giáo dục và làm rõ luật hình sự liên quan đến xử lý phần mềm để bảo vệ lĩnh vực CNTT”.

Theo BSA, vi phạm bản quyền phần mềm có ảnh hưởng xấu về mặt kinh tế như cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm trong nước, thất thu thuế và các cơ hội việc làm của các nền kinh tế địa phương. Nếu từ nay đến 2009, vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam giảm được 10 điểm từ 92% đến 82%, thì kết quả đó sẽ trực tiếp đóng góp 1 tỷ USD vào GDP, tạo ra 4.097 việc làm trong lĩnh vực công nghệ cao cũng như đóng góp thêm 43 triệu USD tiền thuế vào ngân sách các chính quyền địa phương và 726 triệu USD doanh thu cho các công ty phần mềm trong nước.
 

Bài và ảnh: XUÂN DUYÊN

.